Tiểu hành tinh có rộng 10km đâm xuống Trái đất theo "góc chết" khiến khủng long tuyệt diệt.
Nghiên cứu mới đăng tải trên tạp chí Nature Communications gần đây đã hé lộ chi tiết mới về vụ va chạm thiên thạch khổng lồ cách đây 66 triệu năm.
Các nhà nghiên cứu tin rằng thiên thạch rơi xuống bán đảo Yucatán theo một góc “chết chóc” 60 độ. Nếu là góc độ khác, có thể khủng long vẫn còn sống đến tận ngày nay.
Tác động khủng khiếp từ vụ va chạm đã khiến khí hậu trên Trái đất biến đổi hoàn toàn. Kết quả là toàn bộ loài khủng long bị tuyệt diệt, kèm theo 75% sự sống trên Trái đất ở thời điểm đó.
Nghiên cứu mới do các kỹ sư và nhà địa chất đến từ Đại học Hoàng gia Anh, Đại học Freiburg và Đại học Austin của Texas, thực hiện.
Các nhà khoa học sử dụng công nghệ mô phỏng 3D, tái hiện miệng hố rộng 200km mà thiên thạch tạo ra, từ đó thử nghiệm với các góc va chạm lần lượt là 90, 60, 45 và 30 cùng 2 tốc độ va chạm là 12 và 20km/giây.
Mô phỏng cho thấy thiên thạch đâm xuống Trái đất theo hướng đông bắc, ở góc chết chóc 60 độ.
“Đối với khủng long, đó là kịch bản tồi tệ nhất có thể xảy đến”, tác giả nghiên cứu, Gareth Collins nói. “Góc va chạm 60 độ đã tạo ra hàng loạt chuỗi phản ứng, giải phóng hàng tỷ tấn đất đá nóng chảy, lưu huỳnh, CO2 và hơi nước vào không khí, bao phủ toàn cầu, khiến khí hậu Trái đất biến đổi”.
Kết quả là Trái đất trở thành nơi không thể sống nổi, ánh Mặt trời không chiếu tới trong suốt 18 tháng. Các dạng thực vật sống bằng hình thức quang hợp nhanh chóng chết đi và Trái đất trải qua mùa đông khắc nghiệt.
Nếu thiên thạch lao trực diện hoặc ở một góc xiên hơn, sẽ không có nhiều mảnh vỡ văng ra khắp bầu khí quyển. Hiện tượng thiên nhiên cũng sẽ không tiêu cực đến vậy, các nhà nghiên cứu kết luận.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.