"Kho báu" bí ẩn nằm sâu dưới tán rừng, biết cách khai thác, nông dân miền núi phía Bắc có hàng nghìn tỷ

Khánh Nguyên Chủ nhật, ngày 05/12/2021 19:09 PM (GMT+7)
Theo đánh giá của Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NNPTNT), 5,73 triệu hécta rừng của vùng trung du miền núi phía Bắc đang ẩn chứa “kho báu” khổng lồ, nếu được khai thác bằng những mô hình sản xuất phù hợp có thể tạo thu nhập ổn định cho người dân.
Bình luận 0

Nơi trồng dược liệu, nơi làm du lịch dưới tán rừng

Theo báo cáo của UBND tỉnh Điện Biên, hiện nay, trên địa bàn tỉnh Điện Biên có khoảng trên 900 ha cây lâm sản ngoài gỗ được trồng theo các chương trình, dự án và trồng tự phát trong dân. 

Trong đó, các loài cây lâm sản ngoài gỗ, cây dược liệu dưới tán rừng có khoảng 500 ha; sản lượng sản phẩm thu hoạch năm 2020 đạt khoảng 400 tấn, giá trị đạt khoảng 16,2 tỷ đồng.

Đối với người dân ở các huyện vùng cao việc nhận giao, khoán bảo vệ rừng gắn với phát triển kinh tế dưới tán rừng, khoanh nuôi, trồng cây dược liệu dưới tán rừng đang mang lại hiệu quả kinh tế nhất định, góp phần đáng kể vào công tác xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân.

Tại Lào Cai, tỉnh cũng tập trung phát triển rừng trồng bằng các loài cây đa mục đích, cho thu hoạch sản phẩm phụ, có giá trị kinh tế cao, với cơ cấu cây trồng được lựa chọn phù hợp với mục đích kinh doanh rừng và vùng sinh thái như: các xã vùng cao gồm các huyện Bắc Hà, Si Ma Cai, Mường Khương, Sa Pa, Bát Xát trồng chủ yếu là các loài cây: Thông, trẩu, sơn tra, tống quá sủ, vối thuốc, sa mộc...

Các xã vùng vùng thấp ở các huyện: Bảo Yên, Bảo Thắng, Bắc Hà, Văn Bàn... trồng những đa mục đích, đa tác dụng; cây gỗ lớn nhanh, cho năng suất cao.

Đến nay, tổng diện tích cây dược liệu trên địa bàn tỉnh đạt 3.704,2 ha (chưa kể 40.200 ha quế… thảo quả). 

Đặc biệt, hiện nay, du lịch sinh thái trong các khu rừng đặc dụng, du lịch sinh thái vườn rừng tại Lào Cai đã dần định hình, đi vào hoạt động và được du khách đến tỉnh ưa chuộng, lựa chọn. 

Khai thác hiệu quả “kho báu” kinh tế dưới tán rừng - Ảnh 1.

Mô hình trồng rừng gỗ lớn ở Tuyên Quang. Ảnh: Minh Ngọc.

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan đánh giá nguồn tài nguyên, giá trị của rừng rất đa dạng nên các địa phương cần đặc biệt quan tâm, có chính sách đầu tư hiệu quả.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng lưu ý, kinh tế dưới tán rừng ở các địa phương phải tính đến hiệu quả bền vững, nghĩa là khai thác có kiểm soát, có chương trình để không làm mất đi giá trị hiện hữu của rừng.

Đến nay, tổng diện tích cây dược liệu trên địa bàn tỉnh Lào Cai đạt 3.704,2ha (chưa kể 40.200ha quế, thảo quả...). 

Đặc biệt, hiện nay, du lịch sinh thái trong các khu rừng đặc dụng, du lịch sinh thái vườn rừng tại Lào Cai đã dần định hình, đi vào hoạt động và được du khách đến tỉnh ưa chuộng, lựa chọn.

Ông Vũ Thế Giang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang cho biết, địa phương này đang có 200ha cây dược liệu dưới tán rừng với các loài chủ yếu là khôi nhung, thảo quả, hương nhu, giảo cổ lam…

Để phát huy kinh tế dưới tán rừng, Tuyên Quang đã có đề án phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, định hướng đến năm 2030 gắn với phát triển dược liệu, cây lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng đạt trên 2.000ha và đến năm 2030 sẽ nâng lên diện tích 3.500ha.

Quy hoạch phát triển các vùng nguyên liệu

Tại Hội nghị phát triển kinh tế dưới tán rừng các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc do Bộ NNPTNT phối hợp với UBND tỉnh Lai Châu tổ chức mới đây, ông Nguyễn Quốc Trị, Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NNPTNT) cho biết, năm 2020, sản lượng khai thác gỗ rừng trồng các tỉnh trung du miền núi phía Bắc đạt 7,9 triệu mét khối gỗ, ước đạt khoảng 9.480 tỷ đồng/năm, chiếm 38,5% sản lượng gỗ khai thác từ rừng trồng tập trung của toàn quốc. 

Diện tích rừng trồng được cấp chứng chỉ rừng theo tiêu chuẩn quốc tế (FSC) đạt 127.327 ha, chiếm 41% diện tích rừng toàn quốc đã được cấp chứng chỉ.

Năm 2020, các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc có 747 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, chế biến gỗ và lâm sản, chiếm trên 12,7% số doanh nghiệp của cả nước. 

Đối với tài nguyên lâm sản ngoài gỗ, Việt Nam có khoảng 7.000 loài cây thuộc nhóm lâm sản ngoài gỗ (LSNG), trong đó có 216 loài tre nứa, 56 loài song mây, 5.000 loài cây dược liệu,… và hàng trăm loài làm thực phẩm, trong đó miền núi phía Bắc chiếm tới trên 70% tổng số loài thực vật LSNG và trên 90% các loài LSNG quý hiếm của cả nước.

Để phát triển các mô hình kinh tế dưới tán rừng ở các tỉnh trung du miền núi phía Bắc, Bộ NNPTNT sẽ hoàn thiện quy hoạch Lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của từng vùng, tiểu vùng.

 Ví dụ, đối với tiểu vùng Tây Bắc (các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu và Điện Biên) và các tỉnh Hà Giang, Cao Bằng thì tập trung phát triển cây đặc sản, cây dược liệu gắn với chế biến theo chuỗi; nâng cao chất lượng của dịch vụ môi trường rừng.

 Quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu tập trung cho từng tỉnh hoặc vùng như vùng nguyên liệu rừng trồng; vùng nguyên liệu quế, hồi, vùng nguyên liệu dược liệu....

Đáng chú ý, Bộ NNPTNT sẽ nghiên cứu, xây dựng chính sách, cơ chế đặc thù đối với từng loại rừng để phát huy giá trị, các chức năng tổng hợp của loại rừng đó. 

Hoàn thiện một số chính sách có liên quan đến phát triển lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng như giao, khoán bảo vệ rừng, thuê môi trường rừng để nuôi trồng dược liệu dưới tán rừng tự nhiên. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem