Không đi học thêm, phụ huynh bức xúc vì con bị cô giáo liên tiếp trù dập

Tào Nga Thứ tư, ngày 28/12/2022 13:55 PM (GMT+7)
Chị Thủy vừa mệt mỏi vừa bức xúc khi nhận ra chỉ vì không đi học thêm, cô giáo chủ nhiệm đã phạt con chị nhiều điều vô lý.
Bình luận 0

Cô giáo trù dập học sinh

Cũng như bao phụ huynh khác, chị Hoàng Thu Thủy vô cùng háo hức và kỳ vọng khi con bước vào năm học mới nhiều vui vẻ và học tập tốt. Con chị Thủy hiện đang học ở một trường tiểu học trên địa bàn quận Cầu Giấy, Hà Nội. Thế nhưng thời gian vừa qua, chị Thủy vô cùng bất ngờ với các hành xử của cô giáo chủ nhiệm với con mình. 

Chia sẻ với PV báo Dân Việt, chị Thủy cho hay: "Không hiểu sao cô giáo luôn bắt con phải đi nhặt rác trong lớp. Ngày nào cũng một mình con đi nhặt mà không biết tại sao vì con không vứt lung tung".

Không đi học thêm, phụ huynh bức xúc vì con bị cô giáo liên tiếp trù dập - Ảnh 1.

Một lớp học ở Hà Nội. Ảnh minh họa: Tào Nga

Chị Thủy kể thêm, có lần con đã hoàn thành bài tập làm văn nhưng chỉ vì một lỗi con không viết cách dòng như lời dặn mà cô đã gọi điện thoại cho phụ huynh phàn nàn con không chịu làm bài, học chậm nhất lớp. Tối hôm đó chị Thủy lôi con ra để "xử lý" thì con khóc mếu giải thích là đã làm rồi. Chị Thủy kiểm tra lại thì đúng là con đã làm bài tập nghiêm chỉnh. 

"Từ hôm đó tôi mới nhận ra có vẻ cô giáo đang "không ưa" con tôi, hay nói thẳng ra là trù dập con. Ngay cả việc con không ghi ngày tháng, cô cũng bảo không làm bài rồi đuổi ra khỏi lớp.

Trước khi con vào học lớp này, tôi đã nghe mọi người nói cô giáo này hay trù dập học sinh. Tôi không tin mà ngược lại còn chăm sóc cô giáo, quà cáp đầy đủ các ngày lễ. Chỉ có một điều tôi không làm được đó là cho con đi học thêm nhà cô. Cô dạy thêm tuần 2 buổi, trong đó có một buổi tối thứ 4 và một buổi vào chủ nhật. Con học cả ngày rồi nên buổi tối hay cuối tuần, tôi chỉ muốn cho con được nghỉ ngơi. Thế mà cô nỡ lòng trù dập một đứa học sinh nhỏ bé chỉ vì không đi học thêm nhà cô", chị Thủy bức xúc.

Chị Thủy cho hay nhiều lúc muốn chuyển lớp cho con nhưng không phải điều dễ dàng và con đã gắn bó với lớp nên không muốn thay đổi làm xáo trộn tâm lý của con.

Không chỉ chị Thủy mà một số phụ huynh khác cũng cho biết dù không muốn nhưng cũng phải cho con đi học thêm chỉ vì sợ cô giáo trù dập. 

Trù dập học sinh là thiếu đức, thiếu tài

Ở bậc tiểu học, giáo viên "không ưa" học sinh sẽ thường phàn nàn với phụ huynh rằng con chậm hơn bạn bè, trên lớp theo bài không kịp, cần hỗ trợ thêm... Thậm chí, có giáo viên còn thẳng thừng nhận xét học sinh là kém nhất lớp và đưa ra các hình phạt như chép phạt, ở lại lớp viết bài, nhặt rác, đánh vào tay, quát mắng... 

Chia sẻ với PV, cô Nguyễn Thu Hà, một giáo viên tiểu học ở Hà Nội cho hay, giáo viên trong trường phải ký cam kết không được dạy thêm cho học sinh chính khóa trên lớp của mình. Cô Hà bày tỏ, việc dạy thêm có nhiều tiêu cực nên cấm là hợp lý. 

Nói về vấn đề trù dập học sinh, qua nhiều năm công tác trong ngành giáo dục, cô Hà thấy rằng, giáo viên sẽ có 2 hình thức trù dập đó là về điểm số và về tinh thần. Nếu phụ huynh cảm thấy giáo viên trù dập con mình có thể trao đổi thẳng thắn. Nếu không được trả lời thỏa đáng có thể tìm gặp Ban giám hiệu để giải quyết. Phụ huynh có con học trường công lập thường sợ cô giáo nên không dám đấu tranh cho con có môi trường học tích cực.

Liên quan đến chủ đề này, chuyên gia giáo dục Lê Minh Đạt chia sẻ, giáo viên có thể có những lúc nóng nảy, sai phạm, yếu kém trong nghiệp vụ thế nhưng việc có hành vi, lời nói trù dập học sinh chỉ vì không đi học thêm là không chấp nhận được. Đó không chỉ là thiếu đạo đức mà còn là những người bất tài của một người thầy.

Thông tư 17 của Bộ GDĐT:

Điều 3. Nguyên tắc dạy thêm, học thêm

1. Hoạt động dạy thêm, học thêm phải góp phần củng cố, nâng cao kiến thức, kỹ năng, giáo dục nhân cách của học sinh; phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý và không gây nên tình trạng vượt quá sức tiếp thu của người học.

2. Không cắt giảm nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khoá để đưa vào giờ dạy thêm; không dạy thêm trước những nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khoá.

3. Đối tượng học thêm là học sinh có nhu cầu học thêm, tự nguyện học thêm và được gia đình đồng ý; không được dùng bất cứ hình thức nào để ép buộc gia đình học sinh và học sinh học thêm.

4. Không tổ chức lớp dạy thêm, học thêm theo các lớp học chính khóa; học sinh trong cùng một lớp dạy thêm, học thêm phải có học lực tương đương nhau; khi xếp học sinh vào các lớp dạy thêm, học thêm phải căn cứ vào học lực của học sinh.

5. Tổ chức, cá nhân tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm phải chịu trách nhiệm về các nội dung đăng ký và xin phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm.

Điều 4. Các trường hợp không được dạy thêm

1. Không dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày.

2. Không dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống.

3. Cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và trường dạy nghề không tổ chức dạy thêm, học thêm các nội dung theo chương trình giáo dục phổ thông.

4. Đối với giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập:

a) Không được tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường;

b) Không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với học sinh mà giáo viên đang dạy chính khóa khi chưa được sự cho phép của Thủ trưởng cơ quan quản lý giáo viên đó.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem