Thông tin trên lá khá bất ngờ, bởi trả lời báo chí, tân Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ đã cho biết: “Theo tôi từ nay đến cuối năm, áp lực tăng giá điện, nói chính xác hơn là áp lực tăng giá cao đối với điện đã giảm bớt. Nguyên nhân quan trọng là năm nay nước về hồ sớm. Nhiều tổ máy sản xuất điện đã đi vào hoạt động. Chúng ta mua được điện với giá rẻ. Vì vậy, mức độ dự báo lỗ của điện theo đó cũng sẽ giảm bớt”
|
6 tháng đầu năm, ngành điện thua lỗ hơn 3.500 tỷ đồng. (Ảnh minh hoạ, chụp lắp đặt công tơ điện ở một huyện ngoại thành Hà Nội). |
Tăng giá để giảm khó khăn
Ngày 3.8, ông Dương Quang Thành - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực VN (EVN) cho biết, EVN sẽ tham gia đầu tư 25 dự án trong quy hoạch điện 7 vừa được Chính phủ phê duyệt. Trong đó, tập đoàn này đang chuẩn bị đầu tư 11 dự án, 4 dự án sắp khởi công xây dựng trong những tháng còn lại của năm 2011.
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất để EVN đảm bảo đúng tiến độ đầu tư các dự án điện là việc huy động nguồn vốn, giải phóng mặt bằng cho các dự án và đảm bảo nguồn nguyên liệu đầu vào là các nguồn năng lượng than, khí cho sản xuất điện.
EVN vẫn đang kiến nghị Chính phủ cho phép tập đoàn này điều chỉnh giá điện theo quyết định 24 của Chính phủ về điều hành giá điện theo cơ chế thị trường để tập đoàn này giảm bớt khó khăn, thúc đẩy đầu tư. 6 tháng đầu năm nay, EVN đã lỗ hơn 3.500 tỷ đồng và nợ trên 10.000 tỷ đồng các ngành than, dầu khí.
Như vậy lãnh đạo EVN tiếp tục đưa ra thông điệp: Trong thời gian tới nếu không điều chỉnh giá điện, ngành điện sẽ rất khó khăn. Ông Dương Quang Thành cho hay, nguyên nhân là do EVN gặp khó khăn trong việc vay vốn để thực hiện các dự án trọng điểm đang triển khai của ngành điện, EVN không đủ vốn đối ứng. EVN cũng đã cắt giảm và dãn tiến độ hơn 12.000 tỷ đồng các công trình đầu tư theo Nghị quyết 11 nhưng vẫn đang rất thiếu vốn. Do vậy, nếu không tăng giá điện tới đây thì năm nay và năm sau tình hình của ngành điện sẽ rất nan giải.
“Nếu ngành điện lãi đã trả được nợ”
Câu hỏi được dư luận đặt ra là thật ra ngành điện có phải lỗ và khó khăn thật hay không để xin điều chỉnh giá điện. Đã có thông tin từ các chuyên gia am tường ngành điện cho rằng, việc điều chỉnh giá điện bình quân 1.242 đồng/kWh hồi tháng 3.2011, EVN đã có lãi 18%.
Nếu giá điện được điều chỉnh tăng trong quý III này có thể sẽ gây nên một đợt tăng giá mới trên thị trường. . Do vậy, Chính phủ, các bộ ngành và EVN cần phải cân nhắc trước khi quyết định tăng giá điện.
Chuyên gia Lê Đăng DoanhThứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng đã thẳng thắn phủ nhận điều này. Ông Vượng nói: "Nếu ngành điện kinh doanh có lãi thì đã có thể trả nợ, sẽ không ai cho phép EVN nợ tiền".
Ông Vượng khẳng định: Giá điện dù đã được điều chỉnh vẫn còn ở mức thấp do không tính đủ các chi phí đầu vào cho ngành điện và vẫn còn bao cấp về giá điện cho toàn xã hội.
Theo quy hoạch điện 7, giá điện sẽ phải điều chỉnh tăng dần để đến năm 2020, giá điện bình quân của VN phải là 8-9 cent/kWh (hiện là gần 6 cent/kWh). "Chúng ta có 10 năm để điều chỉnh giá điện tăng tới mức trên, do vậy, thời điểm, mức độ tăng giá điện Chính phủ sẽ có những tính toán để quyết định"-ông Vượng nói.
Về lâu dài, giá điện sẽ dần tiến tới cơ chế giá thị trường để tránh đảo lộn kinh tế vĩ mô, thực hiện chính sách an sinh xã hội. Với giá điện hiện hành, Bộ Công Thương cũng cho biết, tình hình tài chính của ngành điện vẫn rất khó khăn, hiện các chi phí chưa tính đủ vào giá điện còn treo lại là 27.917 tỷ đồng. Nếu không điều chỉnh tiếp giá điện thì ngành điện sẽ lỗ thêm 29.500 tỷ đồng, tổng số cả năm 2011 là: 57.417 tỷ đồng.
Mai Hương
Vui lòng nhập nội dung bình luận.