'Khoảnh khắc Obama' tái hiện ở Anh

Thứ ba, ngày 25/10/2022 19:32 PM (GMT+7)
Ông Sunak trở thành thủ tướng Anh là khoảnh khắc “Barack Obama” đối với người gốc Ấn ở Anh, người đứng đầu đền thờ Hindu Veda ở Southampton cho biết.
Bình luận 0

 

'Khoảnh khắc Obama' tái hiện ở Anh - Ảnh 1.

Chân dung ông Rishi Sunak. Ảnh IT

“Đó chắc chắn là khoảnh khắc đáng tự hào đối với chúng tôi. Một người từ ngôi đền sẽ đảm nhận vị trí cao nhất đất nước với tư cách là thủ tướng của Vương quốc Anh”, ông Sanjay Chandarana, người đứng đầu Đền thờ Hindu Veda ở Southampton, nói với CNN hôm 24/12.

Ngôi đền do ông bà của ông Sunak đồng sáng lập năm 1971.

“Đó là khoảnh khắc giống như ông Barack Obama đối với chúng tôi. Sẽ có một thủ tướng gốc Ấn Độ ở Anh. Mọi người ở đây đều rất vui mừng khi biết tin đó”, ông Chandarana nói thêm.

Ông Rishi Sunak sẽ trở thành người theo đạo Hindu và người gốc Ấn đầu tiên giữ chức thủ tướng của Vương quốc Anh. Ông từng đề cập công khai về nguồn gốc của mình trong cuộc phỏng vấn với Business Standard năm 2015 rằng ông đánh dấu vào mục gốc Ấn trong cuộc điều tra dân số.

“Tôi hoàn toàn là người Anh, đây là quê hương và đất nước của tôi, nhưng di sản văn hóa và tôn giáo của tôi là người Ấn Độ, vợ tôi là người Ấn Độ. Tôi hoàn toàn cởi mở về việc bản thân theo đạo Hindu”, ông Sunak nói với Business Standard.

Cột mốc quan trọng với nước Anh

Chương trình pháo bông tại ngôi đền để ăn mừng lễ hội Diwali của người Hindu hôm 24/10 đã được kéo dài tới 20 phút so với kế hoạch ban đầu chỉ có 12-15 phút, để đánh dấu chiến thắng của ông Sunak.

Ông Chandarana hồ hởi: “Chúng tôi đang có một lễ hội trong lễ hội lúc này”.

'Khoảnh khắc Obama' tái hiện ở Anh - Ảnh 2.

Ông Sunak được các đồng nghiệp đảng Bảo thủ chào đón nồng nhiệt ngày 24/10. Ảnh: AP.

Vị lãnh đạo đền thời nói rằng Sunak là một vị khách thường xuyên đến thăm ngôi đền và ông đã ở đó vào tháng 7/2021, một vài ngày trước khi ông từ chức Bộ trưởng Tài chính.

Sau khi đảng Bảo thủ Anh thông báo ông Sunak đã chiến thắng trong cuộc đua trở thành lãnh đạo đảng hôm 24/10, vị giáo sĩ chính của ngôi đền đã tổ chức một “buổi cầu nguyện đặc biệt” cho thủ tướng tương lai.

Người đứng đầu ngôi đền cho hay ông chắc chắn ông Sunak sẽ sớm thăm ngôi đền.

“Cha mẹ và họ hàng của ông ấy cũng đến đây khá thường xuyên. Dì của ông ấy cũng mới tới thăm ngôi đề và vừa rời khỏi đây”, ông Chandarana chia sẻ cùng nụ cười trên môi.

Ông bà của ông Sunak sinh ra ở Ấn Độ và cha mẹ ông di cư đến Vương quốc Anh từ Đông Phi vào những năm 1960.

Nhận định với Guardian, các chuyên gia cho rằng việc ông Sunak sắp trở thành thủ tướng gốc Ấn đầu tiên của Vương quốc Anh và là thủ tướng theo đạo Hindu đầu tiên, cả hai đều là cột mốc quan trọng trong sự phát triển của nước Anh với tư cách là một xã hội đa văn hóa và đa tín ngưỡng.

Mặc dù đã có sự gia tăng đáng kể các chính trị gia da màu được bổ nhiệm vào những vai trò nội các cấp cao, bao gồm các chức vụ chủ chốt như Bộ trưởng Tài chính, Bộ trưởng Nội vụ, Ngoại trưởng nhưng trước đây Vương quốc Anh chưa từng có thủ tướng không phải người da trắng.

Đó là "khoảnh khắc lịch sử mà chẳng ai có thể nghĩ tới dù chỉ một hay hai thập kỷ trước", ông Sunder Katwala - thuộc tổ chức nghiên cứu British Future chuyên về chủng tộc và bản sắc, đánh giá.

“Điều này cho thấy cơ quan công quyền ở văn phòng cao nhất của nước Anh có thể mở cửa cho mọi người thuộc mọi tín ngưỡng và nguồn gốc. Đây sẽ là nguồn tự hào cho nhiều người Anh gốc Á - bao gồm nhiều người không chia sẻ nền chính trị Bảo thủ của ông Rishi Sunak", ông Katwala cho hay.

"Đó là một trong những khoảnh khắc tự hào nhất của tôi"

Hai năm trước, khi Sunak là Bộ trưởng Tài chính, ông đã thắp nến để đánh dấu ngày lễ Diwali trên bậc cửa của số 11 Phố Downing vào thời điểm các quy định phòng dịch Covid-19 vẫn còn hiệu lực.

'Khoảnh khắc Obama' tái hiện ở Anh - Ảnh 3.

Ông Rishi Sunak thắp nến bên ngoài số 11 Phố Downing trước lễ hội Diwali tháng 11/2020. Ảnh: PA.

“Đó là một trong những khoảnh khắc tự hào nhất của tôi khi có thể thực hiện nghi lễ đó trên những bậc thang của Phố Downing. Đó là một trong những khoảnh khắc đáng tự hào nhất của tôi về công việc mà tôi đã có trong hai năm qua”, ông nói với tờ Times vào đầu năm nay.

Niềm tin tôn giáo đã “mang lại cho tôi sức mạnh, và đích đến. Đó là một phần của con người tôi", ông trải lòng.

Sau cuộc tổng tuyển cử năm 2017, ông tuyên thệ trước Quốc hội cùng sách thiêng của người Hindu là Bhagavad Gita.

Grant Shapps, người trở thành Ngoại trưởng Anh tuần trước, đã thể hiện một góc nhìn khác, cho rằng không nên đẩy quá cao tầm quan trọng của việc Sunak trở thành thủ tướng gốc Ấn đầu tiên của Vương quốc Anh.

"Việc ông ấy được bổ nhiệm sẽ là một khoảnh khắc của quốc gia", ông Shapps nói với chương trình Today của BBC Radio 4. "Nhưng mặt khác nó cũng không có gì quá xa vời hay cần nói tới nhiều. Đó chỉ là một thứ nằm trong nhiều điều tốt đẹp ở Anh mà chúng ta đã quen thuộc. Tôi có thể tưởng tượng ở những nước khác, một dấu mốc như vậy có thể trở thành đề tài duy nhất trên trang nhất. Ở đây, nó không quá lạ thường tới mức đó, và như thế không tuyệt vời sao".

'Khoảnh khắc Obama' tái hiện ở Anh - Ảnh 4.

Ông Grant Shapps cho rằng việc nước Anh có thủ tướng gốc Ấn đầu tiên không phải điều gì đó quá bất ngờ. Ảnh: Reuters.

Tuy nhiên, Tariq Modood, giáo sư xã hội học, chính trị và chính sách công tại Đại học Bristol, lại cho rằng: “Dù quan điểm chính trị của ông ấy là gì, việc Sunak trở thành thủ tướng là một thời khắc lịch sử cho chủ nghĩa đa văn hóa và bình đẳng chủng tộc. Điều đó đã xảy ra sớm hơn nhiều so với dự đoán của bất kỳ ai thậm chí chỉ ở vài năm trước - và cũng không ai có thể dự đoán rằng thủ tướng thuộc nhóm thiểu số đầu tiên sẽ là người đảng Bảo thủ.

Chuyên gia Neema Begum, phó giáo sư về chính trị Anh tại Đại học Nottingham, nhận định rằng việc ông Sunak sẽ trở thành thủ tướng Anh “cho thấy sự đại diện của các nhóm dân tộc thiểu số đã tiến xa như thế nào trong nền chính trị”.

Bà nói thêm: “Tỷ lệ đại diện dân tộc thiểu số trong đảng Bảo thủ đã tăng lên đáng kể kể từ khi ông David Cameron hiện đại hóa đảng và đưa nhiều ứng cử viên nhóm thiểu số vào các ghế nội các. Nhưng đa số cử tri dân tộc thiểu số vẫn tiếp tục bỏ phiếu cho Công đảng".

“Việc ông Sunak sẽ trở thành thủ tướng không nhất thiết là lý do ăn mừng cho tất cả dân tộc thiểu số. Cũng chẳng thể dùng chiến thắng của ông để bác bỏ sự tồn tại đang diễn ra của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc hoặc che khuất thực tế rằng có những bất bình đẳng về chủng tộc và sắc tộc một cách có hệ thống vẫn còn hiện hữu trong lĩnh vực nhà ở, y tế và giáo dục", bà Begum chỉ rõ.

Nội các của Thủ tướng sắp mãn nhiệm Liz Truss có 5 người da màu: James Cleverly, Nadhim Zahawi, Alok Sharma, Kemi Badenoch và Ranil Jayawardena. Hai người khác, Kwasi Kawarteng và Suella Braverman, đã bị sa thải trong những ngày gần đây.

Cha mẹ của Sunak là người gốc Ấn Độ. Cha ông, Yashvir, sinh ra ở Kenya và mẹ ông, Usha, chào đời ở Tanzania. Họ di cư đến Vương quốc Anh vào những năm 1960.

Gia đình của một loạt các nghị sĩ cấp cao khác thuộc đảng Bảo thủ, bao gồm Priti Patel, Braverman, Cleverly và Kwarteng, cũng di cư đến Vương quốc Anh từ Đông và Tây Phi.

Ông Sunak cũng có thể sẽ là thủ tướng đầu tiên của Vương quốc Anh bài rượu bia kể từ thời ông David Lloyd George. Không có quy định rõ ràng về việc cấm rượu bia trong đạo Hindu, nhưng nhiều người theo đạo này chọn không uống.

"Tôi đã dự đoán điều này cách đây một thập kỷ"

Gửi lời chức mừng tới ông Sunak hôm 24/10, cựu Thủ tướng Anh David Cameron chia sẻ rằng cách đây 10 năm, ông đã nói rằng đảng Bảo thủ sẽ là đảng đầu tiên ở Anh có một thủ tướng gốc Ấn Độ.

Trên Twitter, cựu Thủ tướng Anh David Cameron viết: "Xin chúc mừng ông Rishi Sunak sẽ trở thành thủ tướng Anh để dẫn dắt chúng tôi vượt qua thời gian đầy thử thách này", theo Guardian.

"Cách đây một thập kỷ, tôi đã dự đoán rằng đảng Bảo thủ sẽ chọn ra một thủ tướng gốc Ấn Độ đầu tiên cho nước Anh. Chúng tôi tự hào vì điều đó thành hiện thực trong hôm nay. Tôi cầu chúc ông Rishi những điều tốt đẹp nhất. Ông ấy đã hết lòng ủng hộ tôi", ông Cameron nói thêm.

'Khoảnh khắc Obama' tái hiện ở Anh - Ảnh 5.

Sir Graham Brady, Chủ tịch Ủy ban 1922, thông báo trước Hạ viện Anh rằng ông Rishi Sunak sẽ trở thành lãnh đạo mới của đảng Bảo thủ hôm 24/10. Ảnh; Reuters.

Ông Sunak từng học thạc sĩ quản trị kinh doanh tại Đại học Stanford sau khi theo học tại Đại học Oxford và Đại học Winchester.

Năm 2001-2004, ông Sunak là nhà phân tích của ngân hàng Goldman Sachs, rồi tham gia vào hai quỹ phòng hộ. Ông Sunak kết hôn với bà Akshata Murty năm 2009 và có hai con gái. Phu nhân của ông là con gái của tỷ phú N. R. Narayana Murthy, nhà sáng lập công ty công nghệ thông tin đa quốc gia Infosys của Ấn Độ.

Năm 2015, ông là nghị sĩ đảng Bảo thủ đại diện cho Richmond, hạt Bắc Yorkshire.

Ông giữ vị trí Thứ trưởng về chính quyền địa phương trong Bộ Nâng cấp, Nhà ở và Cộng đồng dưới thời Thủ tướng Theresa May. Ông được chọn làm Bộ trưởng Tài chính dưới thời Thủ tướng Boris Johnson vào tháng 2/2020.

Theo CNN, trong bài phát biểu đầu tiên trên cương vị người đứng đầu đảng Bảo thủ, ông Sunak đã đề cao bà Truss: “Tôi muốn bày tỏ lòng kính trọng đến bà Liz Truss vì sự phục vụ của bà ấy cho đất nước. Bà ấy đã dẫn dắt nước Anh bằng phẩm giá và sự uyển chuyển qua một thời kỳ có sự thay đổi lớn".

“Đây là đặc ân lớn nhất trong cuộc đời tôi khi được phục vụ cho đảng mà tôi yêu mến và có thể cống hiến cho đất nước mà tôi mang ơn rất nhiều”, ông Sunak nói.

“Vương quốc Anh là một đất nước tuyệt vời, nhưng chúng ta đang phải đối mặt với một thách thức kinh tế to lớn. Chúng ta cần sự ổn định và thống nhất. Ưu tiên hàng đầu của tôi là mang đảng Bảo thủ và nước Anh của chúng ta quay lại với nhau”.

“Tôi cam kết sẽ phục vụ các bạn bằng sự chính trực và khiêm tốn. Tôi sẽ làm việc ngày này qua ngày khác để mang lại lợi ích cho người dân Anh”, ông nói thêm.


Hải Linh-Phương Linh (zingnews.vn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem