Khủng hoảng năng lượng khiến thị trường LNG rơi vào tay các tập đoàn lớn

Thứ tư, ngày 28/09/2022 07:00 AM (GMT+7)
Giá khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) tăng vọt đã khiến hàng chục công ty giao dịch nhỏ bị đánh bật khỏi thị trường, đẩy mảng kinh doanh này rơi vào tay một số tập đoàn năng lượng quốc tế lớn.
Bình luận 0
Khủng hoảng năng lượng khiến thị trường LNG rơi vào tay các tập đoàn lớn - Ảnh 1.

Một tàu chở LNG ở Futtsu, phía đông Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: Reuters

Theo hãng tin Reuters ngày 27/9, mức độ kiểm soát của các tập đoàn lớn sẽ phải tới năm 2026 mới giảm bớt, khi thị trường có nhiều LNG hơn và giá giảm. Tình hình hiện nay khiến các quốc gia nghèo thêm lo lắng về nguồn cung vì họ phải dựa vào LNG để sản xuất điện; đồng thời khiến các nền kinh tế lớn châu Á phải tăng chi phí.

Thị trường LNG toàn cầu đã tăng hơn gấp đôi quy mô kể từ năm 2011. Tại châu Á, hàng chục công ty mới ra đời và các công ty nhỏ đã mở rộng quy mô. Trong những năm gần đây, các nhà giao dịch nhỏ chiếm 20% lượng nhập khẩu LNG chỉ tính riêng ở Trung Quốc.

Nhưng giá LNG giao ngay tăng vọt từ 15- 20 triệu USD hai năm trước lên 175- 200 triệu USD, gây ra cơn địa chấn đối với hoạt động giao dịch của nhiều công ty nhỏ.

Vốn cần thiết để giao dịch trên thị trường đã tăng vọt sau khi giá LNG chuẩn tăng từ mức thấp kỷ lục là chưa đầy 2 USD/triệu đơn vị nhiệt Anh (mmBtu) vào năm 2020 lên mức cao 57 USD vào tháng 8.

Vào tháng 7, tập đoàn Nippon Steel Corp của Nhật Bản và là nhà sản xuất thép lớn thứ hai thế giới đã mua một lô hàng LNG với giá 41 USD/mmBtu. Giá LNG giao ngay lúc đó đứng ở mức 40,5 USD/mmBtu.

Giá gần đây đã giảm xuống, chạm mức 38 USD/mmBtu vào ngày 26/9, nhưng các nhà phân tích cho rằng giá vẫn ở mức cao và chịu ảnh hưởng từ khủng hoảng năng lượng đang diễn ra.

Ông Ben Sutton, Giám đốc điều hành công ty Six One Commodities tại Mỹ, cho biết: “Thách thức lớn nhất mà mọi người tham gia thị trường phải đối mặt lúc này là tín dụng”.

Biến động thị trường trong ngắn hạn đã làm tăng rủi ro cho các nhà giao dịch, trong đó yếu tố địa chính trị tác động tới giá thay vì các yếu tố cơ bản.

Ông Tamir Druz, Giám đốc điều hành công ty tư vấn LNG Capra Energy, cho biết: “Giá trị LNG tăng vọt đã gây áp lực khá lớn lên những công ty nhỏ”.

Tại châu Á, một giám đốc điều hành giao dịch nói rằng một số công ty nhỏ đã bỏ trống văn phòng ở trung tâm thương mại của Singapore, trong khi các thương nhân cấp hai Trung Quốc và một số công ty Hàn Quốc thu hẹp hoạt động do khó đảm bảo tài chính hơn.

Ông Pablo Galante Escobar, Giám đốc toàn cầu về LNG tại công ty kinh doanh năng lượng Vitol, phát biểu tại hội nghị Gastech quốc tế tại Milan: “LNG đã trở thành hàng hóa của những người giàu có”.

Các điều kiện đang nghiêng hẳn về những công ty có danh mục đầu tư lớn, đa dạng và vốn nhiều như các công ty dầu khí Shell, BP và TotalEnergies; các công ty giao dịch lớn như Vitol, Trafigura, Gunvor và Glencore.

Shell và TotalEnergies ước tính chiếm 110 triệu tấn trong số 400 triệu tấn trên thị trường hiện nay.

Cả hai tập đoàn này đều đã xây dựng danh mục đầu tư, trong đó Shell mua BG và TotalEnergies tiếp quản mảng LNG của Engie. Cả hai cũng là đối tác trong dự án mỏ North Field của Qatar, một trong những dự án LNG lớn nhất.

Cộng với danh mục đầu tư của Qatar Energy là 70 triệu tấn và danh mục đầu tư của BP ước tính khoảng 30 triệu tấn, có nghĩa là bốn công ty nói trên chiếm hơn một nửa thị trường.

Các nguồn tin trong ngành cho biết mặc dù lãi suất tăng đang làm tăng thêm chi phí giao dịch, những điều này vẫn chưa gây khó khăn cho những công ty lớn.

Shell và TotalEnergies đã báo cáo lợi nhuận kỷ lục, trong khi lợi nhuận kỷ lục nửa đầu năm 2022 của Vitol vượt quá kết quả của cả năm 2021.

Là bên mua LNG của Mỹ thông qua các hợp đồng dài hạn, Shell và TotalEnergies cũng thu được lợi nhuận lớn nhờ bán lại LNG Mỹ giá thấp cho các thị trường châu Âu với giá cao hơn.

Ông Guy Broggi, một nhà tư vấn LNG độc lập, nhận định: “Chúng ta sẽ ở trong giai đoạn chưa từng trải qua liên quan tới các thị trường LNG và hậu quả xung đột ở Ukraine khó đoán định. Một điều chắc chắn là giá sẽ cao hơn và cao trong thời gian lâu hơn”.

Giá LNG cao cũng đang khiến một số quốc gia rơi vào tình trạng nghèo năng lượng do một số lượng LNG đáng lẽ được bán cho các quốc gia nghèo, nhưng cuối cùng được bán cho người mua châu Âu.

Ông Felix Booth, Giám đốc bộ phận LNG tại công ty phân tích dữ liệu Vortexa, cho biết: “Pakistan và Bangladesh bị tác động lớn vì cả hai đều có chiến lược mua sắm gắn với giá mua giao ngay cao và phải đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng trong năm nay”.

Vào tháng 7, tập đoàn Pakistan LNG Limited không nhận được hồ sơ dự thầu nào trong cuộc đấu thầu nhập khẩu 10 lô LNG.

Bộ Dầu mỏ Ấn Độ cho biết Ấn Độ trả thêm 20% chi phí so với năm trước để nhập khẩu LNG trong tháng 7.

Ông Charlie Riedl, Giám đốc điều hành nhóm thương mại Trung tâm Khí tự nhiên Hóa lỏng (CLNG), cho biết: “Chúng ta phải xây dựng thêm cơ sở hạ tầng..., nếu không sẽ rất khó để cạnh tranh với các thị trường lớn”.

Thùy Dương (baotintuc.vn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem