Sĩ quan Quân đội bị tước quân hàm trong trường hợp nào?

Quang Trung - Bảo Yến Thứ tư, ngày 27/04/2022 06:42 AM (GMT+7)
Thời gian qua, nhiều bạn đọc quan tâm đến thẩm quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, phong, thăng, giáng, tước quân hàm đối với sĩ quan Quân đội.Trong đó, có việc tước quân hàm đối với sĩ quan quân đội.
Bình luận 0

Chủ tịch nước bổ nhiệm, tước quân hàm cấp tướng

Trao đổi với Dân Việt, luật sư Trương Quốc Hòe (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, theo quy định tại Khoản 1 Điều 25 Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam 1999 được sửa đổi bởi Khoản 5 Điều 1 Luật sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam sửa đổi 2014 thì thẩm quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, phong, thăng, giáng, tước quân hàm đối với sĩ quan Quân đội được quy định cụ thể như sau:

Chủ tịch nước bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Tổng Tham mưu trưởng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị; phong, thăng, giáng, tước quân hàm cấp tướng, Chuẩn Đô đốc, Phó Đô đốc, Đô đốc Hải quân.

Khi nào sĩ quan Quân đội bị tước quân hàm cấp tướng? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Thứ trưởng; Phó Tổng Tham mưu trưởng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị; Giám đốc, Chính ủy Học viện Quốc phòng; Chủ nhiệm Tổng cục, Tổng cục trưởng, Chính ủy Tổng cục; Tư lệnh, Chính ủy Quân khu; Tư lệnh, Chính ủy Quân chủng; Tư lệnh, Chính ủy Bộ đội Biên phòng; Tư lệnh, Chính ủy Cảnh sát biển Việt Nam; Trưởng Ban Cơ yếu Chính phủ và các chức vụ khác theo quy định của cấp có thẩm quyền;

 Bộ trưởng Bộ Quốc phòng bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức các chức vụ và phong, thăng, giáng, tước các cấp bậc quân hàm còn lại và nâng lương sĩ quan;

Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức các chức vụ thuộc ngành Kiểm sát, Toà án, Thi hành án trong quân đội được thực hiện theo quy định của pháp luật.

Khi nào bị tước quân hàm cấp tướng?

Thông tư 16/2020/TT-BQP đã quy định chi tiết về việc áp dụng các hình thức kỷ luật, trình tự, thủ tục, thời hiệu, thời hạn và thẩm quyền xử lý kỷ luật trong Bộ Quốc Phòng.

Cụ thể, các hình thức kỷ luật đối với sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp được quy định tại khoản 1 Điều 10 Thông tư 16/2020/TT-BQP như sau: "Khiển trách; Cảnh cáo; Hạ bậc lương; Giáng cấp bậc quân hàm; Giáng chức; Cách chức; Tước quân hàm sĩ quan; Tước danh hiệu quân nhân".

Thông tư số 16/2020/TT-BQP của Bộ Quốc phòng cũng quy định về các trường hợp bị tước quân hàm sĩ quan, cụ thể là: Chống mệnh lệnh (Điều 13); Làm nhục, hành hung người chỉ huy hoặc cấp trên (Điều 16);  Làm nhục hoặc dùng nhục hình đối với cấp dưới (Điều 17); Đào ngũ (Điều 20); Vô ý làm lộ bí mật hoặc làm mất tài liệu bí mật quân sự (Điều 22); Vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng vũ khí quân dụng, trang bị kỹ thuật quân sự (Điều 27); Vô ý làm mất hoặc làm hư hỏng vũ khí quân dụng, trang bị kỹ thuật quân sự (Điều 28); Chiếm đoạt hoặc hủy hoại chiến lợi phẩm (Điều 29) Quấy nhiễu nhân dân (Điều 30); Chiếm đoạt tài sản Điều 33).

Như vậy, nếu vi phạm những điều trên, sĩ quan trong Quân đội sẽ bị tước quân hàm, kể cả sĩ quan cấp tướng.

Nếu sĩ quan cấp tướng vi phạm đến mức bị tước quân hàm thì Bộ Quốc phòng làm thủ tục trình lên Chủ tịch nước và Chủ tịch nước ra quyết định tước quân hàm cấp tướng của sĩ quan đó.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem