Khi các đội bóng lớn cậy nhờ... EPTS

Thái Hà Thứ hai, ngày 03/08/2015 11:06 AM (GMT+7)
Trong thời đại mà các câu lạc bộ bóng đá hay các đội tuyển hơn thua nhau chỉ bằng “một li một lai” thì việc đội nào áp dụng công nghệ vào tập luyện và thi đấu sẽ mang đến lợi thế lớn…
Bình luận 0

Các đội bóng lớn đều áp dụng EPTS

Sau trận bóng giao hữu giữa tuyển Việt Nam và Manchester City (M.C), tiền đạo Nguyễn Quang Hải đổi áo kỷ niệm với hậu vệ Aleksandar Kolarov. Qua màn hình, ai cũng có thể thấy Kolarov mặc một chiếc áo đen bó sát cơ thể. Chiếc áo đó chính là một thiết bị công nghệ nhằm thu thập các dữ liệu về hoạt động của cầu thủ trên sân: Sự trao đổi chất, lượng vận động, gia tốc, nhịp tim, các chuyển động sang phải trái, hụp lên hụp xuống... Nó được gọi là hệ thống theo dõi thi đấu điện tử - Electronic Performance Tracking System (EPTS).

img

Các cầu thủ Valencia sử dụng EPTS trong tập luyện.Ảnh:  I.T

Năm ngoái, tuyển Đức vô địch World Cup ở Brazil một phần là nhờ họ áp dụng hệ thống EPTS của Hãng Adidas phát triển tên là “miCoach” trong tập luyện. Các đội bóng chơi nổi bật tại giải đấu đó như Nhật Bản, Argentina, Colombia cũng được Adidas tài trợ sử dụng “miCoach”.

Hai công ty khác đi đầu trong lĩnh vực EPTS này là Catapult và GPSports đều đến từ Australia. Catapult có hợp đồng với gần 100 đội bóng trên thế giới, từ các đội trường đại học Mỹ đến các câu lạc bộ chuyên nghiệp và đội tuyển quốc gia như Mỹ, Brazil. Khách hàng của GPSports là các đội bóng hàng đầu châu Âu như Chelsea, Real Madrid, Bayern Munich, M.C…

Lo dữ liệu bị đánh cắp

Các thiết bị EPTS sử dụng định vị GPS nên có thể gặp khó khăn trong vận hành nếu các trận bóng được tổ chức trong sân có mái che. Nhưng ít có trận bóng được tổ chức trong sân có mái che nên đây không phải là trở ngại lớn. Giá thiết bị này trang bị cho một đội bóng, cả phần cứng lẫn phần mềm chỉ vào 50.000USD, rõ ràng là không lớn.

Còn chuyện sử dụng? Một số cầu thủ phản đối nó. Ví dụ như Cristiano Ronaldo, anh ta từ chối đeo thiết bị sau khi “quê” trong một buổi tập: Nó thông báo anh ta chỉ chạy nhanh thứ 4 trong đội bóng Real Madrid. Nhưng Ronaldo là “sao” nên chẳng ai đụng đến anh ta.

Dave Tenner - Giám đốc phụ trách khoa học thể thao của đội bóng Mỹ Seattle Sounders cho biết các cầu thủ làm đúng đến 95% những gì họ được yêu cầu trong tập luyện nên họ không có hứng thú đeo thiết bị trong lúc thi đấu. Với nhiều cầu thủ và HLV, đeo thiết bị trong luyện tập là điều hữu ích vì họ cần biết chính xác họ đang làm gì và phải làm gì để cải thiện lối chơi, thể lực. Song buộc các cầu thủ đeo trong trận đấu là một việc tế nhị, có thể một số cầu thủ sẽ nghĩ rằng HLV không tin tưởng vào họ. Điều hành một đội bóng gồm những cái tôi lớn không phải là chuyện đơn giản.

Và tất nhiên là chuyện bảo mật nữa. Ở thời đại mà kiến thức dẫn đến lợi thế trong cạnh tranh thì luôn có những mối lo đối thủ sẽ ăn cắp dữ liệu. Nhưng một số nhà khoa học thể thao cho rằng không cần quá lo ngại về chuyện này. “Tôi chẳng thấy các đối thủ có thể làm gì được với số liệu của chúng tôi. Tôi mở cửa cho tất cả mọi người tiếp cận dữ liệu của các cầu thủ, có như vậy thì họ mới đến góp ý cho chúng tôi làm gì để tốt hơn” - Paul Balsom làm việc cho CLB Leicester nói.

Có số liệu là một chuyện, làm gì với số liệu là một chuyện còn khó khăn hơn nhiều. Ví dụ, sẽ chẳng có ích gì cho các đối thủ của Man City nếu họ có số liệu sinh học của Kolarov trong khi anh vẫn ghi bàn ầm ầm từ các cú sút phạt. Nhưng với Man City, số liệu của Kolarov sẽ rất hữu ích trong việc bảo anh phải ăn uống ra sao, phải tập chạy bao lâu hàng ngày… để có sức bền tốt hơn trong các trận đấu.  

Mới đầu, EPTS chỉ được sử dụng khi luyện tập. Ngày 8.7 qua, Tổng Thư ký FIFA Jerome Valcke gửi công văn đến các Liên đoàn bóng đá trên thế giới cho phép tất cả các đội bóng sử dụng EPTS trong các trận đấu. Thông tin từ EPTS ở các trận đấu giúp HLV đánh giá cầu thủ và ra các quyết định về thay người. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem