Không ngờ thứ cỏ "ngoại cỡ", mọc hoang ở đầm lầy này lại có giá cao

Thiên Ngân (tổng hợp) Chủ nhật, ngày 15/03/2020 19:25 PM (GMT+7)
Trước đây, cây lác vốn là loài cỏ hoang dại, mọc khắp nơi từ đầm lầy tới đồng ruộng chả ai buồn để ý tới. Những năm gần đây, một số nơi ở miền Tây, trong đó có người dân huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long đã biến cỏ lác thành nguyên liệu đa dụng, phục vụ dệt chiếu, làm đồ thủ công mỹ nghệ. Nhiều hộ còn bỏ lúa trồng lác, biến xã Trung Thành Đông thành vùng chuyên canh lác lớn nhất huyện Vũng Liêm.
Bình luận 0

img

Trung Thành Đông hiện là xã có diện tích trồng cây lác nhiều nhất ở huyện Vũng Liêm. Mùa thu hoạch là tháng 10- 11 âm lịch, rồi xoay vòng tới mùa chính là vụ Đông Xuân vào tháng 2- 3 âm lịch. Ảnh: baovinhlong

Cây lác trồng ở vùng Vũng Liêm (Vĩnh Long) là loại lác voi, thân mập, cọng dai, cao đến hơn 1,5m thuộc họ lác cói. Cây lác dễ trồng, không kén đất, có thể sống ở vùng đất khắc nghiệt ít nước tưới hay bị xâm nhập mặn. Đặc biệt, cây lác chỉ cần trồng một lần, bón phân đúng định kỳ thì có thể thu hoạch liên tiếp 7-8 năm, thậm chí mười năm.

Hiện bà con địa phương đang bước vào thu hoạch lác vụ đông xuân, vừa được mùa, vừa bán được giá cao. 

Khảo sát tại ruộng lác của anh Lộc (ấp Phú Nông) mới đây, mức giá bán cọng lác khô “ngoại cỡ” dài 2m cho thương lái là 19.500 đồng/kg; lác loại 1,6-1,8m có giá 14.000-15.000 đồng/kg; lác manh (tầm 1,4m trở lại) giá 11.000 đồng/kg.

Vợ chồng anh Lộc đang chẻ cây lác tại ruộng nói hiện thu hoạch 3 công, ước năng suất 1,1-1,2 tấn lác khô/công.

img

Một hộ dân thu hoạch và đang chẻ lác ngoại cỡ. Ảnh: baovinhlong

Theo bà Ngô Thị Lẹ (xã Trung Thành Đông - Vũng Liêm), lác cho năng suất cao nhất là vụ Đông Xuân do thời tiết thuận lợi, có thể thu hoạch 1,6 tấn lác khô mỗi công (trong đó lác loại 1 có chiều cao 1,8- 2m là 1,2 tấn và 0,3 tấn lác loại 2, 3).

Chất lượng lác vụ Đông Xuân khá tốt, giá bán cao hơn các vụ thu hoạch vào mùa mưa năng suất thường thấp hơn khoảng 15%. Thương lái thường thu mua lác khô để cung cấp cho nghề dệt chiếu, làm thủ công mỹ nghệ.

img

Người dân địa phương chế máy chẻ sợi lác, cho sản phẩm rất đều và năng suất cao gấp 5 lần so với làm bằng tay.

Theo ông Nguyễn Văn Bình, công chức nông nghiệp - PTNT của UBND xã Trung Thành Đông, cây lác 2m là lác “ngoại cỡ”, chỉ sản xuất theo đặt hàng của thương lái và thường có ở mùa Đông Xuân. Nhìn chung, vụ này người trồng lác trúng mùa, được giá.

Theo Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Vũng Liêm, diện tích cây lác toàn huyện Vũng Liêm hiện có trên 300ha, trong đó chủ yếu tập trung tại xã Trung Thành Đông với 224ha.

Do đặc thù nhiều công đoạn, nên những ngày thu hoạch lác chủ ruộng thường cần nhiều nhân công, một công lác có đến cả chục người làm. Cho nên, người trồng lác miệt này thường làmvần công (giúp qua giúp lại) cho nhau trong mùa vụ; nếu thuê nhân công thì mỗi người cũng thu từ 100.000 - 200.000 đồng/ngày tùy thuộc vào công việc đảm trách.

img

Lác được thu hoạch, chẻ thành sợi nhỏ và phơi tại ruộng. Ảnh: Vnexpress

Ban đầu diện tích trồng lác chỉ vài chục ha, nhưng vì mang lại hiệu quả cao nên người dân ngày càng mạnh dạn bỏ cây lúa, chuyển sang trồng cỏ lác. Thường cây lác mỗi năm làm 3 vụ, mỗi một công lác thường thu được 1- 1,5 tấn lác phơi khô, với giá bán tại ruộng trung bình từ 14.000 - 18.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí nông dân còn lời 10-15 triệu đồng, gấp 4 - 5 lần so với cây lúa.

Ông Lê Văn Tươi (50 tuổi, ngụ ấp Đại Nghĩa, xã Trung Thành Đông) cho biết gia đình ông có 9 công đất trồng lúa chuyển sang trồng lác. Mỗi công lác sau khi thu hoạch, phơi khô có thể bán được khoảng 1 tấn lác loại 1 và 0,5 tấn loại 2, 3.

“Thu nhập từ trồng lác cao hơn trồng lúa rất nhiều. Một công lác có thể thu 4 - 5 vụ/năm, trúng nhất là vụ đông xuân. Lác dễ trồng, một lần trồng có thể thu hoạch 2 - 5 năm, cá biệt có người thu hoạch gần 10 năm mới thay giống mới. Vụ rồi tôi thu hoạch sớm 2,5 công lác, được hơn 75 triệu đồng”, ông Tươi phấn khởi chia sẻ.

img

Vụ Đông Xuân cây lác thường ít bông, năng suất cao hơn vụ khác. Ảnh: baovinhlong

Ngoài việc bán lác khô loại I, loại II thu lợi nhuận trực tiếp cho người trồng lác còn giải quyết lao động ở nông thôn, bình quân 1 công lác thu hoạch khoảng 60 ngày công, giá mỗi ngày công là 80.000- 100.000 đồng/ngày.

Nông dân còn tận dụng lác loại III để xe lõi tăng thu nhập cho gia đình, bình quân 1 lao động xe lõi cho thu nhập từ 60.000- 80.000 đồng/ngày. Hiện các cơ sở ở xã Trung Thành Đông thu mua lõi lác và lác khô cho biết, hiện đang mua vào giá 13.000 đồng/kg lõi để bán lại cho các cơ sở sản xuất hàng thủ công trên địa bàn huyện và nơi khác giá 13.500 đồng/kg.

img

Cỏ lác vụ đông xuân được các làng nghề ưa chuộng vì cọng dài hơn 2m, chất lượng tốt, màu sắc đẹp. Ảnh: I.T

img

Cỏ lác được các cơ sở đan lát nhuộm màu rồi làm chiếu, đồ thủ công mỹ nghệ. Chiếu làm từ cỏ lác thường có giá từ 140.000 - 180.000 đồng/đôi. Ảnh: I.T

Thống kê từ năm 2015 đến nay, giá lác nguyên liệu luôn ổn định ở mức có lợi cho người trồng, nhưng vào các tháng mùa mưa, người trồng lác ở Vũng Liêm cũng gặp khó khăn do thiếu nắng để phơi nên chất lượng lác giảm so với các tháng mùa nắng, dẫn đến giá bán giảm.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem