Khung hình phạt cho người được giới thiệu có khả năng "cầu mưa" cho TP. Hồ Chí Minh

Phi Long Thứ sáu, ngày 19/04/2024 08:14 AM (GMT+7)
Luật sư Hoàng Anh Sơn – Trưởng Văn phòng Luật sư Hoàng Anh Sơn, thuộc Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh đã phân tích dưới góc độ pháp lý thông tin người được giới thiệu có khả năng "cầu mưa" cho TP. Hồ Chí Minh.
Bình luận 0

Gần đây, mạng xã hội lại gây xôn xao trường hợp ông Lê Minh Hoàng được Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Điệp (Giám đốc Trung tâm Dịch thuật, Dịch vụ Văn hóa và KH-CN thuộc Liên hiệp Các Hội KH-KT Việt Nam), giới thiệu với Chi cục Thủy lợi TPHCM bởi có khả năng "cầu mưa" nhưng chưa được kiểm chứng. Thông tin này gây xôn xao dư luận thời gian qua.

Khung hình phạt cho người được giới thiệu có khả năng "cầu mưa" cho TP. Hồ Chí Minh- Ảnh 1.

Nắng nóng gay gắt diễn ra ở TP. Hồ Chí Minh những ngày qua. Ảnh: Danviet

Ngày 16/4, Công an huyện Mỹ Đức (Hà Nội) cho biết, đơn vị đã mời ông Lê Minh Hoàng (sinh năm 1967, ở xã Mỹ Thành) tới làm việc liên quan nội dung ông này được giới thiệu "cầu mưa giải hạn" cho TP. Hồ Chí Minh cũng như các tỉnh, thành phía Nam.

Qua buổi làm việc của cơ quan chức năng với ông Hoàng, người đàn ông này đã nhận lỗi về việc nói có khả năng cầu nguyện cầu mưa cho TPHCM và cầu nguyện cho cây lúa bớt đổ ngã. Ông Hoàng đã nhận sai vì đưa ra thông tin không được kiểm chứng, không có cơ sở khoa học.

Luật sư Hoàng Anh Sơn cho biết, quan điểm của cơ quan có thẩm quyền xác định việc này là vụ việc có tính chất mê tín dị đoan. Từ trường hợp này chúng ta có thể liên tưởng đến vụ cô đồng bổ cau xem bói "Đúng nhận sai cãi" vào năm 2023 cũng gây hoang mang dư luận một thời gian dài.

Pháp luật Việt Nam hiện nay không quy định một khái niệm cụ thể thế nào là mê tín dị đoan. Tuy nhiên, có thể hiểu mê tín, dị đoan là tin tưởng một cách mê muội vào một điều không có căn cứ, không có cơ sở khoa học, không đúng thực tế, trái ngược với quy luật tự nhiên.

Về xử phạt hành chính

Theo Điểm đ, Điều 14, Nghị định 38/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo, xử phạt hành chính đối với hoạt động mê tín dị đoan như sau:

Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức hoạt động mê tín dị đoan.

Ngoài ra, tại Điểm a, Khoản 2 và Khoản 4 Điều 15 Nghị định 158/2013/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng hoạt động lên đồng, xem bói, gọi hồn, xin xăm, xóc thẻ, yểm bùa, phù chú, truyền bá sấm trạng và các hình thức tương tự khác để trục lợi.

Người vi phạm có thể bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được từ hành vi nêu trên.

Như vậy, người này có thể bị xử phạt từ 15 đến 20 triệu đối với hành vi tổ chức hoạt động mê tín dị đoan, nếu phát hiện người này lợi dụng việc này để trục lợi thì có thể bị phạt từ 3 đến 5 triệu.

Về xử lý hình sự

Bên cạnh đó, qua quá trình điều tra xác minh, nếu phát hiện hành vi này có dấu hiệu hình sự, người phạm tội còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu người vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng, đã bị xử lý hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

Theo Điều 320, Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 quy định về tội hành nghề mê tín dị đoan như sau:

"Người nào dùng bói toán, đồng bóng hoặc các hình thức mê tín, dị đoan khác đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

Làm chết người;

Thu lợi bất chính 200.000.000 đồng trở lên;

Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng".

LS. Hoàng Anh Sơn cũng cho biết, trường hợp người phạm tội có dấu hiệu dùng việc hành nghề mê tín dị đoan lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Khung hình phạt cao nhất của tội danh này là tù chung thân.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem