Ông Huỳnh Kỳ Hạnh, Giám đốc Sở Khoa học công nghệ tỉnh Khánh Hòa, chia sẻ như thế tại buổi công bố Triển lãm và hội nghị “Khoa học và công nghệ phát triển nông nghiệp vùng duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên” do Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ tổ chức tại TP.HCM ngày 24.3.
Khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên thường xuyên gặp khó khăn trước yêu cầu phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại. Ảnh: Nguyên Vỹ
Vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên trước nay vốn có thế mạnh phát triển du lịch nhưng nông nghiệp cũng đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu kinh tế.
Do điều kiện địa lý, khu vực này thường xuyên vẫn gặp khó khăn trước yêu cầu phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại bởi năng suất, chất lượng còn thấp, đầu tư khoa học công nghệ còn kém lại thường xuyên chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ thiên tai.
“Bản thân tỉnh Khánh Hòa có 3 viện nghiên cứu thuộc Trung ương, 1 trường đại học hàng đầu về thủy sản nhưng yêu cầu phát triển công nghệ lúc nào cũng là đề tài cấp thiết để khôi phục, phát triển nghề đánh bắt, nuôi trồng”, ông Hạnh nói.
Ông Hạnh dẫn chứng, công nghệ sau thu hoạch cho hoạt động đánh bắt cá ngừ hiện vẫn đang là khâu yếu khiến thu hoạch vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu xuất khẩu chất lượng cao.
Không chỉ Khánh Hòa, nhiều tỉnh duyên hải khác cũng có nhu cầu Nâng cao chất lượng cá ngừ xuất khẩu. Ảnh: Nguyên Vỹ
Ngành trồng trọt cũng đặt ra nhiều thách thức như nguồn giống bị thoái hóa hoặc cơ giới hóa trên ruộng mía còn khó ở các huyện vùng cao. Các sản phẩm đặc sản như xoài Cam Lâm, hay tỏi Lý Sơn trồng trên đất Khánh Hòa làm thương hiệu và đầu ra chưa tốt.
“Với tư cách là "chủ nhà" tổ chức sự kiện, Tất cả các khó khăn này đòi hỏi Khánh Hòa phải chia sẻ, học hỏi từ nhiều địa phương và đặc biệt cộng đồng doanh nghiệp tham gia đầu tư. Chúng tôi biết bản thân từng địa phương không thể làm hết được”, ông Hạnh cho biết.
Chia sẻ điều này, ông Trần Xuân Đích, Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ đánh giá việc đầu tư theo chuỗi giá trị từ nghiên cứu, liên kết sản xuất đến phát triển thị trường rất cần thiết và là nhu cầu thực tế của các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.
Đặc sản xoài Cam Lâm của Khánh Hòa chưa có đầu ra tốt. Ảnh: Nguyên Vỹ
Trong đó, Bộ Khoa học công nghệ đặc biệt chú trọng đến vai trò chủ động của các doanh nghiệp. Doanh nghiệp sẽ trực tiếp tham gia đầu tư khoa học công nghệ chứ không phải chỉ sử dụng lại nghiên cứu từ các viện trường.
Mỗi khu vực có những đặc thù riêng. Khoa học công nghệ vì thế không nhất thiết phải cần những ứng dụng cao nhất mà quan trọng là phù hợp nhất.
“Chương trình Triển lãm và hội nghị Khoa học và công nghệ phát triển nông nghiệp lần đầu tiên tổ chức tại vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên vì thế nhằm mục đích tạo ra sân chơi rộng mở, tạo điều kiện thu hút, giao lưu và phát triển công nghệ cho cả khu vực rộng lớn và đặc thù này”, ông Đích nhấn mạnh.
Ông Đích chia sẻ điển hình như cây sâm Ngọc Linh, bản thân Khánh Hòa cũng đang trồng thử chứ không riêng gì vùng giáp ranh với tỉnh Kon Tum. Nhưng bài toán phát triển thương hiệu quốc gia và chỉ dẫn địa lý thế nào thì lại cần kinh nghiệm chia sẻ từ các nhà khoa học và thương mại.
Chương trình “Khoa học và công nghệ phát triển nông nghiệp vùng duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên 2018” kéo dài 4 ngày từ 28.6 đến ngày 1.7 tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Dự kiến thu hút 300 – 400 gian hàng đến từ 24 tỉnh thành trên cả nước.
Chương trình sẽ giới thiệu các thiết bị công nghệ, sản phẩm nông nghiệp, nhằm giúp các doanh nghiệp nhà khoa học có điều kiện giao lưu, tăng cường hợp tác đầu tư phát triển, và ứng dụng khoa học công nghệ.
Ngoài các nội dung từ triển lãm, hội thảo chuyên đề, chương trình còn tổ chức các chương trình khuyến nông, tham quan trực tiếp các làng nghề trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa và các vùng lân cận.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.