Khẳng định bản lĩnh nông dân và vai trò Hội Nông dân Việt Nam trong việc tham gia phòng, chống dịch Covid-19

Phương Đông Thứ bảy, ngày 15/05/2021 05:35 AM (GMT+7)
Ngoài thiên tai bão lũ, hạn mặn..., năm 2020 đối với nông dân Việt Nam cũng như hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam (NDVN) còn gặp khó khăn, thách thức lớn là dịch Covid-19.
Bình luận 0

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của Chính phủ, sự vào cuộc của các bộ, ban, ngành, địa phương, bà con nông dân Việt Nam và Hội NDVN đã vượt qua những khó khăn, thách thức đó, tiếp tục khẳng định bản lĩnh, vai trò quan trọng trong xây dựng và phát triển đất nước.

"Giải cứu" nông sản, "giải cứu"... cỗ cưới

Năm 2020, trong vô vàn thông tin về dịch Covid-19 trôi rất nhanh, có lẽ thông tin về một nữ Chủ tịch Hội ND xã ở Hải Phòng phải nhờ hàng xóm láng giềng "giải cứu" hơn 70 mâm cỗ cưới của mình sẽ còn được nhiều người nhớ tới. Đó là trường hợp của chị Nguyễn Thị Hậu - Chủ tịch Hội ND xã Phù Ninh, huyện Thủy Nguyên, TP.Hải Phòng.

Chị Hậu và gia đình quyết định hoãn đám cưới (dự định diễn ra ngày 8/3/2020) để nêu gương việc tuân thủ các quy định phòng, chống dịch Covid-19 của Chính phủ và hưởng ứng lời kêu gọi cán bộ, hội viên, nông dân cả nước tham gia phòng, chống dịch Covid-19 do Chủ tịch Ban Chấp hành T.Ư Hội NDVN Thào Xuân Sùng phát động. Việc làm gương mẫu của chị Hậu đã được Hội ND TP.Hải Phòng khen thưởng, biểu dương đột xuất.

(Xuân) Khẳng định bản lĩnh nông dân và vai trò Hội Nông dân Việt Nam - Ảnh 1.

Chủ tịch T.Ư Hội Nông dân Việt Nam Thào Xuân Sùng trò chuyện với nông dân bên cánh đồng nguyên liệu của Tập đoàn TH ở Nghĩa Đàn (Nghệ An). Ảnh: Trần Quang

Năm 2020, Hội NDVN vẫn có nhiều hoạt động nổi bật mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Đó là việc Hội tổ chức thành công lễ Kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Hội NDVN và đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh; Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc Hội NDVN lần thứ V; Lần đầu tiên tổ chức tuyên dương 90 chi hội trưởng nông dân tiêu biểu xuất sắc; Tôn vinh và trao danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2020"; Tổ chức hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân lần thứ 3; Hội nghị toàn quốc đánh giá kết quả 10 năm thực hiện Kết luận số 61 và Quyết định số 673; Hội nghị tổng kết Chương trình phối hợp số 526 giữa Chính phủ và Hội NDVN, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam về "tuyên truyền, vận động sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn vì sức khoẻ cộng đồng giai đoạn 2017-2020"...

Hưởng ứng lời kêu gọi và cũng là chương trình hành động của T.Ư Hội NDVN trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp từ đầu tháng 2/2020, cùng với Hội Nông dân các cấp của các địa phương tiêu biểu như Quảng Nam, Đà Nẵng, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bình Định, Khánh Hòa, TP.HCM…, Hội ND các cấp TP.Hải Phòng cũng là những đơn vị tích cực tham gia hiệu quả vào công tác tuyên truyền, vận động hội viên, nhân dân phòng, chống dịch Covid-19.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 lây lan và bùng phát các ổ dịch tại Việt Nam năm 2020, các cấp Hội NDVN đã thể hiện vai trò của mình trong đời sống kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh và góp phần thắt chặt tinh thần tương thân, tương ái, đại đoàn kết dân tộc.

Vừa phải căng mình tham gia công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin chính thống, vận động nhân dân phòng chống dịch bệnh, Hội ND các cấp ở nhiều địa phương còn nỗ lực kêu gọi, quyên góp vật tư y tế, trang thiết bị cơ bản phòng, chống dịch, vừa quyên góp, ủng hộ, cung cấp lương thực, thực phẩm có các tuyến đầu chống dịch là các khu cách ly tập trung, các chốt ở biên giới, chốt kiểm soát dịch bệnh... Các đối tượng dễ bị tổn thương bởi dịch bệnh Covid-19 như người già, hộ neo đơn, hộ nghèo… được các cấp Hội NDVN lưu tâm hỗ trợ lương thực, thực phẩm, trang thiết bị cơ bản phòng dịch.

Vẫn câu chuyện từ TP.Hải Phòng, bên cạnh kêu gọi các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp, đơn vị, các nông dân sản xuất kinh doanh giỏi ủng hộ lương thực, thực phẩm hỗ trợ các đơn vị tuyến đầu chống dịch, Hội ND TP.Hải Phòng còn kêu gọi cán bộ, hội viên, nông dân tham gia các hoạt động cung ứng miễn phí khẩu trang. Hội ND xã Phục Lễ (huyện Thủy Nguyên), Hội ND phường Hải Thanh (quận Dương Kinh) đã lập tổ may khẩu trang để phát miễn phí cho các đối tượng dễ bị tổn thương như người già, người neo đơn, hộ nghèo…

Sơ kết sau 2 đợt bùng phát các ổ dịch tại Việt Nam, Hội ND các cấp TP.Hải Phòng đã quyên góp vật liệu, may và phát miễn phí hơn 2 triệu khẩu trang.

Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng sâu sắc theo hướng tiêu cực đến đời sống sản xuất, thu nhập của nông dân nhiều địa phương. Nông sản do dịch Covid-19 mà ùn ứ, không lưu thông, tiêu thụ được. Đó là tình cảnh nông dân tỉnh Cà Mau, Nam Định, Ninh Bình, Khánh Hòa nuôi cá mú, cá bống bớp đặc sản, nuôi cá sấu kích cỡ đã to, quá lứa mà không bán được đành cho các con đặc sản ăn ít, nuôi cầm chừng. Đó là tình cảnh nông dân tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ không bán được rắn hổ mang. Đó là tình cảnh nông dân tỉnh Bình Định, Quảng Nam… không bán được dưa hấu. Hay như nông dân tỉnh Quảng Ninh tồn ứ hàng ngàn tấn ngao, hàu sữa…

Trước thực tế đó, T.Ư Hội NDVN đã kêu gọi Hội ND các cấp, hội viên, nông dân cả nước tương thân, tương ái, ưu tiên mua ủng hộ các nông sản của nông dân tại các vùng tâm dịch. Đó là chiến dịch giải cứu dưa hấu của Hội ND huyện An Lão (Bình Định) và Văn phòng đại diện Báo NTNN/Dân Việt khu vực Đông Bắc. Cũng Văn phòng Đông Bắc đã phối hợp các sở, ban, ngành và địa phương của tỉnh Quảng Ninh tổ chức các hoạt động quảng bá, giới thiệu và bán ngao, hàu sữa cho nông dân…

Trong đợt bùng phát dịch Covid-19 thứ 2 ở Việt Nam mà tâm điểm là TP.Đà Nẵng cuối tháng 7, đầu tháng 8/2020, các tỉnh lân cận như Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế phải áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt, kéo theo đó là nông sản bị ùn ứ. Cán bộ và Hội ND nhiều địa phương đã sử dụng tối đa các tài khoản mạng xã hội như Facebook, Zalo đăng tải rao bán cá, rau xanh, gia cầm của hội viên, nông dân. Biết tin hội viên Hoàng Thị Liên ở thôn Bắc Thạnh, xã Phong Điền, huyện Phong Điền (Thừa Thiên - Huế) không thể đưa 6.000 con vịt bơ siêu nạc đi bán, ông Trần Văn Lập đã xin hình ảnh đàn vịt rồi đăng lên Facebook cá nhân kêu gọi mọi người hỗ trợ, mua giúp chị. Thông tin ông Lập đăng đã nhận được nhiều lượt chia sẻ và đặt mua vịt bơ siêu thịt.

Thích ứng, điều chỉnh để "sát cánh" nông dân

(Xuân) Khẳng định bản lĩnh nông dân và vai trò Hội Nông dân Việt Nam - Ảnh 3.

Với trang trại trồng bưởi da xanh rộng 28ha, ông Lầu Sí Nịp (xã Long Bình, huyện Phú Riềng, tỉnh Bình Phước) đã nỗ lực áp dụng các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP để đưa sản phẩm vào siêu thị, sẵn sàng xuất khẩu. Ảnh: Văn Dũng

Với bản lĩnh vượt qua khó khăn, thách thức trong năm 2020, nông dân, HTX, doanh nghiệp nông nghiệp, nông thôn chắc chắn ngày càng có đóng góp quan trọng cho mục tiêu phát triển nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại trong năm 2021 và các năm tiếp theo.

Trong 2 đợt bùng phát dịch Covid-19 tại Việt Nam, thực hiện quy định về cách ly, giãn cách xã hội, nhiều hoạt động của Hội ND và phong trào nông dân phải tạm hoãn. Không chịu ngồi yên, cán bộ, hội viên, nông dân, Hội ND nhiều địa phương đã tìm được giải pháp để vẫn tiếp tục hoạt động mang lại hiệu quả.

Hội ND nhiều tỉnh, thành phố, quận, huyện, xã, phường đã thiết lập các nhóm; trang tương tác mạng xã hội, qua đó kịp thời đưa thông tin chính thống từ các cơ quan quản lý nhà nước, các cấp chính quyền, các báo, tạp chí chính thống về thực hiện giãn cách xã hội, cách ly phòng chống dịch bệnh; phổ biến, hướng dẫn hội viên, nông dân thực hiện các quy định, biện pháp về phòng, chống dịch bệnh.

Các nhóm, trang mạng xã hội của Hội ND, tài khoản Facebook của nhiều cán bộ Hội ND các tỉnh như Hải Phòng, Nghệ An, Hà Tĩnh đã hoạt động rất tích cực trong cả 2 đợt bùng phát dịch Covid-19 và kể cả trong các đợt bão lũ hoành hành ở các tỉnh miền Trung. Trong đó, nội dung chính là cập nhật, phổ biến các thông tin cần thiết, thông tin chính thống về dịch Covid-19, tình hình bão lụt, nhu cầu cứu trợ, hỗ trợ của đồng bào vùng bão lụt. Nhiều nhóm, trang mạng xã hội do Hội ND huyện, xã thành lập, cán bộ Hội điều hành đã nhận được sự hỗ trợ, ủng hộ tiền, vật chất của người dân, nhà hảo tâm, doanh nghiệp để cứu trợ cho người dân khu vực thực hiện cách ly, giãn cách xã hội cũng như đồng bào vùng lũ lụt. 2 tỉnh có số lượng nhóm, trang mạng xã hội do Hội ND thành lập và cán bộ Hội điều hành hoạt động tích cực, hiệu quả trong 2 đợt bùng phát dịch Covid-19 và bão lụt là Nghệ An và Hà Tĩnh.

Đây chính là những kinh nghiệm quý, mô hình hay cần nhân rộng đối với Hội ND cả nước khi bước sang năm 2021 - trong bối cảnh tình hình dịch Covi-19 còn diễn biến phức tạp, khó lường trên toàn cầu và nguy cơ về dịch bệnh ở Việt Nam vẫn còn.

Khẳng định bản lĩnh

Trong năm 2020, mặc dù ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19; dịch bệnh trên đàn gia súc, các hình thái thời tiết khắc nghiệt, cực đoan như mưa đá, băng tuyết, bão lũ, nhưng sản xuất nông nghiệp vẫn duy trì được mức tăng trưởng 2,68%, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản đạt mức kỷ lục mới hơn 41,2 tỷ USD. Đảng, Chính phủ vẫn khẳng định, nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế; khu vực nông thôn vẫn là địa bàn chiến lược góp phần đảm bảo an sinh xã hội...

Thành tích nổi bật đó có sự đóng góp không nhỏ của doanh nghiệp nông nghiệp, doanh nghiệp nông thôn, các HTX, đặc biệt là đóng góp của những nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi.

Chịu tác động tiêu cực của các đợt bùng phát dịch Covid-19, nhiều nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, chủ trang trại, gia trại, HTX sau những thua lỗ do tình trạng gián đoạn, đứt gãy của chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm đã kịp thời có những điều chỉnh trong sản xuất, kinh doanh. Nhiều chủ trang trại chăn nuôi lợn, chăn nuôi gia cầm hoãn, giãn kế hoạch mở rộng quy mô sản xuất mà tập trung vào việc đầu tư, nâng cấp cơ sở sản xuất theo hướng hiện đại, áp dụng công nghệ cao như nuôi trong chuồng lạnh. Nhiều chủ trang trại, gia trại nuôi trồng thủy sản đã cơ cấu lại chủng loại vật nuôi, cây trồng phù hợp nhu cầu thị trường nhằm duy trì sản xuất kinh doanh, chờ thời cơ để có bước phát triển tốt hơn.

Điển hình như ông Lê Minh Quyền - Nông dân Việt Nam xuất sắc ở tỉnh Khánh Hòa, sau khi bị bị thua lỗ do tôm hùm sụt giá, ùn ứ bởi dịch Covid-19 bùng phát đợt 1 vào cuối tháng 2, đầu tháng 3/2020, ông Quyền đã lập tức điều chỉnh việc sản xuất.. Thay vì thả nuôi tôm hùm chiếm tỷ lệ lớn, ông thả nuôi tôm ít hơn, đồng thời thả nuôi thêm các loài cá vẫn được tiêu thụ khá tốt như chim, mú…

Hay nông dân Lầu Sỳ Nịp (Nông dân Việt Nam xuất sắc 2020, ở Bình Phước) - trồng 28ha bưởi da xanh, đã tập trung đầu tư, phát triển trang trại bưởi theo tiêu chuẩn VietGAP để có thể đưa sản phẩm vào hệ thống siêu thị. Ông Nịp còn tìm hiểu và tiếp tục áp dụng tiêu chuẩn sản xuất GlobalGAP để sẵn sàng cho kế hoạch xuất khẩu bưởi da xanh trong năm 2021… 

"Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ - CP ngày 29/5/2020 của Chính Phủ"

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem