Ngày 30/4, Cơ quan An ninh điều tra (ANĐT) Công an tỉnh Phú Thọ cho biết đã ra quyết định khởi tố vụ án; khởi tố bị can đối với Triệu Thị Hải Yến (SN 1978, trú tại xã Ấm Hạ, huyện Hạ Hòa, Phú Thọ) về tội tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép.
Năm 2010, Trần Bích Thụ (SN 1977) cùng chồng là Nguyễn Lương Bằng (SN 1973, cùng ở Ấm Hạ) được Triệu Thị Hải Yến đưa đi xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc lao động. Đến năm 2012, Thụ và Bằng trở về địa phương. Trong thời gian này, Yến đã trao đổi, thống nhất với Thụ về việc đưa những người khác ở địa phương xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc lao động. Thụ đã rủ thêm chồng là Nguyễn Lương Bằng cùng tham gia.
Tháng 6/2012, Yến, Thụ, Bằng đã tổ chức đưa một nhóm công dân sang Trung Quốc để lao động trái phép. Đến tháng 9/2012, Thụ và Bằng tiếp tục tổ chức đưa công dân địa phương xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc lao động thì bị cơ quan công an phát hiện, bắt giữ. Ngày 23/1/2012, Toà án nhân dân tỉnh Phú Thọ đã tuyên án Trần Bích Thụ và Nguyễn Lương Bằng cùng phạm tội “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài”, tuyên phạt Trần Bích Thụ 30 tháng tù giam; Nguyễn Lương Bằng 24 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.
Triệu Thị Hải Yến lúc này đang ở Trung Quốc nên lo sợ không dám về Việt Nam. Đến năm 2022, sau thời gian trốn tránh ở Trung Quốc, Yến về Việt Nam sinh sống, đối tượng bị Cơ quan ANĐT Công an tỉnh Phú Thọ phối hợp cùng Công an huyện Hạ Hoà bắt giữ; khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về hành vi “tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài”.
Tại cơ quan công an, Yến khai nhận, từ năm 2010 - 2012, Yến cùng chồng đã tổ chức cho một số công dân tại huyện Hạ Hòa trốn sang nước ngoài lao động trái phép. Năm 2013, sau khi Thụ và Bằng bị cơ quan pháp luật xử lý theo quy định, Yến đã tổ chức đưa 3 lượt, khoảng 18 người xuất khẩu lao động trái phép và bố trí ở lại lao động bất hợp pháp tại nước ngoài mỗi lượt người “xuất ngoại chui” thành công Yến thu khoảng 5.500.000 đồng.
Theo lời khai của Yến thì người lao động trước khi sang Trung Quốc đều được Yến hứa hẹn khi sang Trung Quốc sẽ được bố trí công việc ổn định, với mức thu nhập cao, chi phí đi chỉ mất từ 4,5 triệu đến 5 triệu đồng, ngoài ra không cần phải làm giấy tờ, thủ tục gì để xuất cảnh sang Trung Quốc. Thực tế, khi đến Trung Quốc, họ phải làm những công việc vất vả, độc hại như làm giày da, làm đồ đông lạnh, làm đồ nhựa…
Quá trình di chuyển từ Việt Nam sang Trung Quốc do không làm thủ tục xuất cảnh hợp pháp nên phải đi vào ban đêm, trốn tránh sự kiểm soát của cơ quan chức năng và phải vượt biên trái phép qua khu vực biên giới. Trong vụ án này, những người lao động được bố trí xe đi từ Hạ Hoà, Phú Thọ đến Hà Nội, sau đó tiếp tục đi xe đến Móng Cái, Quảng Ninh. Tại đây, những người này được các đối tượng đưa sang Trung Quốc bằng cách đi thuyền qua sông, khi qua biên giới lại tiếp tục đi đường rừng rồi có xe đón đến nơi lao động.
Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo Phòng ANĐT Công an tỉnh Phú Thọ cho biết: Người dân khi có nhu cầu lao động tại nước ngoài cần tìm hiểu kỹ các quy định của pháp luật, không tin và đi theo những người môi giới lao động trái phép. Khi đi lao động trái phép, người lao động dễ rơi vào tình trạng bơ vơ nơi xứ người, vướng vào lao lý; một số người có thể trở thành nạn nhân của các vụ mua bán người hoặc phải đánh đổi cả mạng sống, không nhận được sự bảo hộ của nước nhà khi xuất ngoại trái phép.
Cùng với đó, khi xuất cảnh trái phép còn kéo theo những hệ luỵ khác. Cụ thể, người lao động cũng trở thành đối tượng vi phạm pháp luật người vi phạm, bị xử lý theo quy định tại điểm a, khoản 3, điều 18, Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ về hành vi “Qua lại biên giới quốc gia mà không làm thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh theo quy định của pháp luật", mức phạt tiền từ 3 đến 5 triệu đồng. Trường hợp đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn tái phạm có thể bị xem xét xử lý về hình sự theo quy định tại Điều 347 Bộ luật Hình sự năm 2015, với khung hình phạt cao nhất có thể lên đến 3 năm tù giam.
Cùng với đó, do xuất cảnh, lao động bất hợp pháp nên họ không được đảm bảo về quyền lợi lao động; thường xuyên phải trốn tránh sự kiểm tra của cơ quan chức năng nước ngoài. Người lao động còn có nguy cơ gặp phải các đối tượng lừa đảo, buôn người, dễ bị dụ dỗ, lôi kéo vào việc phạm tội hoặc tiếp tay cho tội phạm như hai trường hợp của Thụ và Bằng trong vụ án này.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.