Buồn thương những tiếng khóc gọi mẹ
Là một cựu chiến binh, từ 15 năm trước, năm 2002, bà Hương chọn cánh đồng hẻo lánh nay là tổ 8, phường Ngọc Xuyên, Đồ Sơn, Hải Phòng làm nơi dựng lều tranh sinh sống và nuôi dưỡng những đứa trẻ tật nguyền là con của đồng đội cũ.
Trải qua năm tháng, bà đã cùng một số anh em đồng đội xin cấp có thẩm quyền thành lập cơ sở nuôi dưỡng những đứa trẻ bị nhiễm chất độc da cam của những đồng đội đã khuất từ đó cho đến nay.
Bà Trần Thị Thanh Hương được biết đến là một người mẹ vĩ đại của hàng trăm đứa con tật nguyền ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước.
Cách đây nhiều năm, bà đã mắc căn bệnh hiểm nghèo, nhưng với nghị lực và tình yêu thương những đứa trẻ tật nguyền bà đã gắng sức vượt qua, kéo dài sự sống cho đến tận hôm nay.
Các con của mẹ Hương tại Thiện Giao động viên nhau trong lễ tang
Cơ sở từ thiện Thiện Giao do bà sáng lập cũng đã đón nhận tình cảm, sự quan tâm của cấp chính quyền cơ sở và nhiều nhà hảo tâm trong và ngoài nước.
Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt là một trong những cơ quan truyền thông đã thường xuyên quan tâm, cổ vũ, khích lệ tinh thần và nghị lực của người mẹ nuôi hiếm có này vượt qua khó khăn đồng thời giới thiệu được nhiều tổ chức, cá nhân đến thăm hỏi, tặng quà cho mẹ con trong gia đình Thiện Giao từ nhiều năm nay.
Ngược lại, ngày 21.6 hàng năm (ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam), những người làm báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt ở Hải Phòng luôn xúc động nhận được những món quà nhỏ nhưng ý nghĩa lớn - những sản phẩm do chính tay đứa trẻ tật nguyền kỳ công sáng tạo, do đích thân mẹ Hương và những đứa con của mẹ mang lên tặng.
Bình buồn trước sự ra đi của mẹ Hương ngồi khóc 1 mình.
Ngoài hàng trăm người con nuôi, bà Hương cũng có hai người con trai ruột, cùng gánh vác việ giúp đỡ, cưu mang những người khuyết tật do hậu quả chiến tranh để lại tại “ngôi nhà chung Thiện Giao”.
Niềm vui ở Thiện Giao luôn ngập tràn vì những đứa con của Thiện Giao đều hiếu thảo, chịu thương chịu khó. Tuy bị tật nguyền nhưng các con của mẹ Hương đều được hướng dẫn để tự mình chăm sóc bản thân và làm ra được những sản phẩm phù hợp với điều kiện sức khỏe của từng em để bán ra thị trường, lấy tiền sinh sống.
Trong đám tang sáng 9.12, anh Trầm (SN 1981) là người bị chứng bệnh tâm thần phân liệt liên tục khóc gọi mẹ.
Mặc dù nói không rõ nhưng khi đưa bà Hương về tới nghĩa trang Ninh Hải, TP.Hải Phòng anh Trầm đã liên tục khóc đòi mẹ: Mẹ ơi! Mẹ Hương ốm. Mẹ mất rồi.
Những tiếng hát nghẹn nghẹn trong cổ của anh Trầm phát ra “ Mẹ ơi! Mẹ ơi! ...” khiến nhiều người không cầm được nước mắt.
Anh Trầm cùng người thân quyến chờ đưa tiễn bà Hương về cõi vĩnh hằng.
Không chỉ có anh Trầm, những giọt nước mắt lăn dài trên má những người con thiểu năng trí tuệ như Bình, Thêm, anh Hạnh, Nhi, ...
Mặc dù là những người thiểu năng nhưng họ nhận thức được việc mẹ không còn là thiệt thòi lớn, hàng ngày không được ở bên mẹ và họ tự động viên lẫn nhau.
Đó là tình cảm thật đáng quý của những người con khuyết tật với mẹ, những người không cùng huyết thống đã trở thành những người như anh em ruột thịt khi chung sống cùng mái nhà Thiện Giao.
Đoàn kết gìn giữ “Thiện Giao”
Có mặt tại đám tang, anh Nguyễn Văn Mạnh, hiện trú tại phường Hòa Nghĩa, quận Dương Kinh, TP.Hải Phòng, 1 trong số hơn 100 người con nuôi của bà Hương cho biết: “Mẹ Hương là một người mẹ tuyệt vời. Mẹ đã cưu mang, nâng đỡ nhiều người có hoàn cảnh khó khăn ở nhiều địa phương khác nhau trên cả nước.
Mẹ tạo dựng cho các con có được cái nghề trong tay, tự tin vươn ra ngoài lập nghiệp. Giờ mẹ mất, thực sự là hụt hẫng, mất mát lớn đối với người thân, đặc biệt là những đứa trẻ tật nguyền còn đang sinh sống và làm việc tại Thiện Giao”.
Ngô Thị Thêm, người con nuôi thiểu năng của bà Hương xót thương trước sự ra đi của bà.
Anh Vũ Văn Tuyền SN 1994, quê ở Quảng Ninh là thành viên thường xuyên sống và làm việc tại Thiên Giao buồn bã cho biết: "Khi mọi người đưa mẹ về lo tang lễ em sốc lắm. Mẹ không còn nhưng những người con của mẹ tại Thiện Giao sẽ luôn đoàn kết, yêu thương nhau cùng phát triển để không phụ công mẹ tạo dựng và nuôi dưỡng".
Chị Hoàng Thị Phương, SN 1981, một trong số người con của mẹ Hương chia sẻ: "Do sức khỏe mẹ Hương yếu nên nhiều năm trở lại đây Thiện Giao chỉ duy trì ở số lượng 21 người và đến một nửa là những người bị thiểu năng trí tuệ như Trầm, Hạnh, Thêm, Bình, Nhi, ...
Mặc dù ngô nghê, ngờ nghệch nhưng sống tại ngôi nhà chung họ được mẹ chỉ bảo, che chở nên từ những đứa trẻ tưởng như vô dụng nay đều biết làm việc và sống rất tình cảm".
Theo chị Phương, trước khi mất, bà Hương có di nguyện giao lại công việc quản lý, chăm sóc những đứa trẻ tật nguyền nơi đây cho chị Phương cùng những người con có năng lực hiện nay tại Thiện Giao.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.