Khi người Mỹ không muốn làm dân Mỹ

Thứ năm, ngày 17/05/2012 06:21 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Số người Mỹ giàu có từ bỏ địa vị công dân Mỹ tăng gấp 7 lần kể từ khi ngân hàng khổng lồ UBS của Thụy Sĩ bị phanh phui chuyện giúp khách hàng ngoại quốc trốn thuế cách đây 4 năm.
Bình luận 0

Theo hãng tin Bloomberg, đã có khoảng 1.780 người Mỹ sống ở nước ngoài đến các đại sứ quán Mỹ xin từ bỏ quốc tịch trong năm 2011, so với 235 người trong năm 2007.

Đây là số liệu do ông Andy Sundberg, thư ký của Học viện Người Mỹ ở nước ngoài tại Geneva cung cấp, dẫn nguồn từ Cục Đăng kiểm liên bang Thụy Sỹ. Đại sứ quán Mỹ tại Bern đã phải triển khai thêm nhân viên khi người Mỹ xếp hàng để trả hộ chiếu.

img
Nhiều ngân hàng Thụy Sĩ và Đức hiện rất "ngại" giao dịch với các khách hàng giàu có của Mỹ

Mỹ, quốc gia duy nhất trong tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) đánh thuế công dân cho dù họ cư trú ở đâu, đang tìm cách tấn công vào các "thiên đường thuế" ở nước ngoài, trong đó có Thụy Sĩ, để tránh thất thu thuế trong bối cảnh thâm hụt ngân sách gia tăng. Nhiều ngân hàng Thụy Sĩ và Đức vì vậy hiện rất "ngại" giao dịch với các khách hàng giàu có của Mỹ.

Ngoài ra, công dân Mỹ còn đang đối mặt với những quy định ngặt nghèo hơn về kê khai tài sản theo đạo luật về đánh thuế vào tài khoản ở nước ngoài (FATCA) có hiệu lực từ năm 2013. Bởi vậy, ngày càng có nhiều người trong số 6 triệu người Mỹ sống ở nước ngoài cân nhắc việc nên hay không nên tiếp tục giữ hộ chiếu Mỹ.

"Mọi chuyện bắt đầu từ khi UBS bị thuế vụ Mỹ “sờ gáy” và các ngân hàng không đặt trụ sở tại Mỹ cảm thấy quá rủi ro khi làm việc với khách hàng Mỹ sống ở nước ngoài. Số người Mỹ bỏ quốc tịch Mỹ sẽ còn tăng do những đòi hỏi của đạo luật FATCA", ông Matthew Ledvina, một luật sư về thuế Mỹ tại công ty luật Anaford AG ở Zurich, nhận định.

Số người có quốc tịch Mỹ sống tại Thụy Sĩ từ bỏ địa vị công dân Mỹ cao hơn so với ở các quốc gia khác vì họ lo ngại sẽ bị giám sát chặt chẽ hơn sau vụ UBS, chưa kể nhà chức trách Mỹ còn đang điều tra 11 công ty tài chính Thụy Sĩ khác để phá các vụ trốn thuế.

Trường hợp ồn ào nhất có lẽ là việc Eduardo Saverin, nhà tỷ phú đồng sáng lập Facebook, đã thông báo sẽ từ bỏ quốc tịch Mỹ để tránh một số khoản thuế “khủng” ngay trước ngày Facebook IPO. Với kế hoạch IPO lần này, Facebbok, mạng xã hội lớn nhất thế giới với giá trị 96 tỷ USD, có kế hoạch tăng vốn thêm 11,8 tỷ USD.

Kế hoạch IPO thành công, Facebook sẽ đạt mức vốn “khủng” nhất trong lịch sử các công ty công nghệ. Theo trang web whoownsfacebook.com, Eduardo Saverin có 4% cổ phần ở Facebook, đồng nghĩa với việc khi vụ IPO của Facebook thành công, Saverin sẽ sở hữu 3,84 tỷ USD.

Saverin, năm nay 30 tuổi, ghi danh vào danh sách những người có nguyện vọng xin từ bỏ quốc tịch Mỹ để né khoản thuế đánh lên những người có thu nhập cao ở Mỹ dự kiến sẽ có thể tăng rất cao. Sinh ra ở Brazil, hiện sống tại Singapore, Saverin là một trong số ít người đã cùng Mark Zuckerberg sáng lập Facebook từ những ngày còn học tại Harvard.

img
Không chỉ riêng Eduardo Saverin, mà nhiều người giàu Mỹ đang tìm cách từ bỏ quốc tịch Mỹ để 'né' thuế

"Eduardo thấy việc trở thành công dân Singapore thực tế và kinh tế hơn từ khi sống ở Singapore suốt trong một thời gian dài không xác định", Tom Goodman, phát ngôn viên của Saverin cho biết. Được biết, ngoài việc giảm được thuế dành cho người thu nhập cao, quyết định này của Saverin cũng giúp Saverin tránh được các loại thuế đánh vào lãi vốn, có thể phát sinh từ những khoản đầu tư trong tương lai của Saverin. Ở Singapore chưa có quy định loại thuế này.

Từ bỏ quốc tịch Mỹ trước khi Facebook IPO là một "quyết định thông minh", Avi Yonah, giám đốc chương trình Thuế quốc tế, Trường Luật thuộc ĐH Michigan cho biết. "Để đến khi IPO rồi, bạn chẳng thể nào “phỉnh” mọi người về giá trị tài sản của mình".

Tuy nhiên, từ góc độ của các lãnh đạo Mỹ, thì đây không phải là hành động hảo hán. "Thật là một thiệt hại cho nước Mỹ khi có nhiều người được giáo dục tốt, có tình cảm tốt với nước Mỹ, lại có sự lựa chọn đó", Richard Weisman, GĐ mảng thuế toàn cầu, Baker & McKezie có trụ sở ở Hong Kong nhận định.

Một buổi lễ từ bỏ quốc tịch Mỹ kéo dài 10 phút, trong đó nhân viên đại sứ quán sẽ hỏi người xin bỏ quốc tịch là họ có tự nguyện và hiểu tác động của việc từ bỏ hộ chiếu Mỹ. Người từ bỏ quốc tịch sẽ phải trả một khoản phí 450USD và phải đóng thuế nếu tài sản vượt quá 2 triệu USD hoặc mức thuế trung bình mà họ phải nộp cho thuế vụ Mỹ mỗi năm vượt 151.000USD trong 5 năm qua. Trong vòng 3 tháng sau đó, người xin bỏ quốc tịch Mỹ sẽ nhận được giấy chứng nhận về việc họ không còn là công dân Mỹ.

Vào năm 2009, ngân hàng lớn nhất Thụy Sĩ UBS đã phải nộp phạt 780 triệu USD, giao nộp dữ liệu của 4.700 tài khoản cho thuế vụ Mỹ (IRS). Việc UBS giúp khách hàng Mỹ trốn thuế bị phanh phui sau khi một cựu nhân viên của UBS là Bradley Birkenfeld báo cho chính phủ và quốc hội Mỹ về hoạt động trốn thuế của các khách hàng Mỹ tại UBS. Ông Birkenfeld sau đó đã lĩnh án tù 40 tháng tại Mỹ vì hành vi giúp người Mỹ trốn thuế.

Sau vụ UBS, đã có 33.000 người Mỹ tự nguyện kê khai tài sản với IRS trong thời gian 3 năm tính đến hết năm 2011, giúp thu về hàng tỷ USD tiền thuế từ nước ngoài về cho Mỹ. Theo hãng tư vấn Boston Consulting Group, vào năm 2010, giá trị tài sản do các ngân hàng Thụy Sĩ quản lý cho các khách hàng tại Bắc Mỹ đã giảm 60% xuống còn 66 tỷ USD.

Theo Thế giới & Hội nhập
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem