Sáng 29.10, theo báo cáo thẩm tra Dự án Luật Phòng chống khủng bố do Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội Nguyễn Kim Khoa trình bày, đa số ý kiến của Ủy ban Quốc phòng và An ninh thấy rằng, dự thảo luật cơ bản phù hợp với Hiến pháp và pháp luật hiện hành.
Tuy nhiên, còn một số quy định chưa bảo đảm tính thống nhất với một số luật, pháp lệnh, đề nghị rà soát, cân nhắc kỹ để vừa bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, vừa tạo cơ sở pháp lý cần thiết cho công tác phòng, chống khủng bố trong tình hình hiện nay.
|
Buổi diễn tập chống khủng bố tại Hà Nội. |
Về biện pháp phòng ngừa khủng bố, đa số ý kiến của Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị bổ sung các biện pháp phát hiện khủng bố qua các kênh thông tin khác như phát hiện qua các phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ, phát hiện thông qua hoạt động trao đổi thông tin, hợp tác quốc tế…
Ủy ban Quốc phòng và An ninh cũng tán thành với ý kiến không thành lập lực lượng chuyên trách riêng, mà giao thêm nhiệm vụ và huấn luyện kỹ lưỡng cho các lực lượng chủ chốt sẵn có (như các lực lượng an ninh, tình báo, tác chiến, cảnh sát cơ động, đặc nhiệm, đặc công, phòng cháy chữa cháy, phòng hóa…) để sẵn sàng phối hợp làm nhiệm vụ khi có khủng bố xảy ra.
Lực lượng này khi được điều động tham gia chống khủng bố thì có thể gọi là lực lượng thi hành các biện pháp chống khủng bố (tương tự như quy định của Pháp lệnh tình trạng khẩn cấp). Vì nếu xây dựng lực lượng chuyên trách chỉ thực hiện nhiệm vụ chống khủng bố sẽ gây lãng phí do đòi hỏi phải có sự đầu tư lớn về nhân lực, vật lực.
Do vậy, chỉ nên giao nhiệm vụ này cho các lực lượng, đơn vị chủ chốt sẵn có như cách làm hiện nay để sẵn sàng phối hợp làm nhiệm vụ khi có khủng bố xảy ra là phù hợp với tình hình tổ chức biên chế, trang bị và khả năng của các lực lượng hiện nay ở nước ta, đã được kiểm nghiệm trên thực tế qua các cuộc diễn tập phòng, chống khủng bố.
Đức Hiếu
Vui lòng nhập nội dung bình luận.