Không để xảy ra thu hồi đất tùy tiện

Thứ năm, ngày 07/11/2013 16:09 PM (GMT+7)
Sáng 6.11, thảo luận về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), nhiều đại biểu đã tập trung mổ xẻ những vấn đề đang rất nóng, gây tranh cãi hiện nay: Thu hồi đất, giá đất, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số...
Bình luận 0
Giải quyết bức xúc trước khi cưỡng chế

Theo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, thời gian qua, không ít trường hợp khi Nhà nước tiến hành cưỡng chế thu đất của người dân, những khúc mắc, bức xúc, kiến nghị của họ chưa được cơ quan Nhà nước xem xét, giải quyết thấu đáo. Nhiều ý kiến đã đề nghị trước khi ra quyết định cưỡng chế cần tổ chức đối thoại công khai với người dân về phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Ông Nguyễn Văn Giàu – Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết: Vấn đề trên đã được tiếp thu và bổ sung quy định tại điểm b khoản 4 Điều 71. Theo đó, Ban thực hiện cưỡng chế vận động, thuyết phục, đối thoại đối với cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế; nếu cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế chấp hành thì Ban thực hiện cưỡng chế lập biên bản ghi nhận sự chấp hành. Việc bàn giao đất được thực hiện chậm nhất sau 30 ngày kể từ ngày lập biên bản.

ĐBQH Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) phát biểu tại nghị trường sáng 6.11.
ĐBQH Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) phát biểu tại nghị trường sáng 6.11.

Để đảm bảo việc sử dụng đất đúng mục đích, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ bổ sung thêm quy định trường hợp thu hồi đất do vi phạm pháp luật đất đai thì Nhà nước thu hồi đất không bồi thường tài sản gắn liền với đất. Việc bổ sung quy định này sẽ ràng buộc trách nhiệm của nhà đầu tư vào các dự án, tránh trường hợp các nhà đầu tư không thực hiện hoặc thực hiện không đến cùng dự án dẫn đến Nhà nước phải bồi thường phần đầu tư dở dang.

Cùng quan điểm chống lãng phí trong việc sử dụng tài nguyên đất, ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cho rằng, dự thảo luật cần bổ sung chế tài xử lý vi phạm đối với tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hàng năm và thẩm quyền thu hồi đất nhằm tránh tình trạng áp dụng một cách tràn lan và quá giới hạn thu hồi đất.

Theo ĐB Vinh, thời gian vừa qua có rất nhiều khu công nghiệp lấy đất tùy tiện và đền bù với giá rất rẻ cho dân nhưng đến nay phần lớn diện tích đất chưa có người sử dụng, bỏ hoang rất lãng phí. “Mục tiêu tăng cho ngân sách không những không đạt được mà ngân sách phải góp thêm tiền để nuôi bộ máy khu công nghiệp. Trong khi đó người dân bị mất đất không có đất canh tác, một bộ phận không nhỏ rơi vào cảnh đói nghèo” – ĐB Vinh bày tỏ.

ĐB Nguyễn Thị Hồng Hà (Hà Nội) thì cho rằng, việc thu hồi đất với các dự án phục vụ phát triển kinh tế-xã hội quy định chung chung (tại điểm g, khoản 1, Điều 62) sẽ dẫn đến tùy tiện trong cơ chế áp dụng. “Thực tế ở Hà Nội có khá nhiều dự án bị ách tắc do cơ chế đền bù giải phóng mặt bằng và theo đó là đơn thư khiếu kiện vô cùng phức tạp. Tôi đề nghị quy định thành một điều riêng về các trường hợp Nhà nước thu hồi đất cho dự án phát triển kinh tế -xã hội”- ĐB Hà đề nghị.

Làm thuê trên đất của mình mà vẫn đói

Theo ĐB Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình), hiện nay tình trạng thiếu đất sản xuất ở nông dân miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số diễn ra nhiều nơi. Do không có đất sản xuất nên tình trạng tranh chấp đòi lại đất đã giao cho các nông, lâm trường trước đây diễn ra khá gay gắt. Chỉ có một số nông, lâm trường đã chuyển đổi thành các doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả, còn lại phần lớn là gặp khó khăn, khả năng quản lý và sử dụng đất được giao rất hạn chế và đã xuất hiện tình trạng giao khoán lại cho người dân, người dân gọi là phát canh thu tô. Bản thân người dân phải làm thuê trên chính mảnh đất của mình mà không đủ ăn. “Ban soạn thảo cần nghiên cứu rà soát và bổ sung các quy định về thu hồi đất, sản xuất của các doanh nghiệp, các nông, lâm trường để phân bổ lại và điều hòa đất sản xuất, đảm bảo hiệu quả kinh tế - xã hội giữa doanh nghiệp, nông, lâm trường và của người dân” – ĐB Sinh nói.

“Việc xác định giá đất khi Nhà nước thu hồi đất thì phải tính đến phần lợi nhuận hình thành trong tương lai khi quyền sử dụng đất của người dân bị thu hồi. Làm sao đó để tiền bồi thường phải đảm bảo cho người dân khi bị thu hồi đất có cuộc sống hoặc bằng hoặc tốt hơn so với trước đây”

Đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương

Về giá đất, ĐB Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) góp ý: Quy định như dự thảo luật là quá chung chung, không giải quyết được mong muốn của người dân có đất bị thu hồi. Mặc dù, Ban soạn thảo đã tiếp thu, bổ sung ở Điều 112 về nguyên tắc và phương pháp định giá đất nhưng tôi thấy quy định như vậy thì cũng không ăn thua. “Việc xác định giá đất khi Nhà nước thu hồi đất thì phải tính đến phần lợi nhuận hình thành trong tương lai khi quyền sử dụng đất của người dân bị thu hồi. Làm sao đó để tiền bồi thường phải đảm bảo cho người dân khi bị thu hồi đất có cuộc sống hoặc bằng hoặc tốt hơn so với trước đây”.

Còn ĐB Nguyễn Thị Hồng Hà (Hà Nội) thì nêu: Nguyên tắc xác định giá đất tại dự thảo luật là chưa rõ ràng, cụ thể. Thế nào là phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường là một câu hỏi khó cho các cơ quan nhà nước. Chính quyền dựa vào đâu để nói với người dân là giá bồi thường đã được tính đúng, tính đủ? Tôi đề nghị dự thảo cần thể hiện rõ vai trò của các tổ chức tư vấn định giá đất, đồng thời Nhà nước cũng cần có cơ quan theo dõi diễn biến thị trường và công bố giá đất định kỳ để làm cơ sở tham chiếu trong xác định giá đất.
Lương Kết – Hải Phong (Lương Kết – Hải Phong)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem