Khẩn: Miền Bắc chưa hết mưa, áp thấp nhiệt đới lại sắp đổ bộ vào

Đình Thắng Thứ bảy, ngày 21/07/2018 15:29 PM (GMT+7)
Xoáy thấp trên khu vực Bắc Bộ đang có xu hướng dịch chuyển theo hướng đông nam, sang ngày mai (22/7) sẽ mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7, giật cấp 9 tiến vào bờ biển Quảng Ninh-Hà Tĩnh.
Bình luận 0

Xoáy thấp sẽ mạnh thành áp thấp nhiệt đới  vào bờ biển Quảng Ninh-Hà Tĩnh

Bản tin lúc 14 giờ 30 hôm nay (21/7) Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, hiện nay xoáy thấp trên khu vực Bắc Bộ tiếp tục dịch chuyển theo hướng Đông Nam về phía Vịnh Bắc Bộ.

img

Xoáy thấp trên khu vực Bắc Bộ tiếp tục dịch chuyển theo hướng Đông Nam về phía Vịnh Bắc Bộ. Ảnh: nchmf

Dự báo, từ gần sáng và ngày mai (22/7), khả năng rất cao xoáy thấp này hoạt động mạnh dần lên thành áp thấp nhiệt đới ngay trên khu vực Vịnh Bắc Bộ. Áp thấp nhiệt đới sau khi hình thành có khả năng dịch chuyển chậm về phía Đông và gây gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9, sóng biển cao từ 2-4m cho khu vực Vịnh Bắc Bộ; trên đất liền ven biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh có gió giật cấp 6-7. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.

Ngoài ra, do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới kết hợp với gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh nên trong chiều và đêm nay (21/7), ở vùng biển Vịnh Bắc Bộ, khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa), vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau, Cà Mau đến Kiên Giang và vịnh Thái Lan tiếp tục có mưa dông mạnh. Khu vực Giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau tiếp tục có gió Tây Nam mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 8, sóng biển cao từ 2-3m; biển động.

 Đối với áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông lúc này có vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 18,6 độ Vĩ Bắc; 119,8 độ Kinh Đông, trên khu vực Bắc Biển Đông, cách đảo Lu-dông (Phi-líp-pin) khoảng 110km về phía Tây Tây Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60km/giờ), giật cấp 9. Phạm vi gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 60km tính từ tâm áp thấp nhiệt đới. 

Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Đông Đông Bắc và đi ra ngoài Biển Đông (phía Đông Kinh tuyến 120 độ Kinh Đông).

Cảnh báo lũ quét, sạt lở đất và ngập úng

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho hay, nguy cơ đặc biệt cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét tại nhiều nơi thuộc tỉnh Hòa Bình, Yên Bái và Phú Thọ.

Nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất và lũ quét ở vùng núi phía Bắc, đặc biệt các tỉnh như: Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Lào Cai, Hà Giang, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Quảng Ninh.

Nguy cơ ngập lụt tại vùng trũng và đô thị ở các tỉnh: Yên Bái, Phú Thọ, Hòa Bình, Ninh Bình, Thái Bình, Nam Định.

Do lũ trên sông Thao truyền về và do hồ Hòa Bình sẽ mở thêm 2 cửa xả đáy số 3 (10h/21/7) và số 4 (16h/ 21/7).  Mực nước sông Hồng sẽ lên mức 9,20m (dưới BĐ1: 0,3m) vào lúc tối mai ngày 22/7. Cảnh báo nguy cơ ngập lụt vùng trũng và bãi bồi ven sông Hồng.

Để chủ động ứng phó với xoáy thấp có khả năng hình thành ATNĐ và mưa lớn diện rộng, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng cống thiên tai đề nghị Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các Bộ, ngành, các tỉnh, thành phố tập trung thực hiện một số nội dung sau:

Đối với khu vực trên biển và ven bờ: Theo dõi chặt chẽ diễn biến của xoáy thấp trên các phương tiện thông tin; thông báo, hướng dẫn cho thuyền trưởng, các chủ phương tiện, tàu thuyền, tàu du lịch đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển để thoát ra hoặc không đi vào vùng nguy hiểm.

Tổ chức theo dõi, kiểm đếm tàu thuyền đang hoạt động trên biển, giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra; quản lý chặt chẽ việc ra khơi của các tàu thuyền, các hoạt động kinh tế trên biển và ven biển để đảm bảo an toàn về người và tài sản, đặc biệt đối với khách du lịch trên biển và trên các đảo.

Đối với khu vực đất liền: Theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, xoáy thấp; thông tin cảnh báo kịp thời đến chính quyền và người dân để chủ động phòng tránh, đặc biệt là đối với mưa lớn, ngập úng, dông lốc; chủ động triển khai phương án ứng phó theo “phương châm 4 tại chỗ”.

Triển khai phương án đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập, hạ du hồ chứa, nhất là trong tình huống xả lũ khẩn cấp.

Kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án sơ tán người dân tại các vùng thấp trũng ven sông, ven biển, vùng nguy hiểm, vùng có nguy cơ sạt lở, vùng ngập sâu, chia cắt, nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn.

Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem