Khởi động “chiến dịch” trồng 1 tỷ cây xanh

Khánh Nguyên Thứ sáu, ngày 27/11/2020 06:33 AM (GMT+7)
Nói về mục tiêu trồng 1 tỷ cây xanh trong 5 năm tới mà Thủ tướng Chính phủ nêu ra tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, Thứ trưởng Thường trực Bộ NNPTNT Hà Công Tuấn cho biết, trong thời gian tới, Bộ NNPTNT sẽ khởi động chiến dịch xây dựng đề án để thực hiện khát vọng này.
Bình luận 0

Mỗi người trồng 2 cây trong 1 năm thì sẽ đủ

Trả lời câu hỏi của phóng viên về mục tiêu trồng 1 tỷ cây xanh trong 5 năm tới mà Thủ tướng Chính phủ đặt ra, Thứ trưởng Hà Công Tuấn khẳng định, đây là khát vọng, mong muốn, quyết tâm chính trị cao của người đứng đầu Chính phủ.

"Không đơn thuần là con số 1 tỷ cây xanh, mục tiêu này của Thủ tướng còn nhằm truyền đi thông điệp quyết tâm khôi phục, nâng cao chất lượng rừng và môi trường" - Thứ trưởng Hà Công Tuấn nhấn mạnh.

Khởi động “chiến dịch” trồng  1 tỷ cây xanh - Ảnh 1.

Người dân trồng cây Tây Nguyên chăm sóc cây trong diện tích trồng rừng của mình. Ảnh: I.T

"Trong 5 năm, chỉ cần mỗi người trồng 2 cây trong 1 năm là sẽ phủ xanh 1 tỷ cây. Tuy nhiên, việc thực hiện phong trào phải thiết thực, trồng có bài bản, kế hoạch chứ không phải cắm cây xuống là xong"

Thứ trưởng Hà Công Tuấn

Thứ trưởng Hà Công Tuấn cho biết, sau khi Thủ tướng đưa ra mục tiêu này tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, Bộ NNPTNT đã có báo cáo, xin ý kiến Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng đề án trồng 1 tỷ cây xanh.

Tinh thần của mục tiêu trồng 1 tỷ cây xanh sẽ là những cây lâu năm có tán rộng, có tác dụng phòng hộ môi trường tốt, việc trồng cây xanh được thực hiện trên phạm vi toàn quốc và không tính vào diện tích trồng rừng thay thế hàng năm" - Thứ trưởng Hà Công Tuấn thông tin thêm.

Cũng theo Thứ trưởng Hà Công Tuấn, việc Thủ tướng đặt ra mục tiêu trồng 1 tỷ cây xanh cũng là cơ hội để các ngành chức năng, các địa phương đặt ra một mục tiêu, chương trình cụ thể hơn cho phong trào Tết trồng cây hàng năm.

Theo đó, để có được 1 tỷ cây xanh trong 5 năm tới sẽ tập trung trồng cây ở các đô thị, trồng ở khu công nghiệp, trên các hệ thống đường giao thông, những khu vực chuyên canh nông nghiệp nhưng không có bóng cây...

Thứ trưởng Hà Công Tuấn cho biết, Bộ NNPTNT đã đề xuất việc thực hiện mục tiêu trồng 1 tỷ cây xanh sẽ được lồng ghép trong chương trình đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, đồng thời khẳng định, đây không phải là việc của riêng ngành lâm nghiệp, để đạt hiệu quả, cần sự chung tay của các ngành chức năng, địa phương, doanh nghiệp và người dân.

Theo thạc sĩ Phạm Đình Sâm - Trưởng Bộ môn Nông - lâm kết hợp (Viện Nghiên cứu lâm sinh, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam), các chương trình hành động của Chính phủ, các bộ, ngành liên quan về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đã đạt được một số thành tựu đáng kể trong thời gian vừa qua.

Diện tích rừng tăng thuần trên quy mô nhưng mất rừng vẫn diễn ra tại nhiều địa phương, chất lượng rừng vẫn bị suy giảm nghiêm trọng, không đảm bảo các chức năng và dịch vụ hệ sinh thái của rừng.

Bên cạnh đó, theo ông Sâm, một số diện tích trồng thuần loài keo, bạch đàn không đáp ứng được nhu cầu về phòng hộ, bảo vệ môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu với nhiều hiện tượng thời tiết cực đoạn xảy ra gần đây.

"Việc thực hiện sáng kiến trồng 1 tỷ cây xanh trong 5 năm tới, trong đó có trồng cây ở các khu đô thị của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là cấp thiết" - ông Sâm nhấn mạnh.

Tuy nhiên, theo tôi, để thực hiện đề xuất trồng 1 tỷ cây xanh của Thủ tướng có hiệu quả cần phải xác định các hoạt động với các chỉ tiêu cụ thể nhằm phục hồi được diện tích rừng đã mất, phát huy và sử dụng tối đa các giá trị sinh thái và bảo tồn của các hệ sinh thái rừng đồng thời phát triển kinh tế của từng vùng, đảm bảo sinh kế cho các hộ dân trong khu vực, góp phần giảm nhẹ sự tàn phá của thiên tai và các diễn biến ngày càng xấu và và cực đoan của các loại mưa bão, thời tiết' - ông Sâm nói.

Theo ông Sâm, để giải quyết vấn đề này cần có những đánh giá, hiểu biết về thực trạng cấu trúc và chức năng cũng như thực trạng quản lý rừng, đặc biệt là rừng phòng hộ đầu nguồn.

Dựa trên các tiêu chí đánh giá về khả năng phòng hộ của từng loại rừng (rừng tự nhiên và rừng trồng) cũng như các trạng thái đất rừng bị thoái hóa (không còn rừng), đất bỏ hoang hóa sau canh tác nương rẫy, hoặc các đối tượng rừng mà khả năng phục hồi bằng tái sinh tự nhiên bị hạn chế sẽ xác định các giải pháp kỹ thuật phù hợp cho từng đối tượng tương ứng.

Các loài cây trồng được lựa chọn phải dựa trên các đặc tính sinh lý, sinh thái và đáp ứng cho mỗi chức năng cụ thể của rừng và đất rừng phòng hộ, trong đó tập trung vào các loài cây bản địa, đa mục đích.

Ngoài ra quy hoạch bảo vệ và phát triển các loại rừng cũng cần có sự tham gia của các bên liên quan khác như kinh tế, giao thông, cơ sở hạ tầng vì đây là các đối tượng có tác động lớn đến diện tích đất rừng. Việc bảo vệ và phát triển tốt các khu rừng không chỉ để duy trì chức năng phòng hộ, mà chúng còn là điều kiện tiên quyết để duy trì và nâng cao các lợi ích kinh tế thu được từ các dịch vụ môi trường rừng.

Để tối ưu hoá chức năng của rừng, đòi hỏi phải củng cố cấu trúc rừng hiện có, phục hồi các diện tích rừng bị suy thoái và nâng cao vai trò, dịch vụ của chúng trong đời sống của người dân trong vùng. Để hiện thực hóa đề xuất của Thủ tướng trong thời gian tới, ông Sâm cho rằng, trước hết phải rà soát, đánh giá lại hiện trạng và tình trạng suy thoái rừng theo các tiêu chí về phòng hộ, đa dạng sinh học, giá trị kinh tế và xã hội trên các vùng sinh thái trọng điểm.

Tiếp đến cần đánh giá các rừng phòng hộ ít xung yếu và ít đa dạng hơn có thể kết hợp các hoạt động sản xuất nông lâm nghiệp như trồng cây công nghiệp, rừng trồng có năng suất cao, cây ăn quả hay nông lâm kết hợp kết hợp cả cây nông nghiệp và chăn nuôi để đảm bảo duy trì hệ sinh thái-nhân văn cân bằng do nhu cầu sản xuất và chăn nuôi gia súc của các hộ dân là yêu cầu tất yếu ở vùng đầu nguồn.

Thứ trưởng Thường trực Bộ NNPTNT Hà Công Tuấn: Ổn định vùng nguyên liệu 3,5 triệu

ha rừng trồng

Hiện nay, tình trạng khai thác rừng non diễn ra ở nhiều nơi nên gỗ rừng trồng chủ yếu là đường kính nhỏ, chất lượng thấp, sản xuất dăm mảnh chiếm tỷ trọng lớn, chưa đáp ứng được yêu cầu chế biến các sản phẩm gỗ xuất khẩu cao cấp.

Chính vì vậy, nâng cao chất lượng rừng được coi là một nhiệm vụ quan trọng trong giai đoạn 2021 - 2025 của ngành lâm nghiệp. Theo đó, Bộ NNPTNT sẽ khuyến khích các địa phương đẩy mạnh phát triển trồng rừng gỗ lớn, nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng trong nước, đảm bảo nguồn nguyên liệu gỗ hợp pháp trong nước cho ngành công nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản; với mục tiêu ổn định vùng nguyên liệu 3,5 triệu ha rừng trồng sản xuất tập trung, kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng giống cây trồng đảm bảo chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ, mở rộng diện tích rừng trồng sản xuất có chứng chỉ quản lý rừng bền vững đạt 3 triệu ha vào năm 2025.

Khánh Nguyên

img

Ông Nguyễn Quốc Trị - Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NNPTNT): Phát triển kinh tế đi với bảo tồn môi trường

Trong giai đoạn phát triển tới, ngành lâm nghiệp vẫn kiên định 3 trụ cột kinh tế - xã hội - môi trường, quyết tâm bảo vệ được diện tích rừng tự nhiên hiện có theo chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước. Cùng với đó là nâng cao chất lượng rừng trồng đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu; nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích.

Bên cạnh đó sẽ tiếp tục tái cơ cấu ngành lâm nghiệp đồng bộ theo chuỗi từ trồng rừng đến khai thác, chế biến và tiêu thụ để tăng trưởng bền vững. Kiên định mục tiêu nâng cao giá trị phòng hộ của rừng, phát triển kinh tế nhưng không phai nhòa giá trị môi trường và quốc phòng an ninh.

P.V (ghi)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem