Khước từ đề xuất “xâm hại" bãi biển

 Dũ Tuấn Thứ tư, ngày 12/06/2019 06:20 AM (GMT+7)
Để giữ được không gian cộng đồng, người dân tự do xuống biển không rào chắn như hôm nay, bãi biển Quy Nhơn (Bình Định) đã từng trải qua rất nhiều giai đoạn thăng trầm, gian truân biến cố, thậm chí đứng trước nguy cơ bị thôn tính làm của riêng.
Bình luận 0

Hành trình gian nan

Còn nhớ, cuối tháng 4/2014, một doanh nghiệp ở Ninh Bình hoạt động “tiếng tăm” tại tỉnh Bình Định có văn bản gửi Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Định để xin chủ trương đầu tư xây dựng khu đô thị lấn biển TP.Quy Nhơn theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao). Theo đó, dự án sẽ xây dựng một khu đô thị với tổng diện tích quy hoạch 300ha, bao gồm một đại lộ ven biển dài 5km, chiếm phần lớn bãi biển Quy Nhơn. Khu đô thị này sẽ hình thành các khu tài chính, thương mại, dịch vụ, khách sạn, resort cao cấp, vui chơi giải trí.

Đến đầu tháng 5/2014, UBND tỉnh Bình Định đề nghị các cơ quan chức năng cùng người dân tham gia ý kiến với đề xuất trên, tuy nhiên hầu hết các ý kiến đều phản đối gay gắt.

Lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định thời điểm đó đưa ra quan điểm rằng, đây mới chỉ là đề xuất ý tưởng. Tuy nhiên, ý tưởng không có luận cứ khoa học nên khi triển khai chắc chắn sẽ phá vỡ môi trường, đặc biệt ảnh hưởng đến tình cảm người dân Bình Định đã yêu thương, gắn bó và nâng niu bãi biển Quy Nhơn. Do vậy, tỉnh Bình Định bác bỏ đề xuất này, quyết giữ nguyên hiện trạng bãi biển.

“Đề xuất này được doanh nghiệp gửi đến 2 thời kỳ Chủ tịch UBND tỉnh để xem xét nhưng đều bị từ chối. Thực tế, đây là câu chuyện “điên rồ” nhằm bê tông hóa bãi biển Quy Nhơn. Biển là của cộng đồng, nếu như chúng tôi chấp nhận làm dự án thì chắc chắn cả đời bị người dân chửi”, một lãnh đạo tỉnh Bình Định chia sẻ.

img

Bãi biển Quy Nhơn hiện là điểm đến du lịch hấp dẫn của du khách. (ảnh: Dũ Tuấn)

Khao khát phát triển du lịch

Ở bãi biển Quy Nhơn, một tồn tại khác khiến người dân phản ứng dữ dội, bức xúc âm ỉ chính là việc doanh nghiệp đổ đất, đá lấn biển Quy Nhơn đoạn Mũi Tấn rồi bỏ hoang nhiều năm, gây lãng phí không gian, làm xấu đi vẻ đẹp “vầng trăng khuyết” độc đáo.

Tồn tại này khởi điểm từ năm 2013, khi lãnh đạo tỉnh Bình Định đồng ý cho một doanh nghiệp thực hiện việc san lấp lấn biển tại khu vực Mũi Tấn biển Quy Nhơn với diện tích hơn 12ha để làm cáp treo nhằm kết nối với khu du lịch Hải Giang (xã Nhơn Hải) có vốn đầu tư 3.500 tỷ đồng.

Đây từng là dự án được kỳ vọng trở thành “con sếu đầu đàn” đưa ngành du lịch nơi đất võ, trời văn bay cao. Sau đó, đã xuất hiện xung đột về quyền lợi và cả nỗi lo khi hơn 130 hộ dân làng chài Hải Giang buộc phải di dời... Tuy nhiên, khu lấn biển Mũi Tấn bỏ hoang nhiều năm do giữa lãnh đạo tỉnh và nhà đầu tư không thống nhất được việc sử dụng khu đất và chưa tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Trong đó, có lý do nhà đầu tư muốn xây dựng hàng trăm biệt thự tại khu lấn biển để kinh doanh nhưng lãnh đạo tỉnh Bình Định kiên quyết không đồng ý và yêu cầu chủ đầu tư chỉ làm dịch vụ tại đây.

“Ròng rã chờ đợi, dự án chỉ là khu đất hoang hóa, cây cỏ um tùm, rào tôn kín mít. Lấn biển rồi bỏ hoang đã làm xấu đi danh xưng “vầng trăng khuyết” biển Quy Nhơn, lòng dân thì bức bối, khó chịu”, ông Nguyễn Trung (70 tuổi) chỉ tay về khối đất khủng nhô ra mặt biển với vẻ mặt đầy đau xót, tỏ vẻ không hài lòng bởi hậu quả sau 6 năm quyết định cho lấn biển từ chính quyền.

Anh Phan Đình Hiếu (44 tuổi, ở phường Lê Hồng Phong) cho biết, việc lấn biển rồi bỏ hoang khiến người dân và du khách đến Quy Nhơn hết sức bức xúc. “Sau lấn biển, bùn đen xuất hiện và gây hệ lụy khó lường. Chuyện lấn biển thì cũng đã thực hiện rồi, không thể nào trả lại nguyên thực trạng ban đầu. Nhưng nếu bỏ hoang quá lâu sẽ phí phạm quỹ đất ven biển, cần có biện pháp nạo vét, cải tạo cảnh quan”- anh Hiếu kiến nghị.

Ông Hồ Quốc Dũng - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho rằng, khu lấn biển tồn tại nhiều năm nhưng phải mất đến 6 năm thuyết phục thì nhà đầu tư mới đồng ý thực hiện triển khai theo đề nghị của tỉnh. “Thực tế bối cảnh vào lúc đó là như vậy. Tỉnh khát khao phát triển du lịch, tuy nhiên chúng tôi và nhà đầu tư lại không cùng tiếng nói chung, đến nay họ mới chấp thuận”- ông Dũng nói.

Theo Chủ tịch tỉnh Bình Định, nhà đầu tư đang làm theo ý tưởng của tỉnh, không cho xây biệt thự, sẽ cắt xén bớt phần đất mang lên bờ để trả lại độ cong tự nhiên cho bãi biển, còn lại phần lớn diện tích khu lấn biển Mũi Tấn sẽ xây dựng công viên cho người dân, phần nhỏ đoạn giáp Hải đoàn 48 nhà đầu tư sẽ làm khách sạn, khu thương mại đảm bảo không bị che khuất tầm nhìn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem