Trong đó 5 khuyến nghị bổ sung 12 điều mới trong các Chương I, IV, V, VIII, và 8 khuyến nghị sửa đổi các điều 34, 44, 47, 46, 81, 82, 95, 107 của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Sau hơn 5 tháng hỗ trợ triển khai các hoạt động tham vấn cộng đồng về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Viện Nghiên cứu lập pháp (Ủy ban Thường vụ Quốc hội) và Tổ chức Oxfam cùng với các tổ chức chính trị, xã hội ở các địa phương tham vấn hơn 1.300 người dân, bao gồm nông dân sản xuất nhỏ và các nhóm yếu thế khác như người nghèo, người dân tộc thiểu số, phụ nữ… Gần 300 cán bộ của chính quyền địa phương và các cơ quan ban, ngành cấp xã, cấp huyện và tỉnh (Hòa Bình, Yên Bái, Quảng Bình, Long An) đã được tham vấn qua các hội thảo cấp tỉnh và trung ương.
|
Chị Hồ Thị Còn, bản Bên Đường, xã Trường Sơn, Quảng Ninh, Quảng Bình: Chúng tôi gắn bó với rừng nhưng thiếu đất sản xuất, nên nghèo mãi. |
Góp ý xây dựng và bình luận dự thảo báo cáo kết quả tham vấn, có nhiều chuyên gia uy tín trong lĩnh vực đất đai như GS-TSKH Đặng Hùng Võ-nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, PGS-TS Nguyễn Quang Tuyến (Đại học Luật Hà Nội), PGS-TS Đặng Văn Thanh (Hội Kiểm toán VN), TS Mai Thanh Sơn cùng nhiều vị đại biểu Quốc hội từ các tỉnh thành như: Quảng Bình, Yên Bái, Cần Thơ, Trà Vinh, Hậu Giang… và đại diện nhiều tổ chức chính trị, xã hội khác.
Báo NTNN xin giới thiệu tóm tắt nội dung 5 khuyến nghị bổ sung 12 điều mới trong dự thảo báo cáo của Viện Nghiên cứu Lập pháp và Oxfam. Các khuyến nghị tập trung vào các nhóm vấn đề lớn sau đây:
Về các hình thức tham vấn, lấy ý kiến của dân trong quản lý đất đai và thực thi pháp luật đất đai: Báo cáo khuyến nghị bổ sung hai điều vào Chương 1 (Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi) về quy định 2 hình thức lấy ý kiến của người dân trong các quyết định của Nhà nước về đất đai, quản lý đất đai và thực thi pháp luật về đất đai: 1) Gửi thông tin và tiếp nhận ý kiến; 2) Tham vấn cộng đồng, và quy định về cơ chế đồng thuận của cộng đồng về các phương án liên quan tới quyết định Nhà nước về đất đai.
Về vị trí của quy hoạch sử dụng đất và quy trình lấy ý kiến người dân, tham vấn cộng đồng về lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất các cấp, có 2 điểm khuyến nghị: Về vị trí của quy hoạch sử dụng đất: Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được lập sau khi quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội được quyết định hoặc phê duyệt, và quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, quy hoạch các ngành, các lĩnh vực chỉ được cấp có thẩm quyền phê duyệt trên cơ sở quy hoạch sử dụng đất. Về quy trình lấy ý kiến người dân: Đối với các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia, cấp vùng và cấp tỉnh, tổ chức có nhiệm vụ lập quy hoạch, kế hoạch phải thực hiện việc lấy ý kiến của dân theo hình thức gửi thông tin và thu nhận ý kiến của những người quan tâm.
Đối với các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện, tổ chức có nhiệm vụ lập quy hoạch, kế hoạch phải thực hiện tham vấn cộng đồng trong phạm vi cộng đồng những người sử dụng đất theo địa bàn khu dân cư. Sự đồng thuận của cộng đồng được quy định là số lượng ý kiến đồng ý của các thành viên cộng đồng phải đạt ít nhất 75% trên tổng số thành viên cộng đồng đối với tất cả các khu vực đất thuộc địa bàn xã, phường, thị trấn sẽ phải chuyển đổi mục đích sử dụng trong kỳ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
Về quy trình lấy ý kiến dân, tham vấn cộng đồng trong quá trình xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất: Tổ chức phát triển quỹ đất có trách nhiệm thực hiện tham vấn cộng đồng về phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư sau khi hoàn thành việc lập phương án này. Việc tham vấn cộng đồng được thực hiện trong phạm vi cộng đồng những người bị trưng mua, trưng dụng quyền sử dụng đất trên phạm vi đất đai thực hiện dự án đầu tư. Sự đồng thuận của cộng đồng được quy định là số lượng ý kiến đồng ý của các thành viên cộng đồng phải đạt ít nhất 80% trên tổng số thành viên cộng đồng.
Về giải pháp giải quyết vấn đề đất đai sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số và giải pháp quản lý, sử dụng đất của nông, lâm trường nhằm đảm bảo sử dụng tiết kiệm, đúng mục đích và đạt hiệu quả kinh tế cao, đề nghị bổ sung 2 điều trong Chương V về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất: (1) Quy định việc giao đất của nông, lâm trường quốc doanh sử dụng không hiệu quả cho hộ gia đình, cá nhân ở địa phương và (2) Quy định về giao đất sản xuất nông nghiệp cho cộng đồng các dân tộc thiểu số để bảo vệ và sử dụng.
Đất đai đã được các nông lâm trường quốc doanh giao khoán theo hợp đồng cho hộ gia đình, cá nhân là thành viên của nông, lâm trường hoặc hộ gia đình, cá nhân ở địa phương nay được Nhà nước giao trực tiếp cho các hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng theo quy định của pháp luật về Nhà nước giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân để sử dụng ổn định.
Đối với đất mà nông lâm trường quốc doanh sử dụng không đạt năng suất và sản lượng trung bình của sản xuất tại địa phương thì Nhà nước thu hồi và giao cho các hộ gia đình, cá nhân thiếu đất sản xuất ở địa phương. Đây là nguồn đất để bảo đảm đất sản xuất, đất ở cho đồng bào các dân tộc thiểu số ở địa phương.
Nhà nước cần bảo đảm quỹ đất nông nghiệp cho đồng bào dân tộc thiểu số sử dụng ổn định lâu dài. Nhà nước thực hiện việc giao đất sản xuất nông nghiệp, đất rừng sản xuất, đất nuôi trồng thủy sản cho cộng đồng các dân tộc thiểu số để quản lý, bảo vệ và sử dụng phù hợp với phong tục, tập quán của các dân tộc thiểu số. Đối với những hộ thiếu đất sản xuất, đất ở thuộc diện được giao đất lần thứ hai không thu tiền sử dụng đất thì đất đó được giao cho cộng đồng để quản lý và cộng đồng quyết định giao cho các thành viên có nhu cầu để sử dụng theo các luật tục của cộng đồng.
Đất đai đã được các nông lâm trường quốc doanh giao khoán theo hợp đồng cho hộ gia đình, cá nhân là thành viên của nông, lâm trường hoặc hộ gia đình, cá nhân ở địa phương nay được Nhà nước giao trực tiếp cho các hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng theo quy định của pháp luật về Nhà nước giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân để sử dụng ổn định.
Về việc thành lập cơ quan quyết định giá đất độc lập: Đề nghị bổ sung 2 điều quy định về giá đất trong mục 2, Chương VIII về tài chính đất đai và giá đất, cụ thể bao gồm: Cần tách bạch thẩm quyền về quyết định giá đất ra khỏi các cơ quan nhà nước có thẩm quyền về giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất. Việc định giá phải đảm bảo dân chủ, công khai và minh bạch. Cơ quan có thẩm quyền quyết định giá đất là cơ quan định giá đất đai được tổ chức theo ngành dọc trực thuộc Trung ương.
Cơ quan định giá đất đai có trách nhiệm tham vấn ý kiến của các bên liên quan tới quyền sử dụng đất để thống nhất lựa chọn tổ chức cung cấp dịch vụ định giá đất. Cơ quan định giá đất đai quyết định về giá đất của Nhà nước trên cơ sở kết quả định giá của tổ chức cung cấp dịch vụ định giá. Quá trình quyết định giá đất của cơ quan định giá đất phải thực hiện công khai và các tổ chức chính trị - xã hội được quyền giám sát quá trình quyết định giá đất của Nhà nước.
Khuyến nghị về xác lập cơ chế bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước trưng dụng, trưng mua đất theo hướng huy động sự tham gia tích cực của cộng đồng trong quá trình trưng dụng, trưng mua, lập phương án bồi thường và thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư công khai, minh bạch và đúng pháp luật.
Ngoài ra, dự thảo báo cáo nói trên còn đề nghị bổ sung 4 điều trong Chương VI về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, và 8 khuyến nghị sửa đổi các điều 34, 44, 47, 46, 81, 82, 95, 107 của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)... Báo NTNN sẽ tiếp tục giới thiệu với độc giả vào kỳ tới.
Lam Giang
Vui lòng nhập nội dung bình luận.