Khốn đốn và khốn khổ vì tăng giá

Thứ tư, ngày 14/03/2012 20:00 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Các đợt tăng giá liên tiếp của một số mặt hàng vừa qua dù chưa được coi như là cơn bão, nhưng cũng đủ để "tàn phá" đời sống của dân nghèo.
Bình luận 0

Cứ mỗi đợt tăng giá, người dân coi như phải đóng thuế vô hình mà không có lấy một tấm hóa đơn.

Người dân gắng sức chịu đựng các đợt tăng giá trước Tết, cho nên những đợt tăng giá sau như đòn bồi đánh vào những bệnh nhân đang lâm trọng bệnh. Tiền lương của công nhân viên chức, thu nhập của người lao động hiện không đủ sống với mặt bằng giá cũ, nay lại đối phó với những cú sốc mới, đó là giá sữa, giá thuốc và các mặt hàng thực phẩm khác tăng. Nhưng sốc cực mạnh là khi giá gas tăng đột biến với mức ngất ngưởng, dân nghèo chưa kịp hoàn hồn với giá gas thì giá xăng tăng theo. Chỉ mới mấy ngày sau khi tăng giá xăng, vật giá tiêu dùng và các dịch vụ khác đã chuyển động rùng rùng. Người nghèo thật khổ sở để duy trì cuộc sống hiện tại.

Đang lúc giá xăng hoành hành đời sống xã hội thì Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) rục rịch xin tăng giá điện. Theo báo đưa tin, EVN đang tính toán các thông số đầu vào cơ bản gồm biến động giá nhiên liệu, tỷ giá ngoại tệ và cơ cấu sản lượng điện phát. Tùy từng tháng, mỗi thông số đều có sự biến đổi nhất định, EVN sẽ căn cứ vào biến động này để cân nhắc thời điểm đề xuất tăng giá. Như vậy, một “cơn bão” mới đang hình thành.

Người nghèo đều phải gánh chịu các đợt tăng giá này, nhưng có lẽ công nhân thê thảm nhất. Đa số công nhân đều là người ở các địa phương nông thôn, xa nhà đi kiếm sống trong các khu chế xuất, khu công nghiệp. Đồng lương công nhân không đủ sống, họ phải tính toán chi ly từng ký gạo, lít xăng, cho nên sau đợt tăng giá gas và xăng, cuộc sống của công nhân cơ cực hơn. Không ít người không có tiền để mua nổi bình gas, phải xoay xở nấu nướng bằng các cách khác. Chưa kể, sau Tết Nguyên đán, các nhà trọ ở khu vực TP.HCM đua nhau tăng giá, nay giá cả tăng, họ còn đòi tiếp tục tăng giá phòng trọ. Công nhân càng thêm khổ.

Lãi suất ngân hàng giảm nhiệt, các doanh nghiệp bớt đi được áp lực về tiền lãi, người lao động hy vọng sắp được tăng đôi đồng tiền lương. Nhưng tí tẹo hy vọng đó tan biến vì giá xăng tăng, điện cũng "dọa" tăng. Nếu giảm được một ít áp lực lãi suất ngân hàng thì doanh nghiệp lại bị tăng áp lực vào chi phí đầu vào và chi phí sản xuất. Doanh nghiệp còn khốn đốn thì người lao động còn khốn khổ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem