Tin từ Bệnh viện Bạch Mai vừa cho biết, trong hơn 1 năm qua, có khoảng 40-60% ca bệnh có vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh.
40-60% ca bệnh có vi khuẩn kháng thuốc
Bệnh nhân N.M (71 tuổi, ở Ninh Bình) có tiền sử đái tháo đường, gout đang ở giai đoạn nguy kịch. Đáng nói, do tình trạng kháng kháng sinh nên các bác sĩ của Bệnh viện Bạch Mai đang khó khăn trong việc tìm ra kháng sinh phù hợp để chữa trị cho bệnh nhân.
"Hãy dùng kháng sinh đúng cách vì tương lai của chính chúng ta" là chủ đề của Tuần lễ truyền thông kháng thuốc năm nay. Bộ Y tế khuyến cáo, mỗi cá nhân khi sử dụng kháng sinh cần lưu ý: Chỉ uống thuốc đúng theo đơn bác sĩ, không tự ý mua và dùng kháng sinh khi chưa có ý kiến của bác sĩ điều trị; khi được bác sĩ kê đơn có thuốc kháng sinh, luôn uống đủ liều lượng đã được kê, không bỏ dở nửa chừng, ngay cả khi cảm thấy bệnh đã đỡ nhiều...
Trực tiếp điều trị cho bệnh nhân này, bác sĩ Nguyễn Hữu Quân (khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, bệnh nhân đến viện trong tình trạng khá nặng, phải thở máy và sử dụng thuốc vận mạch hỗ trợ. Bệnh nhân đã được điều trị ở tuyến dưới nhưng do tình trạng nhiễm trùng nặng, kháng kháng sinh nên phải chuyển lên trên. Tại Bệnh viện Bạch Mai, các bác sĩ phải làm kỹ thuật đặc biệt định danh vi khuẩn, đánh giá xem vi khuẩn có kháng kháng sinh không, từ đó đưa ra phác đồ điều trị hiệu quả hơn.
"Những người mắc bệnh mãn tính, dễ nhiễm trùng như người có tiền sử đái tháo đường, gout như bệnh nhân này thì khi đã tự ý sử dụng kháng sinh điều trị nhiều, khi có bệnh lý do vi khuẩn sẽ rất dễ kháng kháng sinh" - bác sĩ Quân cho biết.
Còn theo PGS - TS Nguyễn Văn Chi (phụ trách khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai), tình trạng kháng kháng sinh đang tăng cao một cách đáng báo động theo từng năm. Trong vòng một năm gần đây, ghi nhận tại Bệnh viện Bạch Mai có khoảng 40-60% ca bệnh có vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh.
Theo PGS Chi, thói quen tự dùng kháng sinh đang gây nguy hại cho chính người bệnh. Bên cạnh đó, khi gặp vi khuẩn kháng thuốc cũng rất khó khăn cho bác sĩ vì phải lựa chọn kháng sinh phù hợp và nhiều loại kháng sinh dùng rồi kháng thì không dùng được nữa, phải dùng thuốc đắt tiền hơn, chi phí cao hơn, phối hợp nhiều loại thuốc. Cơ hội và tiên lượng cho người bệnh bị ảnh hưởng, nguy cơ tử vong tăng lên so với nhóm bệnh nhân không kháng kháng sinh.
Vì tương lai khỏe mạnh
Theo PGS-TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), kháng kháng sinh là một trong những thách thức về y tế lớn nhất toàn cầu. Tình trạng này xảy ra khi các vi sinh vật như vi khuẩn, vius, nấm và ký sinh trùng thay đổi theo hướng làm vô hiệu hóa hoặc giảm hiệu quả các loại thuốc được sử dụng để điều trị các bệnh nhiễm trùng.
Kháng kháng sinh gây ra bởi tình trạng sử dụng thuốc chưa hợp lý, ví dụ sử dụng kháng sinh cho các nguyên nhân gây ra do virus như cảm lạnh, cúm, hoặc dùng thuốc kháng sinh theo đơn thuốc được kê cho người khác, tự mua thuốc kháng sinh để sử dụng, hoặc sử dụng thuốc kém chất lượng, hoặc kê đơn chưa hợp lý… Bên cạnh đó, công tác phòng, chống nhiễm khuẩn chưa hiệu quả cũng có thể dẫn đến sự phát triển và lan rộng của tình trạng kháng thuốc.
Ước tính đến năm 2050, trên toàn thế giới, số người chết vì kháng kháng sinh có thể lên tới 10 triệu người.
"Tại Việt Nam, thuốc kháng sinh chiếm hơn 50% dược phẩm được sử dụng, là một trong những quốc gia có tỷ lệ kháng kháng sinh cao trong khu vực châu Á. Đáng chú ý, nhiễm khuẩn hô hấp trong cộng đồng là một phần nguyên nhân của các bệnh hô hấp phổ biến như viêm xoang, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, viêm phổi cộng đồng. Các bệnh này cũng có tỷ lệ kháng kháng sinh ngày càng tăng, làm gia tăng tỷ lệ tử vong tại các nước châu Á - Thái Bình Dương. Điều này dẫn đến nhiều gánh nặng về điều trị y tế và tổn thất kinh tế" - PGS Khuê cho biết.
Ngày 25/11, cùng tham gia vào Tuần lễ nâng cao nhận thức về phòng chống kháng thuốc (từ ngày 18 - 25/11), Bộ Y tế, Bộ NNPTNT và các đối tác như Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hợp Quốc cùng nhau cam kết phối hợp, chấm dứt việc sử dụng kháng sinh sai và lạm dụng kháng sinh từ các bệnh viện, khu chăn nuôi và tại các hộ gia đình. Đồng thời, kêu gọi các ngành, lĩnh vực và mọi người dân cùng hành động hôm nay để duy trì hiệu quả của kháng sinh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.