Khu nghỉ dưỡng Satoyama Villa, rộng hàng nghìn m2 xây trái phép trên đất nông nghiệp ở Hòa Bình

Đình Việt - Thanh Xuân Chủ nhật, ngày 28/07/2024 14:20 PM (GMT+7)
Khu nghỉ dưỡng Satoyama Villa tại xã Cư Yên, huyện Lương Sơn được xác định có nhiều vi phạm, cơ quan chức năng đã yêu cầu dừng hoạt động nhưng chủ khu nghỉ dưỡng không chấp hành.
Bình luận 0

Công trình đồ sộ nhưng xây dựng không phép

Báo điện tử Dân Việt nhận được phản ánh về việc một công trình có tên Khu nghỉ dưỡng Satoyama Villa, xóm Đa Ao, xã Cư Yên, huyện Lương Sơn (Hòa Bình) rộng hàng nghìn m2 xây dựng trái phép trên đất trồng cây lâu năm (đất nông nghiệp), chưa được thẩm định phòng cháy chữa cháy nhưng vẫn đón khách đến lưu trú.

Khu nghỉ dưỡng Satoyama Villa, rộng hàng nghìn m2 xây trái phép trên đất nông nghiệp ở Hòa Bình- Ảnh 1.

Khu nghỉ dưỡng Satoyama Villa rộng hàng nghìn m2. Ảnh: Dân Việt

Theo phản ánh, khu nghỉ dưỡng trên bắt đầu các hoạt động xây dựng từ năm 2019 và đi vào hoạt động năm 2021.

Vừa qua, khu nghỉ dưỡng này đã bị cơ quan chức năng kiểm tra, lập biên bản xử phạt và yêu cầu dừng hoạt động nhưng không chấp hành.

Tài liệu của PV Dân Việt thể hiện, Khu nghỉ dưỡng Satoyama Villa được xây dựng trên nhiều thửa đất khác nhau, chủ công trình mua gom các thửa đất của người dân tại xóm Đa Ao rồi tiến hành xây dựng.

Cụ thể: Thửa đất số 36, tờ bản đồ số 171-C, diện tích 4088m2, trong đó có 150m2 là đất ở, còn lại là đất trồng cây lâu năm; Thửa đất số 145, tờ bản đồ số 171-C, diện tích 4286m2, trong đó có 200m2 đất ở, còn lại là đất trồng cây lâu năm; Thửa đất số 208, tờ bản đồ số 171-C, diện tích 4270m2, trong đó có 200m2 đất ở, còn lại là đất trồng cây lâu năm.

Ngày 15/7, theo ghi nhận của PV Dân Việt, Khu nghỉ dưỡng Satoyama Villa rộng hàng nghìn m2, được xây dựng kiên cố. Gồm một khối nhà chính hai tầng, bên ngoài có bể bơi, hồ cá, khu vui chơi, nơi để xe của khách. Ngoài ra, còn có một căn nhà sàn, nhiều căn nhà nhỏ khác dùng để làm nơi lưu trú cho khách…

Xã nói có phần trách nhiệm khi để xảy ra vi phạm

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Hoàng Tùng – Phó Chủ tịch UBND xã Cư Yên xác nhận, Khu nghỉ dưỡng Satoyama Villa xây dựng không phép, chưa được thẩm định phòng cháy chữa cháy, chưa được cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lưu trú.

Công trình xây dựng từ năm 2019 và đi vào hoạt động năm 2021, do ông N.D.P quận Hà Đông (Hà Nội) làm chủ.

Theo tài liệu Phó Chủ tịch UBND xã Cư Yên cung cấp, ngày 22/3/2023, ông Nguyễn Văn Danh – Chủ tịch UBND huyện Lương Sơn ký Quyết định số 562 về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai đối với ông N.D.P vì đã có hành vi tự ý chuyển mục đích sử dụng đất từ đất trồng cây lâu năm sang đất phi nông nghiệp không được cơ quan Nhà nước cho phép tại khu vực nông thôn.

Cụ thể, tại thửa đất số 145, diện tích vi phạm là 1587,1 m2. Tại thửa đất này, ông P bị xử phạt 22,5 triệu đồng và buộc nộp lại 10,2 triệu đồng số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính.

Tại thửa đất số 208, diện tích vi phạm là 567,5 m2. Tại thửa đất này, ông P bị xử phạt 11,5 triệu đồng và buộc nộp lại 3,6 triệu đồng số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hành chính.

Quyết định xử phạt cũng nêu rõ: Yêu cầu ông N.D.P dừng ngay hành vi vi phạm, buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm đối với các thửa đất vi phạm nêu trên.

Thời hạn thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả 15 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định.

Ngoài ra, ông Tùng cho biết, mới đây đoàn kiểm tra liên ngành của huyện Lương Sơn tiếp tục tiến hành kiểm tra, lập biên bản và yêu cầu Khu nghỉ dưỡng Satoyama Villa dừng hoạt động.

Cụ thể, ngày 16/5/2024, đoàn kiểm tra liên ngành huyện Lương Sơn do ông Bùi Quốc Hoàn - Phó Chủ tịch UBND huyện làm Trưởng đoàn đã tiến hành kiểm tra việc cung cấp, sử dụng dịch vụ tại cơ sở.

Tại thời điểm kinh doanh, chủ cơ sở chưa xuất trình được hồ sơ kinh doanh. Kết quả kiểm tra cho thấy cơ sở đang mở cửa đón khách khi chưa có đủ hồ sơ và chưa được các cơ quan chức năng cấp phép.

Đoàn kiểm tra đề nghị chủ cơ sở dừng mọi hoạt động kinh doanh trong thời gian hoàn thiện hồ sơ, đủ điều kiện hoạt động.

Khu nghỉ dưỡng Satoyama Villa, rộng hàng nghìn m2 xây trái phép trên đất nông nghiệp ở Hòa Bình- Ảnh 3.

Dù hoạt động đã lâu nhưng đến nay công trình vẫn chưa được cơ quan chức năng cấp phép xây dựng, chưa được thẩm định phòng cháy chữa cháy. Ảnh: Dân Việt.

Phó Chủ tịch UBND xã Cư Yên cho biết, công trình trên xây dựng trên đất trồng cây lâu năm trong đó có một phần diện tích đất ở. Cụ thể, chủ đất mua gom nhiều thửa đất lại với nhau và chỉ có 550m2 đất ở, nếu xây đúng diện tích, đúng mục đích trong sổ đỏ thì không cần xin phép. Tuy nhiên, công trình xây vượt diện tích phải làm thủ tục chuyển đổi và được cơ quan chức năng cấp phép xây dựng.

Ông Tùng thẳng thắn, để xảy ra vi phạm phạm trên địa bàn, một phần có trách nhiệm của UBND xã.

Ngoài ra, vị này còn cho biết trên địa bàn có nhiều công trình nghỉ dưỡng, lưu trú nhưng chỉ có hơn 10 công trình hoạt động nghiêm chỉnh, có giấy tờ đầy đủ, còn lại vẫn còn một số thiếu sót.

Ở một diễn biến khác, khi trao đổi với PV Dân Việt, ông Tùng khẳng định, từ đầu năm 2023, cơ quan chức năng đã yêu cầu chủ Khu nghỉ dưỡng Satoyama Villa dừng hoạt động, buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đối với các thửa đất vi phạm nêu trên.

Tuy nhiên, ngày 15/7, trong vai khách hàng có nhu cầu, chúng tôi vẫn có thể đặt phòng được tại đây. Thậm chí, lễ tân còn cho biết, đến cuối tuần, khu nghỉ dưỡng đã kín phòng. Hoạt động tại khu nghỉ dưỡng này vẫn diễn ra bình thường, các phần diện tích vi phạm vẫn chưa được tháo dỡ.

Trao đổi với PV Dân Việt, luật gia Khổng Thùy Dung (Văn phòng luật sư Interla) cho biết, theo quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư 27/2018/TT-BTNMT giải thích đất trồng cây lâu năm là đất sử dụng vào mục đích trồng các loại cây được trồng một lần, sinh trưởng và cho thu hoạch trong nhiều năm (được xếp vào nhóm đất nông nghiệp).

Căn cứ theo quy định tại khoản 1, Điều 170 Luật Đất đai 2013, người sử dụng đất có nghĩa vụ phải sử dụng đất đúng mục đích, đúng ranh giới thửa đất, đúng quy định về sử dụng độ sâu trong lòng đất và chiều cao trên không, bảo vệ các công trình công cộng trong lòng đất và tuân theo các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Ngoài ra, theo quy định tại khoản 3 Điều 12 Luật Đất đai 2013, nghiêm cấm việc sử dụng đất không đúng mục đích.

Do đó, người sử dụng đất nông nghiệp trồng cây lâu năm có nghĩa vụ phải sử dụng đất đúng mục đích sử dụng theo quy định của pháp luật. Đồng nghĩa với việc phải sử dụng đất đúng với mục đích của đất được ghi trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.

Khu nghỉ dưỡng Satoyama Villa, rộng hàng nghìn m2 xây trái phép trên đất nông nghiệp ở Hòa Bình- Ảnh 4.

Cơ quan chức năng đã yêu cầu Khu nghỉ dưỡng Satoyama Villa dừng hoạt động nhưng đơn vị này không chấp hành. Ảnh: Dân Việt.

Trường hợp muốn xây nhà trên đất nông nghiệp trồng cây lâu năm phải chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định tại khoản 1, Điều 57 Luật Đất đai 2013.

Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 11 Nghị định 91/2019/NĐ-CP, trường hợp cá nhân chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp là đất trồng cây lâu năm sang đất phi nông nghiệp là đất ở tại khu vực nông thôn mà không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép, tùy từng trường hợp sẽ bị xử phạt từ 3 đến 200 triệu đồng.

Ngoài ra, còn áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm, buộc đăng ký đất đai theo quy định đối với trường hợp có đủ điều kiện được công nhận quyền sử dụng đất và buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

Báo điện tử Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc tới bạn đọc.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem