Mặc dù cảnh sát Australia rất thận trọng với hai từ “khủng bố” khi nói về vụ bắt cóc con tin ở Lindt Café, nhưng với những biểu hiện và yêu sách của các tay súng đã khiến tất cả các hãng thông tấn ở Úc cho rằng đây là hành động khủng bố.
Tính mạng con tin bị đe dọa
Đài Truyền hình kênh 7 của Australia đã tường thuật hình ảnh các con tin bị bắt giữ tại một quán cà phê ở trung tâm Sydney, với một lá cờ đen có chữ Ả Rập màu trắng có thể được nhìn thấy trên cửa sổ quán này, làm dấy lên lo ngại về một vụ tấn công có liên quan đến các phiến quân Hồi giáo.
Một nữ con tin hoảng loạn khi chạy thoát khỏi nơi bị bắt cóc. AP
Hình ảnh được truyền hình trực tiếp cho thấy các khách hàng đứng bên trong quán Lindt Café với 2 tay đặt lên cửa sổ. Người ta còn có thể nhìn thấy một lá cờ đen trắng giống như lá cờ được lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Iraq và Syria sử dụng. Ngay lập tức, cảnh sát Sydney đã được huy động với một lực lượng đông đảo hàng trăm người, vừa tiếp cận hiện trường, chặn các tàu và xe buýt, đồng thời phong tỏa các con đường tại khu vực này. Các nhà điều hành tàu cho biết đã có một lời đe dọa đánh bom tại khu Martin Place.
Các nguồn tin cho biết có khoảng 30 người đang bị giữ trong quán cà phê nói trên và có ít nhất 2 tay súng. Các nhân chứng đã nghe thấy những tiếng động lớn giống như tiếng súng. 5 con tin đã chạy thoát khỏi quán cà phê, nhưng chưa rõ các con tin được kẻ bắt cóc thả hay trốn thoát. Trước đó, thủ phạm bắt giữ con tin đã yêu cầu một con tin liên lạc với phát thanh viên Ray Hadle của Đài 2GB. Ông Ray cho biết thủ phạm có vẻ hết sức bình tĩnh và không hề có biểu hiện nóng vội. Tuy nhiên, theo miêu tả của con tin, những người bị bắt giữ cảm thấy vô cùng hoảng loạn, tuyệt vọng.
Một người mẹ có con trai đang là con tin cho biết, con trai bà đã bí mật gửi tin nhắn đến mẹ, thông báo rằng mình đang kẹt trong quán Lindt Café. “Trái tim tôi như muốn ngừng đập khi thấy dòng tin nhắn của con” - tờ The Australian dẫn lời người mẹ cho biết.
Một không khí hoảng loạn, lo sợ bao trùm thành phố Sydney. Không chỉ lo sợ cho tính mạng của những con tin còn lại, người dân Sydney còn bị ám ảnh bởi những mối đe dọa đánh bom đang rình rập họ.
Sau nhiều giờ đấu trí với cảnh sát, chiều 15.12, cảnh sát Australia thông báo họ đã liên lạc với tay súng và tên này đã đưa ra một loạt yêu sách. Đối tượng yêu cầu chuyển cho y một lá cờ của nhóm IS. Yêu sách thứ 2 là đối thoại với Thủ tướng Tony Abbott. Hắn còn tuyên bố đã cài đặt 4 quả bom, 2 quả trong quán Lindt và 2 quả khác ở trung tâm Sydney. Trong một cuộc họp báo, người phát ngôn cảnh sát Australia Catherine Burns tuyên bố họ đang nỗ lực làm việc để "giải quyết tình hình trong hòa bình".
Bàn tay IS?
Thủ tướng Australia Tony Abbott cho rằng vụ bắt cóc con tin đang diễn ra ở trung tâm Sydney có thể mang động cơ chính trị, đồng thời bày tỏ hết sức "đau buồn" về vụ việc này: “Toàn bộ mấu chốt của vụ việc bạo lực mang động cơ chính trị trên là nhằm đe dọa mọi người. Australia là một xã hội hòa bình, mở cửa và khoan hồng. Không gì có thể thay đổi được điều này và đó là lý do tôi sẽ hối thúc toàn thể người dân Australia ngày hôm nay hãy làm việc như thường lệ”.
Tuy nhiên, trong những tháng qua, Australia đã đối diện với nguy cơ khủng bố ngày một tăng, một phần do có liên quan với cuộc chiến chống lại IS. Khoảng 70 người Australia được cho là đang chiến đấu cho các nhóm chiến binh ở Trung Đông trong khi 20 người đã về lại nước nhà. Ngoài số tham gia chiến đấu này, còn có cả trăm người Australia khác tham gia trong đội ngũ y tế, hậu cần. Các lực lượng dân quân vui mừng khi có thêm được tân binh mới, nhưng các lực lượng này muốn các tân binh mang theo tiền bạc để mua vũ khí và đồ tiếp liệu.
Hồi tháng 9, chính quyền Australia đã thực hiện một cuộc bố ráp chống khủng bố lớn nhất trong lịch sử nước này ở hai thành phố Sydney và Brisbane sau khi có tin tình báo cho biết có âm mưu công bất kỳ trên lãnh thổ Australia.
Ông David Irvine - Giám đốc Cục Tình báo an ninh Australia (ASIO) xác nhận có nhiều thanh niên Australia gốc Ả Rập tham chiến ở Syria vì các “mục tiêu cực đoan”. ASIO quan ngại rằng các thanh niên này sẽ trở thành những phần tử cực đoan sau những kinh nghiệm họ thu lượm được ở Syria và có nguy cơ là những thành phần khủng bố trong tương lai sau khi họ quay trở lại Australia.
Hầu hết những thanh niên tới Syria để “tham gia thánh chiến” này sinh ra tại Australia hoặc tới Australia khi còn bé; xuất thân từ những gia đình có mối quan hệ chặt chẽ ở miền Bắc Lebanon, đặc biệt từ khu vực chung quanh Tripoli. Nhiều người trong số này có quyền lợi kinh doanh trong khu vực hoặc có mối quan hệ gia đình vượt qua biên giới sang tận Syria.
Tháng 10 vừa qua có tin một công dân Australia theo đạo Hồi tên Ahmed sống ở Brisbane được xem là người Australia đầu tiên đánh bom tự sát, đã thực hiện vụ đánh bom tại sân bay quân sự Deir al-khiến 35 binh sĩ Syria thiệt mạng. Tuy nhiên gia đình đương sự đã mạnh mẽ bác bỏ, cho rằng anh ta đang sinh sống tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Thế giới báo động
Ngay sau khi sự việc được thông báo rộng rãi, một loạt các nước như Mỹ, Anh, Trung Quốc đã phát thông báo khẩn cấp khuyến cáo công dân mình tránh xa khu vực hiện trường vụ bắt cóc nói trên.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Australia và Lãnh sự quán Trung Quốc tại Sydney, Lãnh sự quán Mỹ đã ban bố cảnh báo khẩn cấp nhằm bảo vệ các công dân đang sinh sống ở Sydney.
Hiện Bộ Ngoại giao nhiều nước trong đó có Trung Quốc, Mỹ, Việt Nam, Anh nỗ lực liên lạc với Chính phủ liên bang Australia để nắm bắt tình hình, đặt biệt là xác minh xem có công dân mình bị bắt làm con tin hay không.
Du học sinh Việt phục vụ trong Lindt Café?
Quán cà phê Lindt Café nằm ở một quảng trường ngay trung tâm khu thương mại và tài chính của Sydney và thường rất đông người mua sắm vào thời điểm cuối năm.
Trong ngày xảy ra vụ bắt cóc, trên các trang mạng xã hội của các du học sinh Việt Nam ở Sydney bày tỏ sự nghi ngờ có người Việt nằm trong số những con tin đang bị tay súng bắt giữ. Hải Anh- một lưu học sinh cho biết, trước đây, có sinh viên Việt Nam làm phục vụ trong Lindt Café và quán này cũng là nơi các du học sinh Việt thường xuyên lui tới. Tuy nhiên, hiện nay chính quyền Australia vẫn chưa thể xác nhận được con số những người bị bắt cóc và quốc tịch của họ. Bạn Hải Anh cho biết, số lượng du học sinh Việt Nam ở Sydney rất đông, nên chỉ biết cầu mong không có ai là nạn nhân của vụ bắt cóc đáng sợ này.
Vân Đài
Vui lòng nhập nội dung bình luận.