Khiếp sợ rầy nâu độc tố cao đang uy hiếp 33.000ha lúa ở Nam Bộ

Trần Đáng Thứ bảy, ngày 15/07/2017 13:02 PM (GMT+7)
“Rầy nâu độc tố cao, nhiễm tổ hợp virus, tác hại diện rộng” là 3 yếu tố gây quan ngại về nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên lúa. Đó là nhận định của các đại biểu tham dự Diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp với chủ đề “Biện pháp phòng chống rầy nâu và bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá trên cây lúa tại các tỉnh Nam Bộ”, tổ chức tại Long An mới đây.
Bình luận 0

Thông tin tại diễn đàn cho thấy, vụ hè – thu 2017, diện tích lúa nhiễm rầy ở các tỉnh Nam Bộ gần 33.000ha (tăng hơn 12.000ha so với cùng kỳ 2016). Trong đó, có hơn 3.200ha nhiễm nặng, mật độ rầy nâu trên đồng tăng, một số diện tích bị cháy cục bộ, mức độ phân bố bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá khá rộng từ các tỉnh ĐBSCL đến miền Đông Nam Bộ.

3 điểm nóng nhiễm rầy nâu hiện nay gồm các cụm: Long An, Đồng Tháp, Tiền Giang; Hậu Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng; Đồng Nai, Lâm Đồng. Thời điểm này cũng xảy ra bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá với tỷ lệ cao có nguy cơ lan truyền bệnh.

img

Cán bộ Trung tâm Khuyến nông quốc gia kiểm tra bệnh rầy nâu trên ruộng lúa tại Long An.  Ảnh: T.Đ

Theo đại diện Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT), nguyên nhân bùng phát dịch bệnh trên lúa do chưa có biện pháp kiểm soát chặt chẽ lịch mùa vụ gieo sạ, dẫn đến gieo sạ không tập trung nên từng khu vực có nhiều giai đoạn lúa sinh trưởng khác nhau; việc xuống giống lúa xuân – hè quá sớm khiến toàn bộ diện tích lúa non dưới 20 ngày tuổi trùng khớp với rầy di trú rộ cuối vụ đông – xuân với mật độ khá cao.

Bên cạnh đó, còn có nguyên nhân nông dân sạ dày, bón nhiều phân đạm, phun thuốc trừ sâu phổ rộng, sớm sau sạ, mất cân đối về cơ cấu lúa giống lúa nhiễm rầy, vàng lùn, lùn xoắn lá, rầy nâu di trú nhiễm virus ở tỷ lệ khá cao… 

Quyền Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia Trần Văn Khởi nhận định, đây là nguy cơ lớn cho các tỉnh Nam Bộ nếu rầy nâu di trú với số lượng lớn trong các tháng tới, đặc biệt nguy cơ bùng phát dịch vào vụ thu – đông năm nay nếu không kiểm soát tốt ngay từ bây giờ. “Việc kịp thời đưa ra các giải pháp để khống chế nguy cơ bùng phát dịch bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá trên lúa vụ hè – thu, thu – đông 2017 là rất cấp bách và là cơ sở cho việc hạn chế tác hại dịch bệnh cho lúa năm sau” - ông Khởi hối thúc.

Thậm chí, theo Cục Bảo vệ thực vật, các tỉnh Nam bộ phải chủ động xây dựng các phương án chống dịch trong điều kiện dịch bệnh bùng phát.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem