Nhiều năm nay, cứ vào dịp những ngày đầu năm mới, các tham tán thương mại lại nhộn nhịp “bay ra bay vào”, dự hội nghị Tham tán thương mại. Hàng trăm doanh nghiệp cũng dành ngày đầu xuân đến nghe… kể tội tham tán.
Nói “kể tội tham tán” thật không quá! Suốt hội nghị kéo dài hơn nửa ngày, sau phần báo cáo các thành quả, thành tích đạt được trong năm của Bộ Công thương, đại diện các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài là phần phát biểu ý kiến của đại diện các địa phương, doanh nghiệp, mà phần lớn trong số đó là… kêu ca về tham tán.
Phải chờ đến quá giữa buổi thảo luận, khi ông Nguyễn Cảnh Cường – Tham tán Thương mại Việt Nam tại EU và Vương Quốc Bỉ giới thiệu vài thông tin về thị trường này, rằng nơi đây đang có xu hướng ưa chuộng sữa ca cao , hay như Bỉ là nơi có những doanh nghiệp đầu tư, phát triển logistics rất hiện đại… hàng chục doanh nghiệp ngồi nghe dưới hội trường như được “gãi đúng chỗ ngứa”.
“Doanh nghiệp không mong gì lớn lao ở tham tán thương mại trong việc tìm kiếm thị trường, tìm đối tác nhưng những thông tin từ các tham tán phải cụ thể, chính xác và kịp thời. Có như vậy mới giúp doanh nghiệp Việt hạn chế việc vướng vào tranh chấp với đối tác”, ông Bùi Hữu Thêm - Chánh văn phòng Hiệp hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) phản hồi.
Hội nghị Tham tán Thương mại được tổ chức hằng năm vào dịp đầu năm mới, kéo dài từ trước đến sau kỳ nghỉ tết nguyên đán.
Cũng chính ông Thêm nói rằng, tham tán thương mại không thể cứ cung cấp thông tin tràn lan, những thông tin mà tự doanh nghiệp cũng có thể tìm hiểu được trên mạng, hoặc cứ 2 - 3 năm lại đổi người mới, rồi làm lại từ đầu vì người mới này hoàn toàn không hiểu gì về thị trường nơi họ đang “đóng quân”.
Ông Thêm kể, mới đây, một doanh nghiệp thành viên của Hiệp hội này là Công ty TNHH Gia Hân có xảy ra tranh chấp với Công ty Global Home S.R.O do ông Otto De Jager làm đại diện, có trụ sở tại Cộng hòa Czech.
Lúc này, HAWA có liên lạc với Tham tán Thương mại Việt Nam tại Cộng hòa Czech để nhờ tìm hiểu thông tin về doanh nghiệp Global Home cũng như người đại diện là ông Otto De Jager. Tuy nhiên, sau nhiều lần liên lạc, HAWA không nhận được phản hồi từ phía tham tán thương mại. Đến khi nhận được câu trả lời thì sự việc đã xong, doanh nghiệp “thiệt vẫn hoàn thiệt”.
Hay như phản ánh của ông Trần Tấn Thiện - Giám đốc Công ty Cà phê Hello5, trong các chương trình xúc tiến thương mại, Bộ Công thương thường dành một gian hàng miễn phí cho doanh nghiệp Việt Nam.
Thế nhưng, vì các tham tán thương mại không thông tin rõ ràng dẫn đến tình trạng gian một gian hàng miễn phí tại hội chợ chỉ có 19m2 nhưng có đến 15 đại diện doanh nghiệp chen lấn nhau. Logo thì cái to cái nhỏ không đồng nhất, trông rất lộn xộn, thiếu chuyên nghiệp.
Đáp trả những phản ánh của doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy, Trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Úc cho rằng, các thương vụ nguồn nhân lực rất ít nên chỉ cung cấp những thông tin cơ bản, chung chung về hệ thống luật, thuế quan… Phần còn lại, doanh nghiệp phải tự mình tìm hiểu.
“Thương vụ Úc chỉ có 2 người nên mong doanh nghiệp tự tìm hiểu các thông tin có liên quan, ảnh hưởng trực tiếp đến doanh nghiệp mình. Thương vụ cũng không thể kết nối làm ăn cho từng doanh nghiệp cụ thể”, bà Thúy phát biểu.
Các thương vụ đúng là ít người, thế nhưng, hẳn nhiều người còn nhớ nhiều vụ việc “lùm xùm” dư luận khi cán bộ thương vụ, đại sứ quán Việt Nam mải lo việc riêng, kinh doanh mua bán hàng quý hiếm, thậm chí là hàng cấm, tại các quốc gia họ công tác. Gần đây nhất phải kể đến vụ việc hàng trăm vi cá mập được phơi trên nóc nhà thương vụ Việt Nam tại Chile khiến báo chí nước này “đùng đùng nổi giận” và Bộ Công thương phải vào cuộc.
Ông Lê Quốc Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương), từng chia sẻ, tham tán thương mại đóng vai trò quan trọng trong xúc tiến thương mại khi vừa là cầu nối, là trinh sát viên. Hiện đội ngũ tham tán thương mại ở những thị trường lớn như Mỹ, Nhật Bản, EU còn có tham tán ở những thành phố lớn, tuy không trải rộng khắp các nước nhưng cũng là khá đông.
Dầu vậy, hoạt động của lực lượng tham tán còn chưa hiệu quả so với chi phí bỏ ra để duy trì bộ máy này. Thậm chí, có những người đi làm tham tán trước khi nghỉ hưu, có người đi theo mục tiêu cá nhân, có những người đi làm tham tán để phục vụ cho công ty của mình, cho một nhóm doanh nghiệp của mình…
Số vây cá mập đã được phơi trên mái nhà Văn phòng Thương vụ Việt Nam, thuộc Đại sứ quán Việt Nam tại Chile. Ảnh: El Mostrador.
Ông Nguyễn Xuân Hồng – Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Long An cho rằng, vai trò của các tham tán thương mại là rất lớn trong hoạt động ngoại giao, ngoại thương của doanh nghiệp và cả đất nước.
Nhận thức được điều này, Sở Công thương Long An đã gởi thông tin các tham tán đến từng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh để tiện việc liên lạc, hợp tác hỗ trợ lẫn nhau. Thế nhưng, các thông tin mang lại hiệu quả thật sự không nhiều.
Phải chăng, vẫn còn nhiều trường hợp cán bộ thương vụ quên mất mình là ai, thay vào đó, còn “lo việc nhà hơn việc nước, hời hợt, ít am hiểu thị trường, chưa thông thạo công việc, ngại khó ngại khổ. Bên cạnh đó lại có người mang tư tưởng “hy sinh đời bố củng cố đời con”, tức là lo cho con đi học hành là chính…, ít đề xuất về nước những vấn đề đặt ra đối với thị trường mình phụ trách”, như nhận xét của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong lần dự Hội nghị Tham tán Thương mại Việt Nam 2018 vừa diễn ra.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.