Khởi tố 25 người vụ “bảo vệ” thủy điện đánh nhau với dân địa phương
Khởi tố 25 người vụ “bảo vệ” thủy điện đánh nhau với dân địa phương
Gia Bình
Thứ hai, ngày 18/07/2022 09:48 AM (GMT+7)
Hoàng Quang Chương huy động 60 người mang tuýt sắt đến đánh nhau với dân địa phương quanh khu vực thủy điện khiến 26 người bị thương, 1 xe ô tô bị hư hỏng.
Hoàng Quang Chương (ở Cốc Lếu, Lào Cai) và 24 người khác đã bị khởi tố trong vụ án "Cố ý gây thương tích" xảy ra ngày 14/3 tại dự án thủy điện Mây Hồ (thị xã Sa Pa).
Theo điều tra, do chưa thống nhất được mức bồi thường tại thủy điện Mây Hồ, một số hộ dân ngăn cản việc thi công đập đầu mối. Họ cũng cho rằng xây đập sẽ gây "ảnh hưởng nguồn nước" đang dùng nuôi cá.
Đơn vị thi công thủy điện là Công ty Xây dựng An Phú sau đó thuê Chương đến "bảo vệ công trường" với giá 200 triệu đồng. Chương liên hệ và "thu nạp" 60 người từ các địa phương khác nhau tới công trường thủy điện. Nhóm này chuẩn bị 60 đoạn gậy bằng tuýt sắt, dự định dùng ngăn cản người dân vào khu vực thi công.
Hai bên sau đó xảy ra xô xát, nhóm người của Hoàng Quang Chương dùng tuýp sắt đánh nhau với người dân. Vụ việc khiến 17 người dân và 9 người của Hoàng Quang Chương bị thương tích, 1 xe ô tô bị hư hỏng.
Lãnh đạo Công an thị xã Sa Pa cho hay, đây là vụ việc chưa có tiền lệ, xuất phát từ nhiều nguyên nhân đặc biệt là lợi ích kinh tế. Các hộ dân cho rằng quá trình thi công công trình ảnh hưởng đến nguồn nước đang sử dụng để nuôi cá hồi. Người dân đề nghị phía thủy điện dừng thi công đến khi thống nhất được phương án.
Doanh nghiệp có lỗi khi chưa nghiên cứu sâu về địa bàn, chưa làm tốt công tác nắm tình hình, vùng dự án, chưa tìm hiểu kỹ về phong tục, tập quán, vấn đề liên quan đến tài sản nằm trong khu vực triển khai dự án.
Công an thị xã Sa Pa cho hay, với một số người dân ném đá gây thương tích cho các đối tượng trong nhóm người của Hoàng Quang Chương và cố ý làm hư hỏng chiếc ô tô con, cơ quan chức năng đang tiếp tục điều tra, thu thập thêm thông tin để xử lý theo quy định của pháp luật.
Ông Trần Trọng Thông – Phó chủ tịch UBND thị xã Sa Pa cho biết: "Dự án Thủy điện Mây Hồ khi đi vào hoạt động sẽ góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương, đóng góp ngân sách cho nhà nước và tạo công ăn việc làm cho người lao động".
Theo ông, hiện doanh nghiệp và các hộ dân vẫn chưa thống nhất về mức giá bồi thường. Một số hộ yêu cầu mức bồi thường quá cao lên tới 15 tỷ đồng là "hoàn toàn không hợp lý, không có căn cứ để định giá cao như vậy". Chính quyền địa phương cũng đang tìm cách tháo gỡ cho các bên để đi đến thống nhất.
Liên quan vụ việc, ngày 16/3, Công ty An Phú chấp thuận bồi thường hơn 500 triệu đồng cho những người dân bị thương và tập thể hai thôn liên quan gồm: Can Hồ B, Lủ Khấu.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.