Khúc tráng ca của người Hà Nội: Vẹn nguyên nỗi đau và ám ảnh

Thứ tư, ngày 19/12/2012 06:43 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Với nhiều người dân Hà Nội, những ngày thủ đô bị đánh bom cuối năm 1972 là ký ức đi theo họ trong suốt cuộc đời, sau 4 thập kỷ vẫn vẹn nguyên...
Bình luận 0

Thoát chết nhờ… dính bom

Khi nghĩ lại trận ném bom kinh hoàng của máy bay địch ở phố Khâm Thiên đêm 26.12.1972, cựu chiến binh Lê Văn Quang và vợ là bà Lê Thị Sành vẫn nhớ như in thời khắc mà họ đứng giữa ranh giới sinh- tử như bao người dân Hà Nội khác.

Đêm ấy, còi báo động đã nổi lên, loa phóng thanh cũng thông báo liên tục về diễn biến di chuyển của máy bay địch. Thời gian trôi đi, những “pháo đài bay” chết chóc ấy càng gần Hà Nội. Khi đó, nhiều người Hà Nội vẫn bình thản với nếp sống thường nhật.

img
Vợ chồng ông Quang không bao giờ quên ký ức kinh hoàng của trận bom đêm 26.12.2972.

22 giờ 30 phút, cụ Lê Đình Thịnh (số 12, ngõ Hồ Cây Sữa ở ngõ chợ Khâm Thiên) còn vồn vã khi thấy cậu con rể tương lai Lê Văn Quang sang nhà nhắc mọi người xuống hầm trú ẩn. “Cứ ở lại đây trú ẩn luôn. À mà con có đói không, để bố bảo mẹ kiếm món gì, bố con mình nhắm rượu nhé” - cụ Thịnh bảo ông Quang. Nể ông nhạc phụ, ông Quang ở lại.

Nhưng bữa rượu của 2 người đã không trọn vẹn bởi chỉ ít phút sau, căn hầm chữ A mà họ đang trú ẩn dính liên tiếp 2 quả bom. Mà không chỉ nhà ông Thịnh, cả phố Khâm Thiên dính những trận bom như mưa trút của máy bay địch. Trong phút chốc, con phố từng nổi tiếng với hát cô đầu và tiệm nhảy vài thập kỷ trước trở thành đống đổ nát.

Vào thời điểm ấy, nhiều người chết mà chưa kịp… sợ. Trong hầm nhà ông Thịnh có 7 người trú ẩn thì sau khi dính 2 quả bom, có 2 người chết tại chỗ là bà Mai Thị Lý (vợ ông Thịnh) và con gái Lê Thị Liễu. Ông Quang kể: “Dính quả bom đầu tiên, ý nghĩ đầu tiên của tôi khi ở trong hầm là cái chết. Chỉ vài giây sau, một quả bom nữa nổ ở vị trí rất gần quả bom đầu tiên và nhờ thế đã thổi bay lớp gạch, bê tông vùi trên hầm”. Tức thì, mọi người lao vào dùng tay, chân và bất cứ vật dụng gì nhặt được để đào, bới khẩn trương... Ứa nước mắt khi nhớ lại giây phút thập tử, nhất sinh ấy, bà Sành nói: “Bố tôi mất mà không vẹn xác. Tôi thương ông đứt từng khúc ruột. Nhưng trong cái rủi có cái may, nếu không có quả bom thứ 2 thì vợ chồng tôi và những người khác chắc chắn cũng chết rồi”.

Không thể sơ tán vì làm ca 3

Trong câu chuyện với vợ chồng ông Quang, bà Sành, tôi hỏi: “Sao lúc ấy các bác và gia đình không đi sơ tán mà ở lại Hà Nội với hiểm nguy cận kề?”. Lặng đi trong giây lát, bà Sành bộc bạch: “Đi sơ tán sao được anh ơi. Vợ chồng tôi khi ấy cùng làm ở Xí nghiệp Xe đạp Thống Nhất. Liễu - em gái tôi công tác tại Công ty May Thăng Long. Còn mẹ tôi thì làm việc ở tổ phục vụ đầu ngõ chợ Khâm Thiên. Ai cũng đi làm ca ba cả nên không thể đi sơ tán. Cứ có báo động lại chạy xuống hầm trú ẩn thôi”.

Đêm 26.12.1972 định mệnh ấy đã khiến đám cưới mà 2 gia đình của ông Quang - bà Sành đã chuẩn bị không bao giờ trở thành hiện thực. Trận bom khủng khiếp đã phá tan nhà cửa, những thực phẩm chuẩn bị cho lễ cưới như hạt bí, gạo nếp, chè… cũng vung vãi cả. Dù sao thế vẫn còn may khi nhiều người thoát chết. Ông Quang ngậm ngùi: Nếu tôi không ở lại nhà bố vợ mà về nhà ở 26 ngõ Văn Hương thì chỉ ra đến đầu ngõ chợ Khâm Thiên đã dính bom và cầm chắc cái chết.

Đêm 26, rạng sáng 7.12.1972, trận bom kinh hoàng của máy bay Mỹ đã biến 6 khối phố ở phố Khâm Thiên thành đống đổ nát, làm 287 người chết, 290 người bị thương.

Trong trận bom ấy, cụ Hoàng Thị Còm (bà nội của bà Sành) khi ấy 88 tuổi đã thoát chết thần kỳ. Không xuống hầm vì muốn nhường chỗ cho con cháu, cụ Còm chui xuống tấm phản mà cụ gọi là “lá chắn của bà”.

Quả bom đã phá nát ngôi nhà, nhưng rất may, áp lực của bom lại khiến tấm phản vỡ đôi và vô tình biến thành “hầm chữ A”, giúp cụ Còm thoát nạn. Rạng sáng 27.12, khi được con cháu trong nhà sơ cứu và khiêng ra đường, đúng lúc xe của ông Trần Duy Hưng - Chủ tịch Ủy ban Hành chính TP. Hà Nội đi kiểm tra tình hình đi qua. Lập tức, đồng chí Chủ tịch đưa cụ Còm lên xe đi cấp cứu.

Giọng run run vì xúc động, ông Quang kể: “Nhà tôi như thế cũng còn may. Chứ có nhà hàng xóm với 11 người thì sau trận bom có tới 10 người chết. Có nhà còn chết cả. Trận bom ấy là nỗi ám ảnh với tôi trong suốt cuộc đời”.

Bài 2: Hiên ngang dưới đạn bom

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem