Nuôi cá bớp, nuôi cá chim trong lồng HDPE ở tỉnh Khánh Hòa, bắt lên toàn con to bự
Khánh Hòa: Nuôi cá biển trong lồng nhựa HDPE, con nào cũng to bự, sống khỏe, nhanh được bán
Công Tâm
Thứ tư, ngày 17/11/2021 06:00 AM (GMT+7)
Ngày 16/11, Đoàn công tác do ông Lê Quốc Thanh – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia làm trưởng đoàn đến thăm mô hình nuôi cá bớp, cá chim và nuôi tôm hùm tại xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa).
Chia sẻ với đoàn công tác, ông Nguyễn Xuân Hòa (xã Vạn Thạnh, huyện Vạn Ninh) phấn khởi cho biết: "Lồng nhựa HDPE có đường kính 10m, thể tích 500m3 và tôi đã nuôi được 2 đợt. Trong đó, đợt 1 tôi thả nuôi 1.100 con cá bớp, sau khoảng 8 tháng nuôi cá đạt trọng lượng bình quân 7kg/con, tỷ lệ cá sống từ 89 – 92%, thu hoạch đạt trên 6,5 - 7 tấn, sau khi trừ chi phí lãi khoảng 88 triệu đồng ".
Ông Hòa cho biết thêm: "Thấy hiệu quả nên trong đợt 2 tôi thả 7.000 con cá bớp, thu hoạch đạt 9 tấn, với giá bán 125.000 đồng/kg, lãi 120 triệu đồng. Cá nuôi áp dụng công nghệ mới rất khỏe mạnh nên ngư dân chúng tôi yên tâm, hiện nay gia đình đang chuẩn bị thả nuôi đợt 3".
Tương tự, ông Trần Ngọc Sỹ (người nuôi cá bớp tại địa phương) vui mừng cho hay: "Qua tìm hiểu tôi đã mạnh dạn chuyển từ lồng nuôi gỗ truyền thống sang nuôi lồng HDPE. Tôi thấy lồng HDPE thoáng hơn, cá lớn nhanh, tỷ lệ sống cao hơn so với lồng nuôi truyền thống. Đây là lần đầu tiên tôi áp dụng công nghệ tiên tiến thả nuôi 1.200 con cá bớp. Qua 7 tháng nuôi cá đạt từ 4 – 4,5kg/con, dự kiến đến đầu tháng 12 sẽ xuất bán cho thương lái. Tôi thấy lồng nuôi này chịu được sóng to gió lớn, áp dụng dễ dàng cho ngư dân nuôi trồng thủy sản".
Các ngư dân cho rằng, nuôi lồng HDPE có đặc điểm là ô lồng nằm tách biệt với lồng khác, không kết lại thành bè với hàng chục ô nằm liền nhau như bè gỗ truyền thống.
Điều này giúp cho môi trường nuôi thông thoáng hơn, nhờ đó tỷ lệ cá sống cao hơn, phát triển mạnh khỏe, ít dịch bệnh hơn và ngư dân yên tâm đầu tư.
Theo ông Huỳnh Kim Khánh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Khánh Hòa, cơn bão số 12 năm 2017 đã gây thiệt hại rất nặng nề cho hoạt động nuôi biển của Khánh Hòa.
Trước tình hình thời tiết ngày càng diễn biến phức tạp, gió bão xảy ra thường xuyên hơn, đơn vị đã nghiên cứu, đặt vấn đề và được Trung tâm Khuyến nông Quốc gia hỗ trợ thực hiện dự án "Xây dựng mô hình nuôi cá biển bằng lồng tròn HDPE kiểu Na Uy" trên địa bàn tỉnh.
Cụ thể, dự án triển khai từ năm 2020 - 2022 với tổng cộng 6 mô hình, tổng kinh phí 4,75 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí khuyến nông hỗ trợ 3 tỷ đồng, số còn lại do người nuôi trồng thủy sản tham gia dự án đối ứng.
"Sau kết quả tích cực của mô hình do ông Hòa triển khai, năm 2021, trung tâm tiếp tục hỗ trợ 2 lồng tròn HDPE cho 2 hộ dân tham gia thực hiện, đồng thời tiến hành đánh giá hiệu quả triển khai để làm cơ sở, từng bước nhân rộng cho các hộ nuôi cá biển khu vực lân cận có nhu cầu học tập và làm theo" – ông Khánh chia sẻ.
Theo lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông quốc gia, việc ứng dụng công nghệ lồng nuôi HDPE thích ứng với biến đổi khí hậu, có thể nuôi tại các vùng biển hở, xa bờ, chịu được sóng gió lớn cấp 12 nhằm giảm thiểu rủi ro, thiệt hại cho nông dân khi thiên tai, bão lũ xảy ra.
Trao đổi với báo chí, ông Lê Quốc Thanh – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết: "Công nghệ sử dụng lồng HDPE với quy mô vừa phải đã được áp dụng tại Khánh Hòa nuôi rất tốt và hoàn toàn có thể nhân rộng được.
Với mô hình này, bà con có thể kiểm soát hoàn toàn quy trình công nghệ nuôi, các doanh nghiệp đã sản xuất được các thiết bị nuôi có độ bền, độ chắc tương tự với các thiết bị nhập ngoại nên mở rộng sản xuất.
Trong thời gian tới, tôi đề nghị Trung tâm Khuyến nông tỉnh tăng cường các lớp đào tạo, huấn luyện đưa bà con ngư dân những nơi chưa được tiếp cận kỹ thuật đến thăm quan, học tập trực tiếp".
Được biết, việc nuôi trồng thủy sản trên biển đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, đồng thời thể hiện vai trò quan trọng trong việc chuyển đổi từ khai thác tài nguyên thiên nhiên sang nuôi trồng trên mặt nước nói chung và nuôi biển nói riêng, góp phần tạo nguồn nguyên liệu ổn định cho công nghiệp chế biến, xuất khẩu, làm tăng giá trị kim ngạch xuất khẩu chung của ngành thủy sản và quan trọng là bảo vệ tài nguyên biển Việt Nam.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.