Khó như... trượt đại học

Thứ năm, ngày 23/05/2024 06:23 AM (GMT+7)
Đến thời điểm hiện nay, hàng chục trường đại học đã công bố điểm trúng tuyển sớm theo phương thức xét điểm học bạ THPT.
Bình luận 0

Đáng nói, cũng như nhiều năm trước, điểm trúng tuyển của rất nhiều ngành (với tổ hợp 3 môn học) chỉ dao động ở khoảng 18-19, tính cả điểm ưu tiên, khuyến khích. Như vậy, chỉ với khoảng 6 điểm học bạ mỗi môn, thí sinh cũng có thể bước chân vào giảng đường đại học nếu vượt qua kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Phải khẳng định rằng mức điểm chuẩn trên là thấp, hầu hết học sinh học lực trung bình khá đều có thể đạt được. Vì thế, nhiều em học sinh cho biết, vấn đề là vào được các trường, các ngành có thương hiệu, chứ để trở thành sinh viên các trường đại học tốp dưới thì rất dễ, trượt các trường này mới... khó! Điểm xét tuyển học bạ thấp là một trong những lý do khiến tỷ lệ trúng tuyển đại học những năm gần đây rất cao. Ví dụ như mùa tuyển sinh đại học năm 2023, theo số liệu thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, có tới gần 93% thí sinh trúng tuyển ngay trong đợt 1.

Khó như... trượt đại học- Ảnh 1.

Khó như... trượt đại học- Ảnh 2.

Khó như... trượt đại học- Ảnh 3.

Khó như... trượt đại học- Ảnh 4.

Khó như... trượt đại học- Ảnh 5.

Ảnh minh họa / qdnd.vn

  

Quá dễ để trúng tuyển đại học khiến tình trạng “lạm phát” sinh viên đã và đang diễn ra phổ biến. Ngày trước, đỗ đại học, mang danh xưng sinh viên là cả một niềm vinh dự, tự hào lớn đối với bản thân và gia đình, dòng họ. Giờ thì điều này đã “mất thiêng”. Nghiêm trọng hơn, “lạm phát” sinh viên làm mất cân đối tỷ lệ thầy-thợ; chất lượng đào tạo thấp; kỹ sư, cử nhân ra trường thất nghiệp nhiều, phải đào tạo lại để đi làm công nhân hoặc chạy “xe ôm”, làm shipper... lãng phí xã hội vô cùng lớn.

Nguyên nhân của tình trạng trên là do những năm qua, hàng loạt trường đại học được ồ ạt thành lập hoặc nâng cấp từ trường cao đẳng. Nhiều trường còn đua nhau mở thêm mã ngành đào tạo, tăng chỉ tiêu, thậm chí “vơ vét” sinh viên để có kinh phí duy trì hoạt động.

Thêm nhiều ngành, nhiều trường đại học sẽ tạo cơ hội học tập rộng mở hơn cho sinh viên, góp phần đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước, đó là điều tích cực. Tuy nhiên, khi mà chỉ cần 6 điểm mỗi môn là có thể đỗ đại học thì lại “lợi bất cập hại”.

Giải quyết tình trạng này, về lâu dài cần quy hoạch, tổ chức lại mạng lưới các trường đại học, làm tốt công tác quản lý nhằm bảo đảm cân đối giữa nhu cầu của xã hội và quy mô đào tạo với phương châm chất lượng phải được đặt lên hàng đầu. Mặt khác, hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ quy định mức điểm sàn tuyển sinh đối với ngành đào tạo giáo viên và sức khỏe theo phương thức sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT.

Nên chăng, Bộ cần nghiên cứu quy định mức điểm sàn đối với tất cả phương thức tuyển sinh, tất cả các ngành để tạo ra bộ lọc, bảo đảm chất lượng tối thiểu đầu vào. Cùng với đó, các trường đại học cũng cần thắt chặt quy trình, nâng cao chất lượng đào tạo, tránh tình trạng cứ vào được đại học là tốt nghiệp. Đây cũng chính là cách để mỗi trường xây dựng, bảo vệ thương hiệu, uy tín của mình.


Theo Phương Hiền (www.qdnd.vn)
Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem