Kiểm tra, xử lý cá nhân hoạt động mê tín dị đoan tại Chùa Hương sau phản ánh của Dân Việt

Hồng Nhân - Ngọc Huyền Thứ sáu, ngày 15/03/2024 10:13 AM (GMT+7)
UBND huyện Mỹ Đức (Hà Nội) đã có thông tin gửi tới Báo Dân Việt về việc xử lý những cá nhân liên quan đến vụ "cạm bẫy" mê tín dị đoan trên cung đường hành lễ Chùa Hương.
Bình luận 0

Theo đó, ngày 14/3/2024, UBND huyện Mỹ Đức có văn bản số 552/UBND-VP về việc trả lời thông tin Báo Dân Việt.

Văn bản nêu rõ: "Sau khi nhận thông tin phản ánh, Ban Tổ chức Lễ hội Chùa Hương đã chỉ đạo tổ liên ngành kiểm tra, lập biên bản xem xét mức độ vi phạm để xử lý đối với những cá nhân có liên quan tại các điểm như báo nêu. Đồng thời các cá nhân liên quan đã hứa không tái vi phạm".

Kiểm tra, xử lý cá nhân hoạt động mê tín dị đoan tại Chùa Hương sau phản ánh của Dân Việt- Ảnh 1.

Quần thể di tích thắng cảnh Hương Sơn (còn gọi là Chùa Hương) gồm hệ thống đình, đền, chùa ,hang, động tọa lạc rải rác quanh dãy núi Hương Sơn. Các di tích Phật giáo này được chia làm 3 tuyến chính là: Thiên Trù - Hương Tích; Tuyến Long Vân - Thanh Sơn; Tuyến Bảo Đài - Tuyết Sơn. Ảnh: Trịnh Trọng.

Bên cạnh đó, Ban Tổ chức Lễ hội Chùa Hương cảm ơn và tiếp thu những thông tin Báo Dân Việt phản ánh.

"Với tinh thần cầu thị, hướng tới xây dựng "Chùa Hương - Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện như mục tiêu đã đề ra, Ban Tổ chức Lễ hội đã chỉ đạo các cơ quan liên quan thường xuyên kiểm tra, thực hiện tốt công tác tổ chức, quản lý lễ hội", UBND huyện Mỹ Đức thông tin.

Kiểm tra, xử lý cá nhân hoạt động mê tín dị đoan tại Chùa Hương sau phản ánh của Dân Việt- Ảnh 2.

Chùa Hương (xã Hương Sơn, Mỹ Đức, Hà Nội) là điểm du lịch nổi tiếng ở miền Bắc với quần thể di tích văn hóa, tôn giáo độc đáo, mỗi năm thu hút hàng triệu lượt du khách. Năm 2024, Ban Chỉ đạo lễ hội Chùa Hương đã triển khai nhiều giải pháp đổi mới, được du khách đánh giá tích cực, đem lại nét mới trong công tác quản lý, tổ chức lễ hội.

Được biết, tại Lễ hội Chùa Hương năm 2024, Ban Tổ chức lễ hội đã triển khai thực hiện nghiêm các nội dung đảm bảo công tác đổi mới lễ hội. Đặc biệt, việc đưa HTX dịch vụ du lịch Chùa Hương vào quản lý vận chuyển khách bước đầu đã đem lại hiệu quả tích cực trong công tác quản lý, tổ chức lễ hội Chùa Hương. 

Lễ hội Chùa Hương năm nay không còn xảy ra tình trạng đi đón, chèo kéo khách từ Hà Đông, Vân Đình, Tế Tiêu... việc du khách xếp hàng chờ lên đò theo thứ tự, an ninh trật tự đảm bảo thông thoáng, thuận lợi, lái đò mặc đồng phục, có thẻ được HTX cấp, thuyền được đánh số thứ tự, trang bị đầy đủ các thiết bị đảm bảo an toàn giao thông, không còn tình trạng chở khách quá tải, mồi chài khách đi xuồng gắn động cơ...

Theo đánh giá, lễ hội năm nay đã khắc phục được hầu hết các tồn tại từ nhiều năm trước trong công tác quản lý, tổ chức lễ hội Chùa Hương. 

Việc áp dụng khung thời gian đón khách từ 05h00 đến 20h00 hàng ngày đem lại hiệu quả, khoa học, giúp lực lượng Ban tổ chức, nhân dân địa phương có thời gian nghỉ ngơi đảm bảo sức khỏe để thực hiện công tác phục vụ. 

Đồng thời việc bỏ bán vé tại 2 vị trí cổng, đưa vào bán vé tại bãi đậu xe cùng với việc phân luồng giao thông hợp lý đã giảm tối đa tình trạng ùn tắc giao thông, giảm bớt nhân lực của Ban tổ chức trong công tác điều phối tại các cổng.

UBND huyện Mỹ Đức đề nghị Báo Nông thôn Ngày nay/Điện tử Dân Việt tiếp tục đồng hành cùng địa phương trong công tác tuyên truyền, tăng cường thông tin tích cực và những nét tổ chức mới trong Lễ hội Chùa Hương.

Trước đó, ngày 12/3, Báo Dân Việt có loạt bài phản ánh về "Cạm bẫy" mê tín dị đoan trên cung đường hành lễ Chùa Hương, phản ánh nhiều địa điểm thờ tự trên cung đường hành lễ đi Chùa Hương xuất hiện trò bịp cầu con. Tại Điện Mẫu, Đền Cửa Võng, các đối tượng giả cô, giả cậu làm lễ, khấn và “vòi tiền” người dân.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem