Ảnh hưởng vượt ra ngoài nước Mỹ
Đây là một chương trình cắt giảm tự động chiểu theo thỏa thuận năm 2011, trong đó quy định nếu Nhà Trắng và Quốc hội không nhất trí được với nhau về các biện pháp cắt giảm thâm hụt ngân sách thì ngân sách liên bang hàng năm sẽ tự động bị cắt giảm. Việc cắt giảm ngân sách 85 tỷ USD chỉ là bước đầu tiên trong hàng loạt cuộc khủng hoảng ngân sách mà Quốc hội và Nhà Trắng sẽ phải đương đầu trong những tuần tới.
Tiếp theo, Mỹ sẽ phải đối mặt với khả năng chính phủ phải ngừng hoạt đông. Năm ngoái, do không thông qua được dự luật chi tiêu cho các cơ quan của chính phủ trong năm 2013, Quốc hội đã thông qua một nghị quyết cấp ngân sách để giữ cho hoạt động của chính phủ năm 2012 có thể hoạt động tiếp cho đến ngày 27.3.2013. Do đó, Quốc hội phải hành động trước thời hạn này nhằm ngăn chặn việc chính phủ phải ngừng hoạt động từng phần.
|
Tổng thống Obama cho rằng, kéo dài việc cắt giảm ngân sách, tác hại ngày càng cao. Ảnh Reuters |
Phải mất nhiều tuần nữa toàn bộ tác động của những khoản cắt giảm mới được cảm nhận trên khắp đất nước, nhưng những ảnh hưởng đã bắt đầu hiện ra. Một số cơ quan chính phủ đã bắt đầu ngưng tuyển dụng nhân viên và cắt giảm chi tiêu cho nhiều chương trình và dự án để khỏi phải yêu cầu nhân viên nghỉ việc không ăn lương. Một số người làm việc cho chính phủ nói rằng họ đã chuẩn bị cho khả năng bị giảm lương.
Theo các chuyên gia kinh tế, khi các khoản cắt giảm được thực hiện đầy đủ, những gia đình nghèo và những người thất nghiệp sẽ không còn nhận được các khoản phúc lợi xã hội. Các cửa hàng có thể đối mặt với tình trạng khan hiếm lương thực vì số nhân viên kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm bị giảm đi. Cắt giảm ngân sách ở Mỹ cũng có thể dẫn đến việc giảm số nhân viên hải quan và như thế sẽ làm chậm lại các trao đổi mậu dịch, đặc biệt là từ các nước châu Âu. Theo giới chuyên gia, ngoài ảnh hưởng bên trong nước Mỹ, châu Âu sẽ là nạn nhân số một khi Mỹ cắt giảm ngân sách.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo vào thời điểm kinh tế Mỹ đang gượng dậy, chương trình cắt giảm chi tiêu của các cơ quan chính phủ sẽ khiến nhịp độ tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất thế giới giảm 0,5%. Không chỉ vậy, tình trạng này sẽ tác động lên tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất chính là đối tác thương mại lớn nhất với Mỹ.
Với kim ngạch trao đổi thương mại lên tới 645 tỷ USD năm 2012, Liên minh châu Âu (EU) là đối tác thương mại hàng đầu của Mỹ, vượt xa Trung Quốc. Nếu tăng trưởng của Mỹ chậm lại, châu Âu sẽ càng rơi vào khó khăn, trong khi cuộc khủng hoảng tài chính ở khu vực này vẫn chưa có được lối thoát an toàn.
Cắt xén nguồn lực quân đội
Bộ Quốc phòng sẽ phải gánh chịu gần một nửa trong tổng số 85 tỷ USD ngân sách bị cắt giảm từ nay tới khi tài khóa 2013 kết thúc vào ngày 20.9. Các nhân viên dân sự sẽ phải nghỉ việc không lương, các hợp đồng quốc phòng có thể bị hủy bỏ. Đối với không quân, sẽ bị hủy bỏ 200.000 giờ bay. Đối với lục quân, 80% đơn vị tác chiến mất phần lớn chương trình huấn luyện thường niên. Về phần hải quân, số ngày hoạt động trên biển giảm ít nhất 30% và trên tổng số 285 chiến hạm, khoảng 30 chiếc không có ngân sách bảo trì.
Tuy vậy, Tổng thống Obama cũng thừa nhận rằng ảnh hưởng của việc ngân sách bị cắt giảm sẽ chỉ được cảm nhận dần dần. Ông Obama cho biết: "Chương trình cắt giảm này duy trì càng lâu thì ảnh hưởng đối với nền kinh tế của chúng ta càng lớn. Tác động chậm rãi của chương trình này sẽ tăng cao mỗi ngày". Hiện vẫn chưa rõ việc cắt giảm ngân sách này sẽ kéo dài trong bao lâu.
Tuy nhiên, vài ngày trước khi nhậm chức, tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel nói: "Chúng tôi sẽ tiếp tục bảo đảm an ninh của nước Mỹ" mặc dù phải đối phó với thách thức đến từ "cuộc khủng hoảng ngân sách không đáng có". Ông Chuck Hagel cũng thừa nhận rằng, tình trạng không chắc chắn về ngân sách gây rủi ro cho khả năng chu toàn sứ mạng của quân đội.
Trong khi đó, giới chuyên gia Mỹ nhận xét rằng tuy quyết định này “khá thô bạo và thiếu tính linh hoạt”, song việc Bộ Quốc phòng Mỹ bị cắt ngân sách “không phải là một thảm họa”. Giáo sư Lawrence Korb - thuộc Đại học Georgetown nhận định: "Với ngân sách bị cắt giảm, quân đội Mỹ vẫn đủ khả năng đương đầu với mọi đe dọa".
Trong bối cảnh Mỹ cần trấn an các quốc gia đồng minh trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương trước mối đe dọa đến từ Trung Quốc, nhiều người cho rằng thông tin ngân sách quốc phòng Mỹ bị cắt giảm đến không đúng lúc. Tuy nhiên, theo tính toán, ngân sách quốc phòng vẫn duy trì ở mức trên 500 tỷ USD/năm từ nay đến năm 2020, cao gấp ba lần nỗ lực tài chính được thẩm định của Trung Quốc.
Quang Minh (tổng hợp)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.