Bằng tốt nghiệp giá rẻ
Trong số 96 bằng tốt nghiệp THPT mà Phòng An ninh Chính trị nội bộ Công an tỉnh Long An (PA25) rà soát đợt này, chỉ có… 6 bằng là thật. Toàn bộ hồ sơ liên quan đến các văn bằng giả đã được chuyển sang Cơ quan điều tra Công an tỉnh Long An để tiếp tục làm rõ.
Theo báo cáo của Phòng PA25, số cán bộ sử dụng bằng giả tập trung chủ yếu ở vùng Đồng Tháp Mười. Trong đó, 2 huyện Vĩnh Hưng và Mộc Hoá bị phát hiện có đến 35 cán bộ chủ chốt cấp xã, phường dùng bằng giả.
Ông Nguyễn Văn Tân, một người dân ở thị trấn Vĩnh Hưng (huyện Vĩnh Hưng) bức xúc: “Tôi biết có nhiều cán bộ trước đây học chưa qua cấp 2, không thấy họ đi học ngày nào bỗng dưng có bằng cấp 3 rồi lên chức vù vù. Bằng cấp chưa phải là vấn đề lớn, nhưng qua chuyện này làm người dân mất lòng tin với cán bộ.
Theo tài liệu của PA25, ngay thị trấn Vĩnh Hưng, người bị phát hiện dùng bằng giả đầu tiên chính là bà Chủ tịch UBND thị trấn Trương Thị Út. Cán bộ Mặt trận Tổ quốc, công an thị trấn cũng “noi gương” dùng bằng giả.
Tại xã Vĩnh Trị (Vĩnh Hưng) hàng loạt cán bộ chủ chốt là ông Phạm Thành Công – Trưởng công an xã, Vũ Thị Hải – Bí thư đoàn, Ngô Thanh Trang – Trưởng trạm y tế, Phạm Thị Phương – Phó Bí thư Đảng uỷ… bị phát hiện cùng nhau “đóng tiền” cho một nhân vật đã nghỉ hưu của Trường Cao đẳng Nghề số 8 (TP.Biên Hoà, Đồng Nai) và cùng nhau lấy bằng (phôi bằng là thật) vào năm 2008.
Theo một cán bộ điều tra Công an tỉnh Long An, nhân vật đã nghỉ hưu này khi rời khỏi trường đã “ôm” theo số phôi bằng khá lớn, cấp tràn lan cho nhiều đối tượng ở khắp các tỉnh chứ không chỉ cấp cho số cán bộ ở Long An.
Khó xử lý…
Năm 2009, để “chuẩn hoá” cho 90 cán bộ ở TP.Tân An, Trường Đại học Kinh tế công nghiệp Long An đã tổ chức cho số cán bộ này “học” siêu tốc” trong 24 buổi (học phí 1.650.000 đồng/học viên) để lấy chứng chỉ B Anh Văn. Nhiều cán bộ trước đó chưa học tiếng Anh ngày nào đã “thi đậu” ngay sau khoá học và được cấp bằng.
Theo một cán bộ lãnh đạo xã Hưng Điền B (huyện Tân Hưng), Trưởng công an xã này dùng bằng giả nhưng không thể “đôn” phó công an lên thay thế vì vị phó công an cũng dùng bằng giả. So với cấp trưởng và phó thì trình độ của lực lượng công an viên còn thấp hơn, không thể thay thế.
“Chúng tôi đang xin ý kiến chỉ đạo của cấp trên, vì nếu không có cán bộ thạo chuyên môn thì công việc sẽ tồn đọng, không ai giải quyết” - vị này nói. Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhiều địa phương khác cũng rơi vào tình trạng tương tự khi không tìm được người đủ điều kiện thay thế”.
Trao đổi với NTNN, một cán bộ đang dùng bằng giả phân trần do cấp trên yêu cầu phải “chuẩn hoá” cán bộ trong khi kiến thức ở bậc THPT rất khó nuốt đối với những người đã có tuổi.
“Chúng tôi ở vùng sâu vùng xa, mang danh là “cán bộ” nhưng lương cũng chỉ 3 cọc 3 đồng. Rời công việc chuyên môn, về nhà cũng phải lo việc đồng áng phụ vợ con, làm sao mà học nổi để thi đậu? Vùng Đồng Tháp Mười còn khó khăn quá, kêu gọi lớp trẻ có đủ bằng cấp về làm cán bộ xã chắc cũng không ai làm”.
Cũng theo tiết lộ của người này, mỗi bằng tốt nghiệp THPT chỉ tốn khoảng 1,5 triệu đồng, thấp hơn rất nhiều so với chi phí ăn học, đi lại thi cử…
Theo Ban Tổ chức Tỉnh ủy Long An, trước mắt các địa phương vận động cán bộ bị phát hiện sử dùng bằng tốt nghiệp THPT giả đã trúng cử đoàn đại biểu đi dự đại hội Đảng cấp trên, rút khỏi danh sách đoàn đại biểu. Sau đó các địa phương tiếp tục kiểm điểm xử lý kỷ luật những cán bộ vi phạm, nhưng không thể làm ngay 1 lần, vì như thế nhiều xã sẽ không còn đủ cán bộ để làm việc.
Hữu Danh
Vui lòng nhập nội dung bình luận.