Không bao giờ được dùng  bạo lực để trấn áp trẻ

Việt Phương (thực hiện) Thứ tư, ngày 30/05/2018 07:22 AM (GMT+7)
Vụ việc bé T.D (Hà Nội) bị anh rể tát vì cho rằng em ương bướng, hư hỗn đã khiến dư luận bức xúc nhưng đồng thời cũng chia sẻ về sự bất lực khi con khó bảo ở tuổi dậy thì. Chia sẻ với Báo NTNN, TS Vũ Thu Hương (giảng viên ĐH Sư phạm Hà Nội) khẳng định, dù trong bất kỳ trường hợp nào, người lớn không thể giáo dục trẻ bằng bạo lực.
Bình luận 0

Thưa TS, tại sao ở lứa tuổi dậy thì trẻ em lại có những thay đổi chóng mặt về tính cách, trở nên bướng bỉnh, khó bảo?

- Trẻ dậy thì là thời điểm các bạn sẽ phải đối mặt với các biến đổi rất lớn về nhiều mặt. Cơ thể trưởng thành, các bộ phận nhạy cảm phát triển, những vấn đề hết sức người lớn như xuất hiện các vấn đề về sinh lý, cảm giác thích bạn khác giới xuất hiện mạnh mẽ, cảm giác sợ sệt vì những biến đổi bất thường cùng những lo lắng, hoảng hốt khi có ai đó vô tình động chạm đến cơ thể. Có thể nói, trong suốt cuộc đời một con người, thời điểm dậy thì là thời điểm chúng ta thay đổi nhiều nhất.

img

TS Vũ Thu Hương - giảng viên ĐH Sư phạm Hà Nội.

Khi con dậy thì, cha mẹ thường lúng túng, bất lực trong việc uốn nắn, dạy dỗ trẻ. Theo bà nguyên nhân do đâu?

- Khi bọn trẻ còn bé, cha mẹ thấy con cái còn nhỏ, nhiều điều còn lơ ngơ, nghĩ có thể lừa hoặc trấn áp được con. Vì thế, có không ít cha mẹ dùng quyền của người cha để quát nạt, đánh đập, bắt ép con cái nghe theo ý mình. Cũng có cha mẹ dùng lời ngon ngọt để dụ dỗ con nghe mình.

Đến khi con dậy thì, cơ thể con đã lớn, lúc đó con thấy cha mẹ không còn quá to lớn như lúc các con còn bé. Vì thế, các con không còn sợ hãi và nghe theo cha mẹ. Mặt khác, con cũng đã tích lũy được chút hiểu biết xã hội vì thế, con có thể đủ sức hiểu ra những hành vi của cha mẹ làm với mình trước nay là không ổn, có thể vi phạm một số tuyên bố của cha mẹ từng nói hoặc vi phạm luật chăm sóc và bảo vệ trẻ em. Chính vì vậy, con bắt đầu bày tỏ sự thiếu tin tưởng và không hợp tác với cha mẹ.

Vậy cha mẹ phải làm thế nào để không “nổi điên” khi giáo dục trẻ?

- Trẻ ở tuổi dậy thì tuy đang nổi loạn nhưng vẫn có hiểu biết và sự đánh giá riêng. Nếu cha mẹ luôn làm mọi việc hợp lý, đúng luật pháp quy định, có sự hiểu biết về tâm sinh lý trẻ thì chắc chắn các con cũng sẽ không phản kháng.

Ví dụ: Một bà mẹ thấy con được điểm học tập không cao thì ra sức dụ dỗ con học thêm vào trong hè dù con mới thi xong học kỳ 2, rất mệt mỏi và muốn xả hơi. Với tình huống này, các bạn nhỏ chắc chắn sẽ có phản kháng mạnh mẽ.

Còn một bà mẹ biết động viên con kịp thời dù con mới có chút cố gắng nhỏ xíu cho một việc nào đó thì chắc chắn vẫn có thể trở thành bạn bè thân thiết của tuổi dậy thì.

Không bao giờ bạo lực là hướng xử lý phù hợp dù đó là tình huống nào. Trẻ bị bạo lực chắc chắn sẽ mang theo sự tổn thương hết sức lâu dài. Có những bạn bị bố mẹ đánh đập quá nhiều đã chia sẻ, khi lớn lên, bạn ấy luôn có cảm giác sợ hãi rằng người đang giao tiếp với mình sẽ tát bốp vào mặt mình. Rõ ràng, những ấn tượng sâu nặng của những vụ bạo hành sẽ còn mãi cho dù vụ việc đã trôi qua từ rất lâu.

Cha mẹ cần làm gì để không bị động và thiếu kiến thức “làm cha mẹ” khi con đến tuổi dậy thì, khó bảo?

- Theo tôi, cha mẹ cần có những hướng dẫn cụ thể về việc giáo dục con trẻ từ ngay khi đứa trẻ còn nằm trong bụng mẹ. Từ mục tiêu sinh con như: Sinh con vì đã lập gia đình,vì bạn bè ai cũng sinh con, sinh con vì muốn có thêm con trai, sinh con vì mong muốn tạo ra một con người… cho đến việc chăm sóc và giáo dục con thế nào.

Việc này không chỉ cần thực hiện khi con đã lớn mà ngay từ khi con còn nhỏ cho đến khi con đủ tuổi trưởng thành. Vậy nên, có lẽ cần có những quy định cụ thể bắt buộc các cha mẹ theo học các lớp hướng dẫn làm cha mẹ. Nếu việc này được tiến hành thì chắc chắn các vụ việc đánh đập vì con khó bảo, bướng bỉnh sẽ không có cơ hội xảy ra.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem