Không ra trận, tôi buồn lắm!

Chủ nhật, ngày 02/05/2010 09:10 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Những thời khắc lịch sử 35 năm trước vẫn tươi rói trong ký ức của Trung tướng Phạm Xuân Thệ - người buộc Tổng thống Dương Văn Minh ra Đài phát thanh Sài Gòn tuyên bố đầu hàng vô điều kiện vào ngày 30-4-1975.
Bình luận 0
img
Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện tại Đài phát thanh Sài Gòn trưa 30-4-1975.

Hành trình tiến vào nội đô Sài Gòn đã diễn ra thế nào, thưa Trung tướng?

- Sau khi giải phóng Đà Nẵng và thị xã Hàm Tân, Trung đoàn 66 do tôi làm Trung đoàn phó hành quân theo đường 1 và tập kết ở đồn điền Ông Quế vào sáng sớm ngày 24 - 4 - 1975, cách TP.Sài Gòn khoảng 60 cây số. Lúc đó chúng tôi mới biết được tham gia chiến dịch tiến công vào TP.Sài Gòn mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Thời điểm đó, quân giải phóng đều từ miền Bắc vào, không biết đường đi lối lại trong nội đô Sài Gòn thì làm sao có thể tìm đường vào Dinh Độc Lập?

- Ban chỉ huy Trung đoàn 66 phân công 1 tiểu đoàn đánh vào Đài phát thanh, 1 tiểu đoàn đánh vào Bộ tư lệnh Hải quân, còn lại đại bộ phận cùng với xe tăng đánh vào Dinh Độc Lập. Thế nhưng vào đến ngã tư Hàng Xanh thì chúng tôi không biết đường đi thế nào nữa.

Khi chúng tôi đang hỏi đường thì có một người đàn ông cầm một lá cờ giải phóng chạy ra bảo cho ông ấy lên xe đi cùng thì sẽ chỉ đường cho.

Vào đến cổng Dinh Độc Lập, tôi thấy chiếc xe tăng thứ nhất do anh Bùi Quang Thận chỉ huy chạm vào hàng rào bên trái thì dừng lại, chiếc xe tăng thứ hai do anh Lê Đăng Toàn chỉ huy húc thẳng vào cửa bên phải đẩy bật được cánh cổng ra và vào được bên trong. Chiếc xe Jeep chiến lợi phẩm ở Đà Nẵng của tôi cũng vọt theo. Khi xe dừng lại, anh Đào Ngọc Vân - lái xe của tôi - xuống lấy lá cờ của người dân đi cùng để lên cắm.

img
Trung tướng Phạm Xuân Thệ và những bức ảnh lịch sử.

Khi tiến vào chiếm Dinh Độc Lập, quân giải phóng có biết nội các chính quyền Dương Văn Minh đang tập trung ở đấy không?

- Không. Chúng tôi chỉ nghĩ tiến vào Dinh Độc Lập để cắm cờ. Thế nhưng lên đến hết tầng 1 thì thấy một người to cao mặc áo cộc tay ra đứng chặn ngay trước tôi. Ông ta giới thiệu: "Tôi là Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh, phụ tá cho Tổng thống Dương Văn Minh. Nội các chính quyền ông Minh đang trong phòng họp, mời cấp chỉ huy vào làm việc".

Lúc đó tôi mới biết nội các Dương Văn Minh đang có mặt ở đó. Sau đấy, ông Hạnh dẫn chúng tôi vào một phòng họp lớn có Tổng thống Dương Văn Minh và Thủ tướng chính quyền Sài Gòn Vũ Văn Mẫu đang ở đó.

Dương Văn Minh nói: "Chúng tôi biết Quân giải phóng tiến vào nội đô nên đang chờ để bàn giao". Tôi trả lời: "Các ông đã bị bắt làm tù binh, phải tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, không có bàn giao gì cả".

Việc bắt Dương Văn Minh ra Đài phát thanh đọc lời tuyên bố đầu hàng là kế hoạch có sẵn?

- Không. Chỉ đến khi biết nội các Dương Văn Minh có mặt tại Dinh Độc Lập, lúc ấy chúng tôi mới nghĩ ra cách bắt Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng trên Đài phát thanh. Xuống đến sân thì Dương Văn Minh chỉ về phía bên tay trái nói: "Mời cấp chỉ huy lên xe của tôi". Tôi nói: "Không. Chúng tôi đã có xe để đưa ông đi rồi".

Lúc đó chiếc xe Jeep của tôi chở đến 8 người đi ra Đài phát thanh. Tại đài, khi tôi đang thảo lời tuyên bố đầu hàng cho ông Minh đọc thì Trung tá Bùi Tùng - Chính ủy Lữ đoàn 203 - đến. Đồng chí Tùng đã cùng với tôi soạn thảo văn bản quan trọng trên để Dương Văn Minh đọc trên micro.

Có giai thoại rằng để được có mặt ở chiến trường miền Nam, Trung tướng đã phải nói dối vợ để trở lại đơn vị?

- Không phải giai thoại mà đó là sự thật. Trước tôi, anh trai cả tôi cũng từng Nam tiến và hy sinh vào tháng 6 - 1966. Gia đình nhận giấy báo tử của anh xong, tháng 8 - 1967, tôi tiếp tục lên đường nhập ngũ.

Ngày tôi đi mẹ tôi không khóc mà chỉ dặn: "Anh con đã hy sinh ở chiến trường miền Nam, con tiếp tục đi chiến đấu để trả thù cho anh con và tất cả các đồng đội đã ngã xuống". Mang theo lời dặn dò của mẹ, tôi chiến đấu quên mình trên nhiều chiến trường và vào đến Quảng Trị năm 1972.

Trong một chiến dịch tôi bị thương nặng và được chuyển ra Bắc an dưỡng. Tháng 3 - 1973, đơn vị làm giấy tờ để cho tôi phục viên vì đã mất sức chiến đấu.

Thời gian này do gia đình giục giã nên tôi lấy vợ. Vợ tôi là người cùng xã Khả Phong, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. Vì đang thời kỳ chiến tranh nên quen nhau 1 tháng là chúng tôi tổ chức đám cưới. Tôi thấy sức mình vẫn còn khỏe, các vết thương đều ở phần mềm mà ở nhà đi cày, chăn trâu, cắt cỏ thì buồn lắm.

18 ngày sau ngày cưới, tôi nói dối vợ là phải trở lại đơn vị lấy giấy tờ về nộp cho địa phương. Chỉ mẹ tôi biết con trai mình đang nói dối nên gọi riêng tôi ra và bảo: "Con muốn tiếp tục vào chiến trường chiến đấu thì phải nói thật với vợ con".

Nhưng vì thương vợ quá, tôi không dám nói thật với cô ấy. Vợ tôi đèo tôi ra ga Phủ Lý và dặn dò tôi đi nhanh về sớm. Cô ấy đâu biết rằng chuyến đó tôi trở lại chiến trường và chiến đấu cho đến ngày đất nước hoàn toàn giải phóng. Năm 1976, vợ chồng tôi hội ngộ mới sinh cô con gái đầu lòng.

Xin cảm ơn Trung tướng!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem