“Không phải cứ lát đá thì các tuyến phố Hà Nội sẽ… cổ”

Thứ hai, ngày 10/08/2015 19:00 PM (GMT+7)
KTS Trần Huy Ánh đã đặt ra hàng loạt câu hỏi: lát đá lên mặt đường nhựa nhằm mục đích gì? Có đẹp hơn, cổ kính hơn, đi lại có thuận tiện, an toàn hơn hay lại trơn ngã nhiều hơn, xây xước nặng hơn?...
Bình luận 0

Xung quanh việc UBND quận Hoàn Kiếm đề nghị Thành phố Hà Nội cho triển khai lát đá mặt đường tại 11 tuyến phố, với mục đích đảm bảo tính đồng bộ về hạ tầng, thúc đẩy hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch gắn với bảo tồn không gian kiến trúc truyền thống tại khu phố cổ…

Trao đổi với phóng viên Infonet sáng 10/8, PGS Nguyễn Văn Hùng, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng cho biết, trước đây ở một số tuyến phố cổ của Châu Âu người ta cũng lát gạch đá hoa cương cho nền đường, hiện nay vẫn còn một số tuyến phố như vậy.

Cách làm của họ là trải cát phía dưới, đầm chặt, sau đó đặt gạch lên và chèn các khe hở bằng cát để giúp thoát nước mỗi khi trời mưa.

Tuy nhiên, sau một thời gian đi lại, gạch lát nền bị bào mòn gây xóc cho các phương tiện qua lại và tạo ra những tiếng ồn lớn nên họ đã phải bới hết gạch, cát lên để trải thảm nhựa.

img

 PGS Nguyễn Văn Hùng trao đổi với phóng viên Infonet. (Ảnh: Xuân Tùng)

“Với Hà Nội, đường nhựa đang đẹp có nên làm việc tốn kém như vậy không? Hơn nữa, gạch granite rất đắt, khối càng nhỏ, giá càng cao. Nhất là trong bối cảnh hiện nay, kinh phí còn nhiều thứ để có thể làm thì cần phải cân nhắc tới hiệu quả”, ông Hùng nói.

Theo quan điểm của ông Hùng, việc trước tiên Hà Nội cần làm lúc này không phải là mang đá ra lát đường mà cần làm cho lòng đường, vỉa hè và cảnh quan hai bên khu phố cho tốt, giữ được nét cổ chứ không phải đưa đá vào lát thì sẽ thành cổ kính.

“Hà Nội định đổ bê tông xong lát gạch nên như thế tốn kém hơn nhiều và không thoát nước. Nếu có làm nên đổ cát vàng ở dưới, đầm thật chặt, xong đặt gạch và chèn cát xung quanh”, ông Hùng khuyên.

Còn KTS Trần Huy Ánh khi được hỏi về vấn đề này đã đặt ra hàng loạt câu hỏi: Việc lát đá lên mặt đường nhựa nhằm mục đích gì? Có đẹp hơn, cổ kính hơn, đi lại có thuận tiện, an toàn hơn hay lại trơn ngã nhiều hơn, xây xước nặng hơn? Việc duy tu bảo dưỡng có dễ dàng hơn, có rẻ hơn trải bê tông nhựa không? Việc xử lý khi các công trình đường dây, đường ống dưới mặt đường như thế nào?...

Theo ông Ánh, đường đi bộ trong khu phố cổ đang được sử dụng hỗn hợp: đi bộ có giờ, các phương tiện giao thông khác vẫn sử dụng ngoài giờ cấm đường đi bộ, vậy lát đá được tính toán tải trọng cho đi bộ hay cơ giới (chưa kể xe cơ giới chữa điện, cẩu, xe thi công xây dựng, cứu thương, cứu hỏa...) vẫn đi trên những tuyến đường này?)”.

“Về mặt lịch sử, đường phố thì Hà Nội chưa bao giờ lát đá cả. Xưa kia là đường đất, vài chỗ lát gạch như đường làng. Khi mới xây dựng đô thị, thì hầu hết là rải đá cấp phối. Việc đổ bê tông nhựa kéo dài hàng chục năm sau đó”, KTS Trần Huy Ánh nói.

11 tuyến phố được đề xuất lát đá gồm: đoạn còn lại của phố Tạ Hiện, Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Đường, Đồng Xuân, Hàng Giấy, Hàng Buồm, Mã Mây, Lương Ngọc Quyến, Hàng Giầy, Đào Duy Từ.

Việc lát đá được thực hiện bằng giải pháp đổ bê tông trên nền đường, mặt đường lát bằng đá tự nhiên, kích thước 10x10x10 cm. Nguồn vốn thực hiện lấy từ ngân sách của quận Hoàn Kiếm. Thời gian thực hiện từ năm 2015-2016.

Xuân Tùng (Infonet)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem