Phố Lò Rèn dài chừng vài chục mét với vỏn vẹn 50 số nhà, nhưng lịch sử ghi dấu thời vàng son của con phố thì không ai là không biết đến. Ngày ấy, nhà nào cũng sáng rực bởi ánh lửa từ bếp lò, tiếng quai búa không ngừng nghỉ sản xuất ra rất nhiều đồ cơ khí từ nông cụ cho tới bu lông, ốc vít thậm chí cả vũ khí cho dân quân tự vệ thời chống Pháp.
Trải qua lịch sử thăng trầm hàng trăm năm, ngày nay với sự phát triển của khoa học công nghệ đã khiến nghề rèn chỉ còn lại trong sử sách. Sự ra đời của nhà máy, dây chuyền sản xuất khiến con người quên đi những lò nung đỏ lửa ngày nào. Thế nhưng vẫn còn đó một người đàn ông ngày đêm quai búa quyết giữ lấy cái nghề truyền thống cha ông để lại.
Nằm khiêm tốn ở một góc nhỏ trên phố Lò Rèn, cửa hàng của ông Nguyễn Phương Hùng vẫn đều đặn 8h30 sáng lại đỏ lửa bất kể ngày nắng hay ngày mưa.
Bước sang tuổi 57, ông Hùng vẫn nhớ như in cảm giác ngày còn là cậu bé 6 tuổi giúp bố và ông nội quay bếp, quét dọn. Thấm thía cái vất vả của nghề nên ông quyết định "thoát li" gia đình đi học thợ sửa ô tô năm 20 tuổi.
Cuối cùng số phận sắp đặt ông vẫn quay trở lại với ghế thợ cả của cha ông truyền lại, ban đầu chỉ để mưu sinh nhưng càng làm ông càng yêu mến cái nghề nhem nhuốc, vất vả này.
“Ấy vậy mà tôi cũng đã làm cái nghề quai búa này được gần 30 năm rồi đấy, nhiều lúc người thân cũng bảo nghỉ làm để cho thuê cửa hàng được nhiều tiền hơn nhưng với tôi được làm việc và giữ lấy cái nghề truyền thống này còn hơn cả tiền bạc và vật chất”, ông Hùng chia sẻ.
Giữa cái nóng oi bức của mùa hè, bên cạnh lò nung nóng tới cả nghìn độ nhưng ông Hùng vẫn tay quai tay búa thoăn thoắt. “Công việc trông vất vả nhưng tôi coi nó như một thú vui vậy nên thấy rất thoải mái”, vừa nói người thợ rèn vừa quai một nhát búa khiến chiếc đinh sắt nóng đỏ rung lên bật bật.
Theo ông Hùng, mỗi sản phẩm làm ra từ lò rèn của ông đều được nắn nót cẩn thận và thổi hồn vào đó.
"Nhiệt độ và cái quai búa là những bí quyết quan trọng nhất. Nhiệt độ phải vừa đủ, tay búa phải nghiêng đúng độ thì vật mới đẹp được”, ông Hùng nói.
Theo nghề ngót nghét 30 năm, tạo ra hàng trăm nghìn sản phẩm lớn nhỏ nên khách hàng rất tin tưởng vào tay nghề của ông. Có người đợi cả nửa ngày chỉ để ông rèn cho mũi khoan, mũi đục được như ý.
Tuy đã gần 60 nhưng những bắp tay của ông vẫn cuồn cuộn. “Chắc vì quen lao động rồi nên dù làm quần quật cả ngày nhưng lúc nào tôi cũng thấy khoẻ chẳng ốm đau bệnh tật gì", ông vui vẻ nói.
Chiếc lò rèn gắn bó với ông hàng chục năm trời, từ làm việc đến nấu ăn.
Thi thoảng trong giờ nghỉ trưa những người bạn của ông lại mang đến vài con mực, con cá...
Người thợ rèn được mọi người yêu quý bởi sự hài hước, vui vẻ cũng như những câu chuyện triết lý sâu sắc về cuộc đời.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.