Bác sĩ Quách Thanh Hưng, Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Trãi cho biết, trải qua hơn 130 năm hình thành và phát triển, cơ sở cũ xuống cấp, không đáp ứng được nhu cầu điều trị, phát triển y khoa hiện đại.
Khu điều trị kỹ thuật cao được khởi công vào ngày 19/7/2018 và được nghiệm thu hoàn thành vào ngày 30/9/2022 bằng nguồn vốn từ ngân sách Thành phố. Khu điều trị kỹ thuật cao bao gồm 9 tầng nổi, 1 tầng hầm, với quy mô 300 giường bệnh nội trú, tổng diện tích sàn xây dựng 17.480 m2.
Khu điều trị kỹ thuật cao thật sự trở thành điểm nhấn của bệnh viện Nguyễn Trãi, không chỉ là một khối nhà mới thay thế cho cơ sở hạ tầng vốn đã cũ kỹ, xuống cấp mà còn là một điều kiện tiên quyết không thể thiếu để các thầy thuốc của bệnh viện có cơ hội phát triển hơn nữa các kỹ thuật điều trị chuyên sâu, cung ứng các loại hình dịch vụ y tế chất lượng cao, góp phần đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao của người dân.
Đó là các kỹ thuật chuyên sâu về tim mạch như đặt stent mạch vành và mạch máu ngoại biên; nội soi can thiệp xâm lấn tối thiểu giúp chẩn đoán chính xác các bệnh lý dạ dày, đại tràng, tầm soát sớm ung thư đường tiêu hóa bằng phương pháp nội soi không đau, áp dụng các thiết bị nội soi nhuộm màu điện tử, nội soi phóng đại để điều trị các tổn thương ung thư sớm.
Bên cạnh đó là các kỹ thuật điều trị chuyên sâu trong lĩnh vực ngoại khoa như cắt ung thư thực quản - tạo hình thực quản bằng phẫu thuật nội soi không mở ngực; thay khớp háng cho nhiều trường hợp hoại tử chỏm xương đùi… nhằm hướng đến mục tiêu trở thành trung tâm y tế chuyên sâu, góp phần vào nền y tế kỹ thuật cao, y tế thông minh của TP.HCM.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức, với cơ sở mới, Bệnh viện Nguyễn Trãi sẽ góp phần thực hiện chiến lược phát triển y tế của TP.HCM: "TP.HCM sẽ tập trung đầu tư cho những đơn vị có tiềm năng để phát triển các kỹ thuật chuyên sâu, tạo ra dịch vụ chất lượng cao, trước mắt là phục vụ cho người dân TP.HCM, sau đó là bệnh nhân trong khu vực".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.