Theo PGS.TS Nguyễn Bá Diến, hành động phá hoại hoạt động tàu Bình Minh 02 ngày 26.5 của 3 tàu hải giám của Trung Quốc (TQ); các tàu hải quân nước này nổ súng đe dọa, xua đuổi các tàu cá của ngư dân ta trong ngày 31.5 và cả vụ mới nhất là cắt cáp thăm dò của tàu Viking 2 do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thuê ngày 9.6, đều nằm trong chiến lược nhằm độc chiếm biển Đông của TQ. Các sự việc này đều vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam và các công ước quốc tế về biển Đông.
|
Tàu Bình Minh 02 của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam bị tàu hải giám Trung Quốc cắt cáp địa chấn ngày 26.5. |
Lãnh đạo cấp cao của TQ luôn nói tại các hội nghị rằng, muốn giải quyết vấn đề biển Đông thông qua đối thoại hòa bình. Với những hành động như vừa qua, TQ có đi ngược lại với những tuyên bố đó?
- Từ chỗ đe dọa, bắt bớ các tàu cá Việt Nam ở Trường Sa và Hoàng Sa lâu nay, các vụ cắt cáp tàu thăm dò dầu khí cho thấy TQ đã tiến một bước xa hơn có quy mô lớn hơn và tính toán kỹ lưỡng hơn trong mưu đồ bá chủ biển Đông.
Với diễn biến ở biển Đông giữa Philippines với TQ cũng cho thấy, TQ đang đơn phương làm tình hình biển Đông trở nên rất căng thẳng. TQ không còn che giấu tham vọng làm bá chủ ở biển Đông, kể cả việc xâm phạm vùng thềm lục địa của các nước trong khu vực để gây sức ép, buộc các nước thừa nhận bản đồ hình lưỡi bò phi lý, thiếu cơ sở do nước này đưa ra.
|
PGS.TS Nguyễn Bá Diến |
Hiện nay, TQ có rất nhiều lực lượng hoạt động ở biển Đông, trong đó rất nhiều các tàu dân sự và tàu cá được vũ trang; hoặc tàu vũ trang giả dạng các loại tàu này.
Theo ông, có phải mức độ phản ứng của chúng ta những ngày qua quá ôn hòa nên TQ càng lấn tới các hoạt động xâm phạm lãnh hải Việt Nam?
- Chúng ta vẫn nên tiếp tục đường lối đấu tranh bằng con đường ngoại giao, hòa bình. Việc Bộ Ngoại giao, lãnh đạo Bộ Quốc phòng và dư luận phản ứng như vậy là rất kịp thời.
Một việc cần làm trong bối cảnh hiện nay là chúng ta nên gửi kháng thư lên Liên Hợp Quốc. Cho dù TQ là thành viên thường trực Hội đồng Bảo an nhưng nếu chúng ta đưa được vấn đề này ra, chắc sẽ gây được sức ép với TQ. Ngoài ra, việc khởi kiện TQ tại các tòa án Quốc tế cũng là việc cần làm.
Nếu thời gian tới, TQ tiếp tục có hành động ngang ngược, phản ứng của chúng ta nên như thế nào, thưa ông?
- Tôi đồng ý với quan điểm của nhiều người đánh giá những hành động vừa qua của TQ là một phép thử. Vì thế, nếu chúng ta quá nôn nóng sẽ dễ vấp phải sai lầm. TQ đang có biểu hiện dùng vũ lực để giải quyết tranh chấp biển Đông, nếu chúng ta dùng vũ lực lúc này là chưa cần thiết.
Chúng ta còn có các giải pháp hành chính như xua đuổi, bắt giữ các tàu TQ nếu họ vi phạm chủ quyền của ta. Còn khi họ vẫn tiếp tục vi phạm chủ quyền và dùng vũ lực thì lúc đó chúng ta có quyền tự vệ, các quy định quốc tế không cấm điều đó. Không gây hấn nhưng chúng ta có quyền tự vệ.
Những vụ việc liên tiếp đối với cả tàu thăm dò dầu khí lẫn tàu cá gần đây đang làm ngư dân rất lo ngại. Nếu ở địa vị là ngư dân đi biển, lúc này, ông sẽ cảm thấy thế nào?
- Tất nhiên là khó tránh khỏi cảm giác lo sợ. Trước đây và hiện nay, các cơ quan quản lý Nhà nước đã đặt ra nhiều chương trình, dự án để hỗ trợ, bảo vệ ngư dân như chương trình đánh bắt xa bờ, triển khai lực lượng cảnh sát biển, dân quân tự vệ, lực lượng kiểm ngư…
Tuy nhiên, các chương trình này chưa mang lại kết quả thiết thực như mong muốn. Một số chương trình được triển khai quá chậm. Các biện pháp hỗ trợ ngư dân phải được nghiên cứu bài bản, khi tổ chức thực hiện phải cụ thể, quyết liệt. Theo tôi hai việc cần làm ngay là tổ chức cho ngư dân đánh cá theo các tổ, đội; thứ hai là các lực lượng hải quân hay cảnh sát biển phải đi kèm để bảo vệ an toàn cho họ.
Xin cảm ơn ông!
Sỹ Lực (thực hiện)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.