Khi nào cảnh sát cơ động mặc thường phục tuần tra?

Thứ ba, ngày 17/11/2015 07:48 AM (GMT+7)
Ngoài việc được phép tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp hóa trang, cảnh sát cơ động (CSCĐ) còn được trang bị máy quay camera, máy chụp ảnh, ghi âm, đèn pin chiếu sáng, vũ khí...
Bình luận 0

img

Lực lượng CSCĐ làm nhiệm vụ. Ảnh: Lê Tú

Theo Thông tư 58/2015/TT-BCA (có hiệu lực từ ngày 20-12) quy định về tuần tra, kiểm soát bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội của CSCĐ, lực lượng này được phép tuần tra, kiểm soát công khai hoặc công khai kết hợp hóa trang. Trường hợp kiểm soát tại một điểm, chốt phải có kế hoạch, phương án được người có thẩm quyền phê duyệt.

Còn việc tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp hóa trang (mặc thường phục) chỉ được thực hiện trong các trường hợp phục vụ công tác phòng, chống tội phạm khi có yêu cầu hay khi có diễn biến phức tạp về an ninh trật tự. Việc này phải có kế hoạch, phương án được tư lệnh CSCĐ, giám đốc công an cấp tỉnh phê duyệt.

Tổ tuần tra, kiểm soát phải bố trí cán bộ hóa trang (mặc thường phục) để nắm tình hình, phát hiện, ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật về an ninh trật tự, an toàn xã hội trong phạm vi khu vực, mục tiêu, địa bàn được phân công.

Việc kiểm soát người, phương tiện, đồ vật, tài liệu được tiến hành trong các trường hợp: Khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về an ninh trật tự; khi có căn cứ để cho rằng trong người, phương tiện có cất giấu đồ vật, tài liệu, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính, nếu không khám ngay thì đồ vật, tài liệu, phương tiện đó bị tẩu tán, tiêu hủy; khi phát hiện người phạm tội quả tang, người đang bị truy nã, bị truy tìm.

Về xử lý vi phạm trong tuần tra, kiểm soát: Khi phát hiện vi phạm về an ninh trật tự, an toàn xã hội, cán bộ tuần tra, kiểm soát phải ngăn chặn, đình chỉ ngay hành vi vi phạm và nói rõ hành vi vi phạm cho người vi phạm biết.

Nếu vi phạm pháp luật là vi phạm hành chính thì cán bộ, chiến sĩ đang thi hành nhiệm vụ ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính thuộc thẩm quyền của mình; nếu không thuộc thẩm quyền thì lập biên bản, áp dụng các biện pháp ngăn chặn khi cần thiết và chuyển ngay cho người có thẩm quyền xử lý theo quy định pháp luật.

Trường hợp phát hiện người phạm tội quả tang, người đang bị truy nã, bị truy tìm thì cán bộ, chiến sĩ đang thi hành nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát phải ngăn chặn, bắt giữ, vô hiệu hóa hành vi vi phạm và báo cáo ngay người có thẩm quyền để giải quyết theo quy định của pháp luật.

Về trang bị phương tiện, thiết bị kỹ thuật, ngoài phương tiện giao thông các loại ra, lực lượng CSCĐ cũng được trang bị máy quay camera, máy chụp ảnh, ghi âm, đèn pin chiếu sáng, vũ khí, công cụ hỗ trợ, bộ đàm, động vật nghiệp vụ…

Việc tuần tra, kiểm soát của CSCĐ trong trường hợp được huy động phối hợp với cảnh sát giao thông tham gia tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông không thuộc phạm vi điều chỉnh của thông tư này.

Thông tư cũng quy định rõ: "Nghiêm cấm lợi dụng tuần tra, kiểm soát để sách nhiễu, gây phiền hà nhân dân, xâm hại lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân hoặc thực hiện hành vi làm trái pháp luật khác".

Tuyến Phan (Pháp luật TPHCM)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem