Thực tế khác xa chỉ tiêu
Theo ông Hoa Hữu Vân - Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình: Sau 30 tháng triển khai Luật Phòng chống bạo lực gia đình (BLGĐ), tình hình BLGĐ đã giảm mạnh. Năm 2008, trên 64 xã triển khai mô hình xảy ra 1.071 vụ BLGĐ, nhưng năm 2010 chỉ còn 238 vụ, giảm 77,8% và không có vụ việc nghiêm trọng xảy ra".
|
Một phụ nữ bị chồng đánh tới mức hôn mê, được cấp cứu tại BV Bạch Mai (Hà Nội). |
Mục tiêu của cơ quan này là đảm bảo trong năm 2012 có ít nhất 30%, đến năm 2015 sẽ có trên 60% xã, phường xây dựng và tổ chức mô hình phòng chống BLGĐ. Đồng thời mỗi tỉnh, thành phải giảm khoảng 10% vụ BLGĐ và can thiệp kịp thời trên 50% số vụ BLGĐ, 70% nạn nhân được hỗ trợ...
Như vậy, theo mục tiêu đề ra, không đầy 10 năm nữa, Việt Nam sẽ gần như "tuyệt diệt" vấn nạn BLGĐ, riêng các xã có mô hình thì chỉ cần 3- 4 năm (?!). Trong khi đó, thực tế hiện nay BLGĐ vẫn diễn ra hàng ngày như vụ việc đánh vợ giữa đường phố Hà Nội, hay vụ Bùi Văn Hòa (SN 1966, trú tại phường Hùng Vương, TP.Hải Phòng) đánh vợ là chị Lê Thị Ánh dã man. 2 vụ việc này, 1 vụ thì người chồng ngồi trên xe rung đùi sau khi đánh vợ mà không hề bị bắt giữ, vụ còn lại thì người chồng bị bắt vì gây thương tích quá nặng cho vợ.
Một thực tế nữa, theo báo cáo chưa đầy đủ, 9 tháng đầu năm 2011, toàn quốc có 33.904 vụ BLGĐ, mới xử lý được 4.185 vụ (hơn 12%). Liệu có "phép màu" nào để 50% vụ BLGĐ được can thiệp kịp thời chỉ sau một năm?
Về vấn đề này, ông Hoa Hữu Vân cho biết: "Đặt chỉ tiêu giảm 10% vụ BLGĐ mỗi năm là xuất phát từ thực tế công tác phòng chống BLGĐ của chúng ta. Xu hướng là giảm và xóa sổ BLGĐ. Vụ sẽ nghiên cứu trên đặc điểm kinh tế từng vùng miền để xây dựng các mô hình hoạt động phù hợp và cung cấp kiến thức, kỹ năng cho các nạn nhân bảo vệ chính mình".
Làm nổi hay nhấn chìm?
Thực tiễn tại Việt Nam, sau khi Luật Phòng chống BLGĐ có hiệu lực, số vụ BLGĐ vẫn không giảm. Điều tra sơ bộ của Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội năm 2006 về BLGĐ nhằm chuẩn bị cho việc trình Quốc hội dự thảo Luật Phòng chống BLGĐ, cho thấy: Hàng năm tại VN có 23% gia đình có các hành vi bạo lực về thể chất (đánh đập), 25% gia đình có hành vi bạo lực tinh thần, 30% cặp vợ chồng xảy ra hiện tượng ép buộc quan hệ tình dục...
Điều tra về BLGĐ quốc gia năm 2010 cho thấy vấn nạn BLGĐ tang thương hơn rất nhiều: 58% phụ nữ từng chịu ít nhất 1 trong 3 dạng bạo lực (thể xác, tình dục hoặc tinh thần), 32% phụ nữ từng bị chồng đánh. Con số thực tế vẫn còn lớn hơn so với khảo sát diện hẹp.
Chỉ riêng 9 tháng đầu năm 2011, mô hình phòng chống BLGĐ đã mở rộng trên 821 xã, phường, chiếm 7,4% tổng số xã phường trên toàn quốc. Mô hình đã thành lập được 8.949 nhóm phòng chống BLGĐ, 11.683 địa chỉ cộng đồng. Tuy nhiên, chưa có khảo sát nào cho thấy các mô hình hoạt động hiệu quả hay không.
Bà Nguyễn Vân Anh - Chủ tịch Trung tâm CSAGA cho biết: "Thực trạng BLGĐ là phần chìm lớn hơn phần nổi. Trước đây, khi BLGĐ được coi là việc riêng, không ai can thiệp, còn nạn nhân do xấu hổ, sợ bị miệt thị, trả thù hoặc phụ thuộc về kinh tế nên âm thầm chịu đựng, các vụ việc BLGĐ ít "nổi" lên.
Làm tốt công tác tuyên truyền, có luật, có can thiệp bảo vệ nạn nhân thì phần chìm sẽ dần lộ ra ánh sáng, như vậy lẽ ra số vụ BLGĐ càng nhiều hơn chứ không thể giảm đi như báo cáo".
Phát biểu về những con số mục tiêu lạc quan mà Vụ Gia đình đã nêu ra, bà Vân Anh cho biết: "Tôi không đánh giá về con số mà sẽ đặt câu hỏi: Căn cứ vào đâu để đưa ra chỉ tiêu đó? Có bao nhiêu vụ được phát hiện trên tổng số vụ thực tế? Mục tiêu là giảm phần chìm, tăng phần nổi hay chỉ giảm phần nổi còn cho "chìm xuồng" phần chìm luôn? Trả lời thông suốt bằng đấy câu hỏi, sẽ có thể hiểu mục tiêu đó có thực hiện được hay không?".
Diệu Linh
Vui lòng nhập nội dung bình luận.