Giá trị mới của đồng minh cũ

Đại sứ Trần Đức Mậu Thứ năm, ngày 22/04/2021 09:00 AM (GMT+7)
Mỹ và Nhật Bản vốn là đồng minh quân sự truyền thống và đối tác chiến lược của nhau từ nhiều thập kỷ nay.
Bình luận 0
Giá trị mới của đồng minh cũ - Ảnh 1.

Thời chính quyền Donald Trump ở Mỹ (2017-2020), mối quan hệ song phương này có vướng khúc mắc mới nhưng về cơ bản vẫn rất tốt đẹp và tin cậy. Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe là một trong số ít lãnh đạo các nước đồng minh và đối tác quan trọng nhất của Mỹ thiết lập và duy trì được mối quan hệ cá nhân thân cận với ông Trump. Cả ông Trump và ông Abe hiện giờ đều không còn tại nhiệm và hai người kế nhiệm là ông Joe Biden ở Mỹ và ông Yoshihide Suga ở Nhật Bản. 

Ông Suga tiếp nối định hướng đường lối đối ngoại của người tiền nhiệm trong khi ông Biden lại không hoàn toàn như vậy đối với không ít đồng minh và đối tác cũng như trong không ít vấn đề cụ thể. 

Riêng đối với Nhật Bản, ông Biden thể hiện sự coi trọng đặc biệt khi để cho ông Suga trở thành lãnh đạo quốc gia nước ngoài đầu tiên làm khách của mình ở Nhà Trắng  gặp gỡ trực tiếp chứ không phải trao đổi trực tuyến như đến nay đã trở nên phổ biến trong ngoại giao quốc tế ở thời buổi thế giới bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona gây ra. Trước đấy,  Nhật Bản là điểm đến đầu tiên trong chuyến xuất ngoại đầu tiên của tân bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng Mỹ. Cho nên chuyến công du Mỹ của ông Suga chỉ có thể thành công mỹ mãn chứ không thể thất bại. Cho nên những bất hoà giữa hai bên ở thời người tiền nhiệm của ông Biden đều đã như thể tự biến mất.

Ở Nhật Bản, ông Suga kế thừa từ người tiền nhiệm không những chỉ có những thách thức về an ninh từ Trung Quốc và Triều Tiên, cụ thể là Trung Quốc tranh chấp chủ quyền lãnh thổ và Triều Tiên duy trì chương trình phát triển tên lửa và hạt nhân, mà còn cả mục tiêu đầy tham vọng về gây dựng vai trò và ảnh hưởng chính trị thế giới cho Nhật Bản. Vì thế, Nhật Bản cần Mỹ tiếp tục cam kết đảm bảo an ninh và dùng Mỹ làm trợ lực để vươn xa trong chính trị thế giới. Trung Quốc càng thành công trong trỗi dậy và vươn lên cũng như càng quyết liệt trong tranh chấp chủ quyền lãnh thổ với các nước trong khi vực Đông Bắc Á và Biển Đông thì Nhật Bản lại càng cần liên minh với Mỹ, thống nhất quan điểm và phối hợp hành động với Mỹ, càng phải dựa cậy vào Mỹ và càng muốn đồng hành với Mỹ.

Ở Mỹ, ông Biden đang hoạch định tổng thể chính sách đối ngoại cho cả nhiệm kỳ cầm quyền của mình. Rất nhiều nội dung cụ thể trong đường lối chính sách ấy hiện vẫn còn chưa rõ ràng, nhưng đã rõ ràng là chủ ý tăng cường quan hệ với các đồng minh và đối tác chiến lược cũng như đối phó Trung Quốc.

 Ông Biden và cộng sự đã cho thấy chính quyền mới ở Mỹ đặt Nhật Bản ở vị trí trung tâm của chiến lược đối với Trung Quốc, đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương và đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Đồng minh truyền thống này của Mỹ giờ có được giá trị mới đối với Mỹ.

Về những chủ đề nội dung hàng đầu trên chương trình nghị sự của cuộc gặp vừa qua giữa ông Biden và ông Suga như ứng phó dịch bệnh, đối phó Trung Quốc và Triều Tiên, vấn đề biến đổi khí hậu trái đất và hợp tác kinh tế, thương mại, hai người này cả trong biểu hiện ra bên ngoài lẫn trong thực chất đều chẳng khác gì cùng hội cùng thuyền với nhau.

 Những lợi ích chung đã bắt đầu mang tính chiến lược cơ bản và lâu dài khi phạm vi quan hệ song phương được mở rộng cho khu vực lớn Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Cuộc gặp này với sự khẳng định của ông Biden về cam kết của Mỹ đảm bảo an ninh cho Nhật Bản là thông điệp nhằm vào Trung Quốc và Triều Tiên nhiều hơn là nhằm giúp ông Suga trang trải nhu cầu đối nội.

Ngoài Nhật Bản, Mỹ hiện còn có nhiều đồng minh và đối tác chiến lược khác nữa ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Nhưng rõ ràng Nhật Bản được coi là mắt xích quan trọng nhất  trong chiến lược của Mỹ đối với khu vực này và "Trục Mỹ - Nhật Bản" đóng vai trò của tác nhân quyết định nhất đối với thành công của Mỹ trong việc triển khai thực hiện chiến lược ấy. 

Rất hiếm khi trong khoảng thời gian nhiều thập kỷ trở lại đây, Mỹ và Nhật Bản hội tụ được đủ cả thiên thời, địa lợi và nhân hoà để phát triển mối quan hệ song phương này trở thành mối quan hệ đặc biệt ở mức độ mà Mỹ mới chỉ có với một vài nước và Nhật Bản chưa từng có với đối tác nào trên thế giới.  

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem