Ông Lê Đình Quảng – Phó trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam)
Thưa ông, hiện nay tình hình nợ đọng BHXH trong các doanh nghiệp (DN) như thế nào?
- Theo số liệu của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, các DN trốn đóng, nợ BHXH, BHTN, BHYT với số tiền ước tính khoảng gần 15.000 tỷ đồng. Ngoài ra, còn khoảng gần 2.000 tỷ đồng nợ BHXH từ các DN đã ngừng hoạt động, giải thể, phá sản hoặc chủ DN bỏ trốn, không thể thu hồi. Số tiền này ảnh hưởng đến quyền lợi của hơn 193.000 người lao động. Tuy vậy, con số này đã giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước. Kết quả này là thành quả lớn trong sự phối hợp của các cấp các ngành từ việc tăng cường thanh tra, kiểm tra giám sát và nâng cao ý thức tuyên truyền của cơ quan có liên quan.
Hàng nghìn người lao động chịu thiệt do DN nợ BHXH. Ảnh: Minh Nguyệt
Là cơ quan bảo vệ quyền lợi của người lao động, Tổng liên đoàn đã có những giải pháp nào để giảm nợ BHXH?
- Hiện nay, Tổng Liên đoàn cùng nhiều cấp ngành có liên quan rất quan tâm tới vấn đề giải quyết nợ đọng BHXH. Đặc biệt, Luật hình sự mới có hiệu lực đã đưa nội dung hình sự hóa tội trốn đóng BHXH. Điều này đã tạo sự răn đe rất tốt, góp phần cảnh tỉnh DN nợ đóng, chậm đóng BHXH. Rất nhiều DN trước đó có thông tin khó khăn, từng chây ỳ đóng BHXH nhưng giờ đã chủ động nộp đóng.
Mới đây Luật hình sự đã quy định hình sự hoá tội danh trốn đóng, chậm đóng BXHH, điều này sẽ tác động thế nào tới việc khởi kiện của công đoàn?
- Theo quy định, Điều 216 quy định muốn xử lý một người chủ sử dụng lao động (DN) về tội trốn đóng BHXH, thứ nhất người đó phải có trách nhiệm đóng nhưng phải có hành vi hoặc thủ đoạn trốn đóng. Nhưng điều kiện là khoản nợ này phải từ 6 tháng trở lên. Thứ hai là người đó, DN đó phải được xử lý vi phạm hành chính. Nếu có đủ hai điều kiện trên thì DN mới bị mang ra quy trách nhiệm hình sự. Khung phạt tù nhiều khung, cao nhất lên tới 7 năm. Vướng mắc ở đây là DN nợ đọng rất nhiều, nhưng số lượng từ 6 tháng trở lên không nhiều. Thêm vào đó, dù thanh tra, kiểm tra nhiều nhưng số lượng bị xử phạt hành chính lại rất ít. Đội ngũ thanh tra viên, có thẩm quyền xử phạt cũng rất mỏng. Thực tế này khiến việc truy tố sẽ gặp nhiều khó khăn.
Thực tế hoạt động khởi kiện được tổ chức công đoàn thực hiện thế nào, kết quả ra sao thưa ông?
- Điều 14 theo Luật BHXH cho công đoàn được quyền khởi kiện những DN có hành vi, vi phạm gây thiệt hại quyền lợi cho người lao động, đặc biệt trong đó có hành vi chậm, trốn, nợ đóng BHXH... Trước đây, việc khởi kiện do hệ thống BHXH Việt Nam khởi kiện, nhưng từ năm 2014 BHXH Việt Nam được giao chức năng thanh tra, xử phạt. Như vậy, nếu khi cho BHXH quyền thanh tra, rõ ràng không thể giao cho họ quyền khởi kiện. Quyền này được trao cho công đoàn. Tuy vậy, khi các tổ chức công đoàn khởi kiện ra tòa thì gặp nhiều khó khăn. Tổng Liên đoàn dù rất quyết liệt triển khai nhưng cũng mới chỉ dừng lại ở việc tập hợp số liệu, chứng cứ gửi đến tòa.
Về việc khởi kiện nợ BHXH ra tòa án, các cấp công đoàn đã tiếp nhận 2.352 bộ hồ sơ DN nợ BHXH do cơ quan BHXH chuyển sang. 20 Liên đoàn lao động tỉnh, thành phố đã khởi kiện đến các cấp tòa án với tổng số 187 vụ DN nợ BHXH. Trong 187 vụ do công đoàn khởi kiện, tòa án nhân dân các cấp đã hòa giải thành 28 vụ, trả lại 48 hồ sơ khởi kiện. Số còn lại không thụ lý hồ sơ với các lý do nhiều lý do.
Trước thực trạng này, ông có kiến nghị gì với các cơ quan liên quan trong việc hoàn thiện cơ sở pháp lý, thể chế để việc khởi kiện được thuận lợi hơn?
- Trước thực tế trên, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đề nghị, bên cạnh điều kiện thanh kiểm tra, cơ quan thanh tra cũng phải lập biên bản xử phạt, chứ không chỉ dừng lại ở thanh tra không để tạo hành lang cho việc khởi tố, truy tố hình sự các DN sau này. Thêm vào đó, Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đã có nhiều phiên làm việc, ký kết hợp tác với BHXH Việt Nam nhằm hỗ trợ cung cấp tài liệu, kinh nghiệm khởi kiện... Tổng Liên đoàn cũng làm việc với Toà án tối cao, Viện Kiểm sát, Ủy ban các vấn đề xã hội Quốc hội để tháo gỡ các vướng mắc.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.