Không thích người khác ôm hôn con mình, làm gì để từ chối khéo léo?

Triệu Quang Thứ sáu, ngày 17/03/2017 09:55 AM (GMT+7)
Nhiều vụ xâm hại tình dục trẻ em xuất phát từ những cử chỉ ôm hôn, véo má, vỗ mông... Vậy, các bậc cha mẹ phải làm gì khi người khác muốn ôm hôn con mình?
Bình luận 0

img

Người lớn không nên ôm hôn, vuốt ve khi trẻ không thích (ảnh minh họa).

Một đứa trẻ nhỏ bụ bẫm, đáng yêu sẽ được rất nhiều người yêu thương và quý mến. Khi gặp, người này muốn ôm, người kia muốn hôn, người khác lại thích vuốt má, thậm chí có người còn vạch quần xem “vùng kín”...

Có một thực trạng hiện nay là nạn xâm hại tình dục trẻ em đang rất phổ biến. Hầu hết, thủ phạm của các vụ xâm hại này chính là người quen và bắt nguồn từ những cái ôm, cái hôn, vuốt má…

Theo một khảo sát của chúng tôi, các bậc cha mẹ có suy nghĩ gì khi người khác ôm hôn con mình? Trong tổng số 3.409 người được khảo sát thì có đến 2.809 người (chiếm 82,4%) lựa chọn cảm thấy rất khó chịu vì mất vệ sinh và tiềm ẩn nguy cơ trẻ bị xâm hại tình dục.

Vậy khi người khác muốn ôm hôn con mình, các bậc cha mẹ phản ứng thế nào để cả con và khách đều thoải mái?

img

Trong tổng số 3.409 người được khảo sát thì có đến 2.809 người (chiếm 82,4%) lựa chọn cảm thấy rất khó chịu vì mất vệ sinh và tiềm ẩn nguy cơ trẻ bị xâm hại tình dục.

Xung quanh vấn đề này, TS Tâm lý học Bùi Hồng Quân cho biết, văn hóa Việt Nam là văn hóa cộng đồng vì thế, ngăn cản người khác ôm hôn con mình khi người ta có ý định sẽ mang lại cảm giác xa lạ.

Theo ông Quân, quan trọng nhất là việc các bậc cha mẹ phải hiểu được chuyện và nhận thức được hành vi nào là phù hợp, hành vi nào không phù hợp. Những hành động như véo má, sờ “vùng kín”, vỗ mông trẻ thì phải bỏ đi, còn hành động ôm hôn thì tùy đối tượng để dạy bảo trẻ thực hiện.

“Hiện nay trên mạng tuyên truyền rất nhiều về quy tắc 5 ngón tay, quy tắc quần lót để hướng dẫn các bậc cha mẹ cách dạy trẻ ứng xử sao cho phù hợp để tránh bị xâm hại. Người lớn phải hiểu, trẻ em phải biết để phản ứng lại những hành vi không chuẩn mực, kể cả đó là người quen”, TS Quân nói.

Trả lời câu hỏi, khi một người bạn hoặc một người thân quen nhìn thấy đứa bé quá đáng yêu và muốn lao vào ôm hôn để tỏ vẻ yêu thương, cha mẹ sẽ phản ứng thế nào? Ông Quân nói: “Nếu một đứa trẻ được dạy dỗ cẩn thận trước đó, nó sẽ khoanh tay chào khách trước hoặc đưa tay ra bắt để tỏ vẻ hiếu khách.

Trường hợp đứa trẻ tỏ vẻ không thích và không cho ôm hôn, cha mẹ phải giải thích trực tiếp với khách rằng đó là trẻ được dạy như thế để bảo vệ sự an toàn của mình khi gặp người lạ. Tôi nghĩ, người khách sẽ hiểu được bản chất sự phản ứng của trẻ nhỏ và từ đó cũng sẽ thay đổi cách thức thể hiện tình cảm với trẻ khác”.

Tiến sĩ Vũ Thu Hương - Khoa giáo dục Tiểu học (Đại học sư phạm Hà Nội) cho biết thêm, khi một người khách muốn ôm hôn, vuốt ve con mình, nếu trẻ còn quá bé (dưới 3 tuổi) thì nói con bám mẹ, khóc quấy để ngăn họ bế. Còn nếu trẻ 3 tuổi trở lên, phải dạy trẻ cách tự phòng tránh.

“Nếu trẻ phản ứng lại, tỏ vẻ không thích, người lớn có mất vui chút xíu nhưng an toàn cho trẻ quan trọng hơn và bố mẹ cũng không khó xử vì đó là quyền riêng tư của trẻ.

Trường hợp người khách muốn ôm hôn con mình thì bố mẹ có nói gì, làm gì thì người ta vẫn làm thôi. Nhưng có mặt bố mẹ ở đó thì không sao, trường hợp không có bố mẹ thì thế nào”, TS Hương nhấn mạnh việc giáo dục nhận thức sớm cho trẻ.

Theo TS Hương, các bậc cha mẹ nên cho trẻ mặc đồ lót từ sớm, khoảng 3 tuổi và dặn trẻ khu vực bên trong đồ lót là bất khả xâm phạm, ai động vào khu vực đó mà chưa có sự đồng ý của con thì đều là người xấu, bất kể đó có là người thân thiết. Trẻ biết được quy tắc đồ lót này có thể giữ gìn bản thân tránh khỏi phần lớn các nguy cơ bị xâm hại.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem