Khi HLV Miura, Công Phượng chỉ điểm yếu của bóng đá Việt

Hữu Tuấn (tổng hợp) Thứ ba, ngày 23/12/2014 18:59 PM (GMT+7)
Mới đây, HLV Toshsiya Miura cùng tiền đạo Nguyễn Công Phượng đã thay nhau chỉ ra những điểm yếu khiến bóng đá Việt Nam chậm phát triển so với các đội bóng khác trong khu vực và châu lục.
Bình luận 0
Theo nhận định của HLV Miura, nguyên nhân khiến bóng đá Việt Nam chậm phát triển là do thiếu tài năng, tâm lý thi đấu yếu kém của các cầu thủ, sự thiếu chuyên nghiệp trong phong cách quản lý của đội ngũ lãnh đạo.

Trong khi đó, sau khi chứng kiến ĐT Thái Lan lên ngôi vô địch AFF Suzuki Cup 2014, tiền đạo Nguyễn Công Phượng cũng dẫn ra những nguyên nhân giúp bóng đá xứ sở chùa vàng thi đấu thành công hơn so với Việt Nam. 

img

HLV Miura (Ảnh: Thể thao 247)

Cụ thể, Công Phượng cho rằng, cách làm bóng đá chuyên nghiệp, được tập luyện và thi đấu trên mặt sân cỏ tốt nhất, có bộ phận phục vụ riêng, lối đá đẹp và tinh thần fair-play chính là những lý do giúp ĐT Thái Lan thi đấu thành công hơn so với ĐT Việt Nam.

Xét trên bình diện khách quan, nhận định của HLV Miura và Công Phượng hoàn toàn có căn cứ. Kể từ sau thế hệ của Lê Công Vinh đã vô địch AFF Suzuki Cup 2008, bóng đá Việt Nam không sản sinh ra được một tài năng trẻ tầm cỡ nào (cho tới trước khi lứa cầu thủ U19 Hoàng Anh Gia Lai được trình làng).

img

Công Phượng (Ảnh: Zing)

Trong khi đó, bóng đá Việt Nam dù đã đi lên chuyên nghiệp kể từ năm 2000, song ý thức, thái độ thi đấu của các cầu thủ vẫn còn thiếu chuyên nghiệp. Đôi khi vì vì “máu ăn thua” nên các hậu vệ ở V.League không ngần ngại “chặt chém” những cầu thủ tấn công của đối phương. Hệ quả là hình ảnh của giải đấu số một Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế bị ảnh hưởng rất nhiều.

Từ trước đến nay, các cầu thủ Việt Nam vốn nổi tiếng sở hữu lối chơi kỹ thuật. Vì vậy, điều kiện sân bãi kém chất lượng đã làm ảnh hưởng không nhỏ tới lối đá này. 

Ngoài ra, năng lực quản lý của LĐBĐ Việt Nam (VFF) và Công ty Cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) còn chưa thực sự chuyên nghiệp. Bằng chứng là việc những điều lệ thi đấu và xử phạt tại V.League cũng như giải hạng nhất thường xuyên phải thay đổi. 

Đối với những cầu thủ có hành vi cố tình triệt hạ đối phương, VPF vẫn chưa đưa ra được những hình phạt thích đáng, kiên quyết. Điều đó khiến không ít sân bóng ở Việt Nam bị biến thành “võ đài”.

Bóng đá Việt lên chuyên đã lâu, tuy nhiên, nếu không thể khắc phục được những vấn đề tưởng như tiểu tiết, những chuyện "biết rồi, khổ lắm, nói mãi" thì khó có thể trở lại đỉnh cao của "vùng trũng" Đông Nam Á chứ đừng nói đến việc vươn ra tầm châu Á hay thế giới.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem