Kịch bản nào vực dậy nền kinh tế hậu dịch Covid-19?

Quang Dân Thứ sáu, ngày 10/04/2020 11:16 AM (GMT+7)
Theo Bộ KH-ĐT, trước tiên, kiểm soát dịch thành công với số ca nhiễm mới tăng chậm, tăng nhanh số ca được điều trị khỏi, hạn chế tối đa số ca tử vong. Đồng thời, gia tăng mối quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư quốc tế đối với Việt Nam như là một điểm đến đầu tư, kinh doanh an toàn, bền vững...
Bình luận 0

Nhiều chỉ số giảm do dịch Covid-19

Để tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng từ dịch Covid-19, Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan trung ương liên quan triển khai xây dựng Nghị quyết của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; Dảo đảm trật tự an toàn xã hội ứng phó với dịch Covid19.

Bộ KH-ĐT đánh giá, tác động của dịch Covid-19 là rất nghiêm trọng, ảnh hưởng toàn diện đến tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế, gây gián đoạn chuỗi cung ứng và lưu chuyển thương mại, làm đình trệ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, ảnh hưởng mạnh đến tâm lý và đời sống nhân dân, tác động trực tiếp đến các ngành xuất nhập khẩu, du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống, y tế, giáo dục, lao động việc làm, nhiều doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, thu hẹp quy mô...

Kịch bản nào để vực dậy nền kinh tế sau khi dịch Covid-19 kết thúc - Ảnh 1.

Bộ KH-ĐT đưa ra kịch bản dự kiến thúc đẩy nền kinh tế sau khi hết dịch Covid-19.

Thống kê của Bộ KH-ĐT cho thấy, tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) Quý I ước chỉ tăng 3,82% so với cùng kỳ, thấp nhất từ năm 2011 tới nay. Dịch càng kéo dài, ảnh hưởng đến nền kinh tế càng nghiêm trọng hơn, mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm.

6,8% là rất thách thức và khó đạt được. Trường hợp dịch được khống chế trong Quý II, tăng trưởng GDP dự báo đạt khoảng 5,32% và trường hợp dịch kéo dài hết đến Quý III thì tăng trưởng GDP dự báo là 5,05%.

Nhìn nhận về tác động của dịch Covid-19 tới nên kinh tế, Bộ KH-ĐT nêu, nột số chỉ tiêu vĩ mô có nguy cơ bị tác động mạnh như: chỉ số giá tiêu dùng bình quân (CPI) cả năm có thể tăng trên 4% nếu không có các giải pháp điều hành giá quyết liệt; thu ngân sách nhà nước có thể giảm 145 nghìn tỷ đồng; xuất nhập khẩu, đầu tư của khu vực tư nhân và FDI giảm mạnh do "cầu" của thế giới giảm mạnh, các nhà đầu tư có xu hướng thận trọng trong quyết định đầu tư và chuyển hướng đầu tư an toàn hơn.

Đáng chú ý, trong Quý I, lĩnh vực nông, lâm nghiệp thủy sản gần như không có tăng trưởng, chỉ tăng 0,08% do tác động kép của dịch và tình hình hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Đồng bằng Sông Cửu Long, dịch tả lợn Châu Phi chưa được khống chế hoàn toàn.

Nghiêm trọng nhất là khu vực công nghiệp và xây dựng giảm mạnh, chỉ tăng 5,28%, bằng một nửa mức tăng của Quý I năm 2018, nhiều ngành công nghiệp động lực (như chế biến, chế tạo) bị tác động do bị gián đoạn chuỗi cung ứng nguyên liệu đầu vào và nhu cầu thị trường giảm sút.

Khu vực dịch vụ chỉ tăng 3,27% do hoạt động du lịch, dịch vụ vận tải hành khách, lưu trú, ăn uống từ tháng 3 đến nay gần như dừng hoạt động do chính sách hạn chế đông người và tâm lý lo ngại của người tiêu dùng.

Các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, nguồn nguyên liệu đầu vào và thị trường đầu ra đều giảm mạnh; chi phí để duy trì hoạt động trở thành gánh nặng trong khi dòng tiền dần thiếu hụt; doanh thu sụt giảm, thậm chí thua lỗ; khả năng cầm cự không thể kéo dài; số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường và tạm ngừng kinh doanh có thời hạn tăng cao so với cùng kỳ.

Lao đao vì dịch Covid-19 gây ra kéo theo nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm nhân sự, nhiều lao động mất việc làm, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động dự báo đạt mức thấp kỷ lục trong 10 năm qua, tỷ lệ thiếu việc làm tăng cao nhất trong 5 năm trở lại đây, tỷ lệ thất nghiệp có xu hướng tăng; qua khảo sát nhanh, có tới 53% doanh nghiệp dự kiến giảm ít nhất 20% số lao động, 27% dự kiến cắt giảm trên 40% số lao động.

Kịch bản nào vực dậy nền kinh tế

Dịch Covid-19 gây ra nhiều khó khăn, thiệt hại đối với các nền kinh tế trên thế giới, nhưng lại là cơ hội cho những nền kinh tế nếu biết tận dụng từ việc điều chỉnh, xắp xếp lại cục diện kinh tế, thương mại toàn cầu do dịch gây ra. Qua đó, Bộ KHĐT đưa ra kịch bản dự kiến sớm các giải pháp để vực dậy nền kinh tế sau khi dịch kết thúc là cần thiết.

Trước tiên, kiểm soát dịch thành công với số ca nhiễm mới tăng chậm, tăng nhanh số ca được điều trị khỏi, hạn chế tối đa số ca tử vong. Tiếp theo, cần thực hiện quyết liệt, đầy đủ các giải pháp đã ban hành tại các Nghị quyết của Chính phủ, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ nhằm duy trì được các hoạt động kinh tế, xã hội ở mức hợp lý, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.

Đặc biệt là trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19 sẽ gia tăng khả năng "bình phục" nhanh và "bứt phá" cho nền kinh tế sau khi dịch qua đi. Đồng thời, gia tăng mối quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư quốc tế đối với Việt Nam như là một điểm đến đầu tư, kinh doanh an toàn, bền vững.

Bên cạnh đó, cần đánh giá các tác động của dịch tới các ngành, lĩnh vực, nền kinh tế đất nước; nghiên cứu và dự báo những xu thế, cơ hội và xác định những động lực mới cho tăng trưởng làm cơ sở đẩy nhanh việc cơ cấu lại nền kinh tế cho phù hợp với những chuyển dịch, cấu trúc mới, như nhu cầu phát triển và chuyển đổi số, nhu cầu về lao động, xu hướng đầu tư, xu hướng tiêu dùng...

Đồng thời, hình thành sớm các kịch bản "vực dậy" nền kinh tế dịch Covid-19, cụ thể hóa đến từng ngành, lĩnh vực, địa phương, từng khu vực doanh nghiệp trước khi dịch kết thúc để nền kinh tế sẵn sàng chuyển sang trạng thái hoạt động mới; đủ sức cạnh tranh, chủ động tham gia vào các chuỗi liên kết, chuỗi giá trị mới được hình thành sau dịch. Tranh thủ nắm bắt, tận dụng mọi cơ hội để đất nước phát triển nhanh và bền vững không chỉ bằng mà phải hơn thời điểm trước khi dịch bùng phát.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem