Kịch bản 5.000 ca mắc Covid-19 mỗi ngày, Hà Nội đối mặt với Tết Nguyên đán ra sao?

Gia Khiêm Thứ bảy, ngày 08/01/2022 07:38 AM (GMT+7)
PGS.TS Hoàng Bùi Hải - Phó giám đốc Bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19 Đại học Y Hà Nội đã có những chia sẻ với PV Dân Việt về việc điều trị cho F0 nặng, nguy kịch trong bối cảnh Tết Nguyên đán cận kề.
Bình luận 0

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội tối 7/1 ghi nhận kỷ lục 2.725 ca mắc Covid-19. Đây là ngày thứ 6 liên tiếp thành phố vượt 2.000 ca mắc, sắp chạm mốc trong kịch bản cuối năm 3.000 ca nhiễm mỗi ngày.

Trước tình hình dịch bệnh phức tạp như hiện nay, kịch bản Hà Nội 5.000 ca nhiễm trong ngày có thể xảy ra khi Tết Nguyên đán cận kề. Vậy người dân làm gì để đón Tết an toàn? PV Dân Việt đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Hoàng Bùi Hải - Phó giám đốc Bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19 Đại học Y Hà Nội.

Kịch bản 5.000 ca Covid-19 mỗi ngày, Hà Nội đón Tết Nguyên đán như thế nào? - Ảnh 1.

Bên trong khu điều trị F0 nặng, nguy kịch tại Bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19 Đại học Y Hà Nội ngày 7/1. Ảnh: Gia Khiêm

Thưa ông, thời gian gần đây, số ca mắc Covid-19 tại Hà Nội tăng rất nhanh, việc này đồng nghĩa với số bệnh nhân nặng, nguy kịch tại bệnh viện rất nhiều. Xin ông chia sẻ rõ hơn về vấn đề này?

- Tình hình dịch Covid-19 hiện nay tại Hà Nội trở nên căng thẳng hơn, số lượng bệnh nhân F0 ngày càng nhiều. Đa số bệnh nhân đã được tiêm vaccine, tỉ lệ bệnh nhân nặng ít hơn. Tuy nhiên, khi số lượng F0 nhiều thì bệnh nhân nặng nhiều theo.

Tại Bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19 hiện ngày nào cũng có 20-30 trường hợp nhập viện vì tình trạng nặng như vậy. Cho đến nay, bệnh viện chúng tôi tiếp nhận gần 200 bệnh nhân nặng, nguy kịch.

Kịch bản 5.000 ca Covid-19 mỗi ngày, Hà Nội đón Tết Nguyên đán như thế nào? - Ảnh 2.

PGS.TS Hoàng Bùi Hải - Phó giám đốc Bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19 Đại học Y Hà Nội. Ảnh: Gia Khiêm

Với số lượng bệnh nhân nặng điều trị như vậy, bệnh viện đã rơi vào tình trạng quá tải chưa, thưa ông?

- Cũng như chúng tôi dự kiến, đây mới là giai đoạn 2 của bệnh viện. Công suất tối đa của Bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19 có thể đạt 500-700 giường bệnh, dự kiến 500 giường. Tuy nhiên, giai đoạn 2 chúng tôi đang điều trị cho 200 bệnh nhân để đảm bảo chất lượng, có nguồn nhân lực và trang bị phù hợp. Nếu thêm bệnh nhân nữa sẽ rất đông.

Trong số 200 F0 nặng mà có 40-60 bệnh nhân thở máy là con số rất lớn. Khi đó khối lượng công việc của nhân viên y tế vô cùng nhiều không chỉ điều trị mà kiêm chăm sóc luôn cho bệnh nhân bởi các F0 vào viện điều trị đều không có sự hỗ trợ của người thân. Toàn bộ sinh hoạt, điều trị đều do nhân viên y tế phụ trách.

Kịch bản 5.000 ca Covid-19 mỗi ngày, Hà Nội đón Tết Nguyên đán như thế nào? - Ảnh 3.

Bác sĩ đang điều trị cho bệnh nhân F0 nguy kịch tại Bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19 Đại học Y Hà Nội. Ảnh: Gia Khiêm

Biến chủng Omicron đã xâm nhập vào Việt Nam, theo ông Hà Nội cần có biện pháp gì để ngăn chặn dịch bệnh này trong bối cảnh gần Tết nhu cầu đi lại lớn?

- Hiện nay chúng ta đang đối phó với chủng Delta nhưng biến chủng có tốc độ lây lan rất nhanh cũng đã xuất hiện tại Việt Nam. Đến thời điểm này rất may những ca nhập cảnh mang biến chủng này đang được cách ly. Tuy nhiên, chúng ta không nên chủ quan.

Chúng tôi rất lo ngại khi Omicron xâm nhập vào. Một số ý kiến cho rằng có thể Omicron nhiễm nhanh đạt miễn dịch cộng đồng sớm hơn. Thực tế những người bệnh nền, cao tuổi khi nhiễm biến chủng sẽ rất nặng. Số lượng bệnh nhân tăng sẽ gây quá tải ngành y tế. Như vậy bệnh nhân khác sẽ ảnh hưởng.

Chủng Omicron mà thông tin từ đồng nghiệp trên thế giới cho thấy lây nhiễm cho nhân viên y tế rất nhiều. Đối với nhân viên y tế không triệu chứng hoàn toàn có thể làm việc tại bệnh viện điều trị Covid-19. Thế nhưng những nhân viên đó không thể làm việc tại bệnh viện bình thường, không thể chăm sóc bệnh nhân chưa mắc Covid-19 mà nhiều bệnh lý nền. Nếu thiếu nhân viên điều trị sẽ dẫn đến hậu quả vô cùng nặng nề khi không có người phục vụ cho bệnh nhân bệnh lý nền nhiều.

Kịch bản 5.000 ca Covid-19 mỗi ngày, Hà Nội đón Tết Nguyên đán như thế nào? - Ảnh 4.

Bảng theo dõi trung tâm quan sát sức khoẻ toàn bộ bệnh nhân điều trị tại bệnh viện. Ảnh: Gia Khiêm

Hiện đang có bộ phận người dân mang tâm lý chủ quan, tâm niệm trước sau gì ai cũng bị Covid-19, ông suy nghĩ sao về việc này?

- Có nhiều người suy nghĩ chủ quan rằng mình đã tiêm vaccine, khoẻ mạnh sẽ không ảnh hưởng gì. Một điều khẳng định nếu đã tiêm vaccine nguy cơ bị nặng sẽ thấp hơn rất nhiều. Đối với mỗi cá thể chúng ta chưa biết được khi bị nhiễm SARS-CoV-2 mình sẽ như thế nào.

Có những người đã tiêm 2 mũi vaccine vẫn có thể bị nặng. Đó là sự đáp ứng của từng cá thể và sự đáp ứng đó rất khác nhau của mỗi người. Có người nhìn rất khoẻ mạnh nhưng khi bị mắc Covid-19 sự tương tác với virus và tổn thương tự cơ thể gây ra cho mình rất lớn, ảnh hưởng rất nhiều, đặc biệt tới phổi.

Chính vì vậy, cộng đồng nên đảm bảo an toàn cho bản thân và mọi người xung quanh, thực hiện 5K theo khuyến cáo của Bộ Y tế và cơ quan chuyên môn dù chúng ta đã tiêm vaccine.

Hiện Hà Nội đang tiêm phủ mũi 3 sẽ giúp cho tình hình dịch sẽ dịu đi, thực tế tiêm mũi 3 có khẳng định 100% không mắc Covid-19 hay không?

- Điều này chắc chắn không thể khẳng định được. Khi chúng ta tiêm vaccine mũi tăng cường đồng nghĩa với việc 3 hoặc 6 tháng kháng thể có thể bị giảm đi. Tiêm mũi tăng cường với hy vọng bao phủ kháng thể tốt hơn, chống chọi với khả năng xâm nhập của virus chứ không hoàn toàn tuyệt đối đã tiêm mũi 3 là không miễn nhiễm.

Kịch bản 5.000 ca Covid-19 mỗi ngày, Hà Nội đón Tết Nguyên đán như thế nào? - Ảnh 5.

Nhân viên y tế những ngày qua căng mình điều trị cho bệnh nhân Covid-19. Ảnh: Gia Khiêm

Tết nguyên đán cận kề, nhiều nhận định cho rằng số ca mắc sẽ tăng lên, bệnh viện đã chuẩn bị như thế nào nếu ca mắc đạt đỉnh dịp này đảm bảo nhân lực, vật lực điều trị F0 nặng?

Bệnh viện chúng tôi đã kế hoạch 1.500 nhân viên tham gia điều trị F0, trong đó có từ Trường Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, các bệnh viện tại Hà Nội và một số bệnh viện khu vực miền Bắc. Số lượng bác sĩ, học viên Đại học y Hà Nội khá đông, chúng tôi đã dự kiến huy động các đồng nghiệp này đến hỗ trợ trong thời gian gần Tết nếu số lượng, nhu cầu bệnh nhân nặng nhiều hơn.

Chúng ta đã biết 1 bệnh nhân nặng phải thở máy đòi hỏi số lượng người phục vụ nhiều hơn rất nhiều so với bệnh nhân nhẹ. Các bệnh nhân Covid-19 sau giai đoạn cấp đến giai đoạn hậu Covid-19, có những bệnh nhân nằm 1 tháng, thậm chí hơn 2 tháng khi ra viện vẫn phải thở oxy.

Kịch bản 5.000 ca Covid-19 mỗi ngày, Hà Nội đón Tết Nguyên đán như thế nào? - Ảnh 6.

Nhân viên y tế làm việc luôn được đảm bảo an toàn cao nhất. Cảnh nhân viên y tế trực lấy dữ liệu thông tin bệnh nhân qua lớp kính ngăn cách. Ảnh: Gia Khiêm.

Nếu bệnh nhân được hỗ trợ phục hồi chức năng sớm có thể cai thở máy sau thời gian ngắn. Tuy nhiên, có bệnh nhân khi đã khỏi bệnh vẫn cần phục hồi chức năng hô hấp, vận động. Một số bệnh nhân tình trạng tinh thần không tốt trong thời gian dài thở máy sau thời kỳ dài phải nằm hồi sức cũng cần phải được phục hồi chức năng. Trước tình hình đó, Ban giám đốc Bệnh viện đã quyết định thành lập đơn vị phục hồi chức năng.

Đến nay, chúng tôi đã chuẩn bị 40 giường cho đơn vị này. Sắp tới chúng tôi ưu tiên bệnh nhân nằm trong viện đến hết giai đoạn hồi sức sẽ chuyển đơn vị đó và nhờ các chuyên gia phục hồi chức năng, hô hấp, tâm lý trị liệu. Như vậy bệnh viện sẽ giải phóng nhanh các khu vực hồi sức để có giường nhận bệnh nhân mới.

Chúng tôi điều động nhân lực theo tính chất uyển chuyển, thường xuyên. Khi nhu cầu cần đến đâu sẽ điều động nhân lực tới đó. Có ngày nhân lực điều động chưa kịp đến, tôi cũng cảm thấy sức nóng nhất định. Khi số lượng bệnh nhân thở máy nhiều hơn, bệnh nhân nặng nhiều nữa một số nhân viên thấy sức nặng, nóng của nó. Chúng tôi thường xuyên giữ liên lạc với Trường Đại học Y Hà Nội, với bệnh viện cơ sở 1 để điều động nhân lực một cách kịp thời nhất.

Theo ông, người dân cần đón Tết thế nào để đảm bảo an toàn?

Tết Nguyên đán sắp tới chúng ta vẫn có một số hoạt động vui chơi ngày Tết. Có thể thấy rằng khi Covid-19 xảy ra chúng ta nên sống chậm hơn một tí cũng là hay, ở với gia đình cũng là chuẩn mực. Mọi người hoàn toàn có thể có cái Tết vui vẻ, đầm ấm trong chính gia đình mình. Để phòng tránh dịch chúng ta có thể gọi điện chúc Tết và các biện pháp chúc Tết từ xa thay vì tập trung tại khu vui chơi nào đó rất đông người.

Các hoạt động Tết hay Lễ hội thì mọi người cần hạn chế và nên ở nhà, khai thác hết khía cạnh tình cảm mà lâu nay bận rộn quá chúng ta chưa để ý đến. Đây cũng là điều thú vị, mọi người nên tập trung về gia đình, gia đình là nơi quan trọng nhất, hoạt động như vậy sẽ giảm nguy cơ tăng nhiễm.

Bệnh viện có kế hoạch đón Tết cho nhân viên như thế nào, thưa ông?

Tết Nguyên đán chúng tôi chưa tính sẽ phân công lịch trực, nghỉ thế nào. Một điều khẳng định đó là các nhân viên y tế sẽ làm việc liên tục, tuỳ thuộc vào tình trạng dịch. Nếu số lượng F0 đông hơn có khi huy động nhân lực nhiều hơn.

Có điều đặc biệt đó là chúng tôi có môi trường làm việc an toàn, nhân viên sẽ được giám sát về mức độ an toàn cũng như tự đánh giá nguy cơ của mình trong việc phơi nhiễm để quyết định có về nhà hay không. Trường hợp nhân viên có nhà ở Hà Nội hoàn toàn đi làm theo ca, kíp đi làm bình thường, thực hiện 1 cung đường 2 điểm đến.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng bàn bạc, lên kế hoạch làm một số hoạt động Tết cho nhân viên để mọi người thêm tinh thần làm việc như gói bánh chưng (dự định 20-21/12 âm lịch tổ chức). Như vậy sẽ tạo thêm không khí Tết cho nhân viên y tế và một số hoạt động khác để mọi người tiếp tục hành trình chống dịch Covid-19.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem