Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam: "Không thể để các doanh nghiệp muốn định giá SGK ra sao cũng được"

Tào Nga Thứ sáu, ngày 04/11/2022 09:07 AM (GMT+7)
Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam bày tỏ: "Chúng ta vẫn để cho các nhà xuất bản quy định giá theo cơ chế thị trường nhưng không thể để các doanh nghiệp muốn định giá ra sao cũng được".
Bình luận 0

Vì sao giá sách giáo khoa cao?

Trong buổi toạ đàm "Sách giáo khoa và câu chuyện xã hội hóa giáo dục", Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy cho hay: "Đôi khi cứ nói giá sách cao, nhưng thực ra, hiện tượng như tôi đã từng nói là "bán bia kèm lạc". Khi có tình trạng này, Bộ GDĐT có ngay một văn bản cấm các trường vận động học sinh mua sách tham khảo. Tôi e rằng, quy định này quá cứng, vì có những sách tham khảo là đồ dùng học tập thiết yếu, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh học tập. Theo tôi, Bộ nên điều chỉnh lại quy định này, nếu cấm thì cấm hình thức "bán bia kèm lạc", để buộc học sinh phải mua sách tham khảo không thiết yếu. Cũng chính vì do Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh quyết định chọn một bộ sách, cho nên mới có tình trạng, tỉnh đó chỉ chọn 1 bộ sách thôi. 

Tôi có một người bạn ở một tỉnh muốn mua 2 bộ sách cho con người nhà, một cháu lớp 1, một cháu lớp 6. Các cháu nói rằng nhà trường thông báo rồi, chỉ nộp tiền rồi nhận sách. Khi nhận bộ sách về, SGK chỉ có hạn, nhưng sách tham khảo cả một tập, do vậy tại sao giá sách không cao?".

Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam: "Không thể để các doanh nghiệp muốn định giá SGK ra sao cũng được" - Ảnh 1.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thị Kim Thúy. Ảnh: ĐBND

Thứ trưởng Bộ GDĐT Phạm Ngọc Thưởng cho hay: "Định giá quan trọng là những nguyên tắc, phương pháp định giá, mà quan trọng nhất là làm sao vẫn tạo động lực cho các nhà xuất bản, huy động tối đa nguồn lực của các nhà khoa học tham gia. Tôi nghĩ rằng các nhà xuất bản nên yên tâm về chủ trương của Nhà nước.

Trong lựa chọn về sách, vấn đề làm sao tránh bất cập, những can thiệp không xuất phát từ cơ sở. Tới đây cũng có những kết luận để tránh tác động tiêu cực; cũng như nghiên cứu để điều chỉnh Thông tư 25/2020/TT-BGDĐT trên tinh thần phải tôn trọng từ cơ sở, giáo viên, học sinh, nhà trường chứ không phải từ cơ quan quản lý cấp trên.

Tôi cũng xin cung cấp thêm một số thông tin. Về giá sách so với các nước so với Lào, Malaysia, Singapore, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Anh, Pháp, Australia, Nga..., giá sách của các nhà xuất bản Việt Nam thấp hơn 7- 12 lần. Về khổ sách ở mức trung bình so với các nước; giấy in sử dụng tiêu chuẩn in có chất lượng sách bảo đảm vệ sinh học đường; trọng lượng sách ở mức trung bình. Về số màu, tại sao phải chọn bốn màu sách, vì sách phải biên soạn theo chương trình, từ truyền đạt trí thức sang phẩm chất năng lực, và điều kiện kinh tế như hiện nay thì các em phải được quan sát bằng màu, ở đây là bốn màu. Nói chung, hiện nay ưu tiên dành cho các em điều kiện tốt nhất trong điều kiện kinh tế có thể".

Nhà nước hay thị trường định giá sách giáo khoa?

Trước hiện tượng SGK tăng giá cao, tại Kỳ họp thứ III, Khóa XV, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 63 quy định SGK là mặt hàng thuộc Nhà nước định giá. Bộ Tài chính đã trình dự thảo dự án sửa đổi này.

Để bảo đảm mọi học sinh được tiếp cận SGK có chất lượng, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam bày tỏ: "Chúng ta vẫn để cho các nhà xuất bản quy định giá theo cơ chế thị trường nhưng không thể để các doanh nghiệp muốn định giá ra sao cũng được. Chúng ta có những quy định, hành lang pháp lý mà các nhà xuất bản phải tuân thủ khi định giá".

Ông Thỏa giải thích: Trước hết phải tuân theo quy định về chi phí và dựa vào phương pháp định giá chung do Bộ Tài chính ban hành. Còn nguyên tắc định giá phải tuân theo các hạng mục cụ thể trong sản xuất mà các nhà xuất bản phải chi ra và có mức lợi nhuận phù hợp để tái đầu tư theo quy. Nhà nước có 2 cách kiểm soát, một là kiểm soát trực tiếp hai là gián tiếp nhưng chỉ áp dụng với sản phẩm độc quyền, còn với sản phẩm xã hội hóa cần có thêm các cơ chế khác để phù hợp.

Theo Luật Giá hiện nay, mặt hàng SGK là mặt hàng kê khai giá. Doanh nghiệp, các nhà xuất bản kê khai giá, Bộ Tài chính thẩm định, Bộ GDĐT phối hợp với Bộ Tài chính để đưa ra quan điểm của mình.

Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam: "Không thể để các doanh nghiệp muốn định giá SGK ra sao cũng được" - Ảnh 2.

Thứ trưởng Bộ GDĐT Phạm Ngọc Thưởng. Ảnh: ĐBND

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng thông tin: Tới đây, Bộ GDĐT sẽ tham mưu với Nhà nước có căn cứ quy định tiêu chuẩn định mức, định giá trần, bảo đảm lợi ích hài hòa giữa các nhà xuất bản mục tiêu cao nhất là hướng đến học sinh.

Các nhà xuất bản không lấy mục tiêu lợi nhuận nhưng chúng ta vẫn tạo điều kiện các nhà xuất bản tham gia, bảo đảm tính cạnh tranh để hạ giá thành sách và bảo đảm chất lượng. Sắp tới, Bộ vẫn hướng tới có những bộ sách đặc thù; làm sao có định giá nhưng không làm mất đi động lực của các nhà xuất bản trong biên soạn, phát hành SGK.

Để các bộ SGK đóng góp cho xã hội hoá giáo dục tốt hơn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy chỉ ra 3 cái cần, đó là cần kiên định chủ trương xã hội hóa việc biên soạn SGK; cần xem xét lại việc giao cho UBND cấp tỉnh quyết định việc chọn SGK trong Luật Giáo dục; cần nghiên cứu kỹ việc nhà nước định giá SGK để có giải pháp hài hòa, phù hợp, không ảnh hưởng đến việc xã hội hóa, chống độc quyền trong lĩnh vực này.

Theo bà, có thể xem xét hai phương án điều chỉnh việc định giá đối với SGK: Thứ nhất, chỉ định giá với SGK do Doanh nghiệp Nhà nước sản xuất. Thứ hai, trong luật chỉ quy định các mặt hàng được định giá (gồm SGK) rồi giao cho Chính phủ quy định khung giá phù hợp với từng thời kỳ, trong đó quy định giá tối đa để bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng, quy định giá tối thiểu để bảo đảm tính cạnh tranh lành mạnh.

Ngược lại, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam cho rằng Nhà nước nên để thị trường định giá SGK bởi xét về nguyên lý thì SGK không phải mặt hàng độc quyền, đây là mặt hàng mà các nhà soạn thảo có quyền cạnh tranh, vậy giá phải do các đơn vị cạnh tranh trong thị trường này quyết định. "Chỉ có cạnh tranh chúng ta mới thúc đẩy được chất lượng đi lên cũng như là mức giá để thỏa mãn mọi đối tượng trong xã hội", ông Nguyễn Tiến Thỏa nói.

TS. Vũ Thu Hương, Chuyên gia Giáo dục độc lập: "Mỗi một đứa trẻ sẽ có năng lực, môi trường sống và biểu hiện sống hoàn toàn khác nhau. GS Hữu Tuấn – Chủ biên SGK Toán đã từng nêu ra ý kiến "Điều kiện tốt nhất là mỗi em học sinh nên có một bộ SGK riêng". Tuy nhiên, tôi thấy, hiện chưa nơi nào làm được như vậy. Chúng ta càng có nhiều bộ SGK thì các em càng có nhiều cách tiếp cận kiến thức phù hợp, càng có nhiều sự lựa chọn. Vì vậy, nhiều bộ SGK cho một chương trình là điều tuyệt vời cần thực hiện vì chính các em học sinh.

img

Bà Vũ Thu Hương. Ảnh: ĐBND

Nhưng cách chúng ta thực hiện như thế nào thì có thể gây nên những hiểu lầm trong suốt thời gian vừa qua. Nếu cách nhà trường và các em học sinh được chủ động trong việc chọn SGK thì chắc chắn các phụ huynh sẽ thấy được giá trị từ việc có nhiều bộ SGK và đây là những điều tốt nhất dành cho cách học sinh. Từ đó, tất cả các ý kiến trái chiều sẽ giảm thiểu như hiện nay".

Rà soát, xử lý các vấn đề về học phí và sách giáo khoa. Clip: VNEWS

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem