Kiểm lâm câu kết lâm tặc: Do đạo đức hay cơ chế?

Thứ hai, ngày 19/12/2011 16:41 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Phi vụ cán bộ kiểm lâm bắt tay với kẻ gian vận chuyển gỗ lậu ở Pù Huống (Nghệ An) làm chết 10 người tuần qua đã gây rúng động cho dư luận cả nước.
Bình luận 0

Đạo đức, lòng tham của một bộ phận kiểm lâm hay cơ chế quản lý rừng thiếu chặt chẽ đã gây nên tình trạng trên? Về vấn đề này, phóng viên Báo NTNN đã phỏng vấn ông Nguyễn Đình Xuân - nguyên ĐBQH khoá XI, XII, Giám đốc Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát (Tây Ninh).

Nhiều con sâu trong ngành kiểm lâm

img
Ông Nguyễn Đình Xuân

Là đồng nghiệp với những cán bộ ở Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Huống, ông chia sẻ và đánh giá thế nào về vụ việc lình sình vừa qua? Ở chỗ ông, có tình trạng kiểm lâm bắt tay với lâm tặc phá rừng không?

- Cả tuần qua, tôi theo dõi rất kỹ diễn biến vụ việc. Phải nói rằng, đó là một điều rất đáng tiếc và xấu hổ đối với chúng tôi. Họ đã làm ngược lại với chức nghiệp của mình, đã phản bội lại những đồng đội của mình. Vụ việc này là một bài học đáng giá trong công tác quản lý cán bộ. Chúng tôi sẽ nghiên cứu kỹ để có những biện pháp quản lý thật chặt nhằm tránh những sự việc tương tự có thể xảy ra trên địa bàn mình quản lý.

Còn ở chỗ tôi, Vườn quốc gia Lò Gò - Xa - Mát chắc chắn không có tình trạng kiểm lâm bắt tay với lâm tặc bởi ở đây làm gì có phá rừng, khai thác gỗ để thực hiện cái gọi là bắt tay, bảo kê. Tôi nói thật, nhà cửa của cán bộ chúng tôi, rồi trụ sở cơ quan của chúng tôi đều làm bằng sắt thép, bê tông; còn bàn ghế thì dùng gỗ ghép của rừng trồng. Nhiều năm qua, chúng tôi không bị mất ha rừng nào mà ngược lại đã vận động và cưỡng chế chặt bỏ hàng trăm ha cao su, điều, do người dân lấn chiếm trong các thời kỳ trước để chuyển sang trồng rừng.

Thực ra, không phải từ vụ chở gỗ lậu ở Nghệ An, lâu nay tình trạng kiểm lâm phá rừng, bắt tay với lâm tặc cũng đã diễn ra khá phổ biến, thậm chí có ý kiến còn nói đang hình thành một đường dây kiểm lâm bắt tay với lâm tặc phá rừng?

- Điều đó là có thật nhưng không phải nơi nào cũng vậy. Bởi để có bắt tay giữa kiểm lâm và lâm tặc thì trước hết phải có phá rừng, lấy gỗ, lấy đất, trộm cắp lâm sản. Nhiều nơi không phá rừng, lấy gỗ rồi mua bán trái phép thì làm sao có chia chác, bắt tay. Chúng ta bức xúc vì những kiểm lâm biến chất nhưng cũng nên nhìn nhận sự việc thật khách quan bởi hiện vẫn còn rất nhiều kiểm lâm đang ngày đêm đổ mồ hôi, công sức, đổ máu để giữ rừng, chống lâm tặc.

Nhìn lại một số vụ việc kiểm lâm bảo kê, bắt tay cho lâm tặc gây bức xúc dư luận gần đây, theo ông nguyên nhân chính của tình trạng đó là gì? Có phải do đạo đức của một bộ phận cán bộ kiểm lâm đang xuống cấp?

- Từ khi đất nước chuyển sang nền kinh tế thị trường, rồi mọi thứ đều quy đổi thành tiền thì lòng tham của nhiều người đã bị kích thích. Trong đó, với riêng lực lượng kiểm lâm đã có một bộ phận cán bộ, nhân viên bị thoái hoá, biến chất, tức là đạo đức có vấn đề.

Không chỉ ở Nghệ An mới có cán bộ kiểm lâm chở gỗ lậu, mới đây ở Đồng Nai cũng có kiểm lâm tráo voọc thành khỉ để gỡ tội cho nhà hàng, rồi Kiểm lâm Thanh Hoá nhận mãi lộ để cho các xe chở gỗ lậu đi qua. Một loạt các vụ việc tiêu cực xảy ra trong thời gian ngắn, rõ ràng chúng ta cần gióng hồi chuông báo động về đạo đức kiểm lâm.

img
Bên cạnh những cán bộ kiểm lâm đã quên mình để bảo vệ rừng, vẫn còn nhiều kiểm lâm “nhúng chàm”, bắt tay với lâm tặc. (Ảnh: Lực lượng kiểm lâm bắt một vụ phá rừng ở Gia Lai)

Là người trong ngành, tôi khẳng định bên cạnh những kiểm lâm đã đổ máu để giữ rừng, hiện vẫn còn rất nhiều cán bộ, nhân viên kiểm lâm tiêu cực, biến chất. Tôi nói thẳng, không phải một con sâu, mà là nhiều con sâu trong ngành kiểm lâm làm rầu nồi canh.

Có ý kiến cho rằng, ngoài vấn đề đạo đức thì do lương, thu nhập của kiểm lâm thấp, sống trong điều kiện cực khổ, nên họ dễ bị loá mắt trước các nguồn lợi từ rừng?

- Trước hết phải thừa nhận lương của kiểm lâm thấp, làm việc trong điều kiện gian khổ, nguy hiểm luôn rình rập. Tuy nhiên, nhìn rộng ra, không phải chỉ kiểm lâm mà mặt bằng chung về lương của công chức, cán bộ Việt Nam đều thấp. Vì vậy, nếu lấy lý do lương thấp rồi sinh ra tiêu cực là không đúng, thoái thác trách nhiệm.

Thế còn nguyên nhân chúng ta chưa xây dựng được một cơ chế giám sát cán bộ kiểm lâm thì sao?

- Tôi nghĩ, lực lượng kiểm lâm cũng như các lực lượng cảnh sát giao thông, thuế vụ, hải quan... khi chúng ta đã giao quyền cho họ thì phải có sự giám sát chặt chẽ. Nếu không giám sát quyền hạn và trách nhiệm đó, sớm hay muộn cũng sẽ xảy ra tiêu cực.

Với kiểm lâm được giao bảo vệ một khu vực rừng, trước hết anh phải có trách nhiệm bảo vệ cho được khu rừng đó; còn khi làm mất tài nguyên rừng, mất gỗ thì cấp trên, đồng nghiệp phải tìm ngay nguyên nhân và quy trách nhiệm cụ thể. Ngoài việc tự giám sát nhau thì chính quyền địa phương, nhân dân, các lực lượng khác cũng phải giám sát kiểm lâm.

Tôi đã phát biểu trước Quốc hội rằng: Nơi nào để mất rừng, phá rừng nghiêm trọng, kéo dài, ở đó chắc chắn tồn tại tiêu cực, bắt tay, bảo kê. Bởi gỗ rừng là sản vật rất lớn, không dễ gì mà phá, vận chuyển nếu như chính quyền các cấp, kiểm lâm, công an, dân quân thiếu trách nhiệm hoặc bắt tay, làm lơ...

Làm rõ trách nhiệm quản lý

Từ vụ kiểm lâm ở Pù Huống tiêu cực, có ý kiến cho rằng cần phải quy trách nhiệm cho ngành kiểm lâm Nghệ An, Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ NNPTNT? Ý kiến của ông như thế nào?

- Về mặt tổ chức, BQL vườn quốc gia quản lý lực lượng hạt kiểm lâm vườn, về chuyên môn nghiệp vụ do Chi cục Kiểm lâm tỉnh quản lý. Đó là chưa kể việc thanh, kiểm tra lực lượng kiểm lâm thuộc ngành nông nghiệp...

Do đó, nếu chỉ nói trách nhiệm của ban lãnh đạo Vườn quốc gia Pù Huống là chưa đủ. Ở đây, ngoài trách nhiệm của Sở NNPTNT Nghệ An, còn phải xem xét trách nhiệm của Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ NNPTNT. Các cơ quan này cần rút kinh nghiệm nghiêm túc.

Ở nhiều nước, khi cán bộ trong ngành có điều tiếng, người đứng đầu, tức bộ trưởng phải đứng ra xin lỗi. Ở Việt Nam, vụ việc này mới chỉ thấy lãnh đạo ngành kêu bức xúc, đau xót chứ chưa thấy nhận lỗi, xin chịu trách nhiệm trước dân?

- Khi xảy ra một sai phạm có tính chất hệ thống, xảy ra liên tục trong một thời gian ngắn trước hết những người lãnh đạo của ngành đó phải nhận trách nhiệm. Sau đó, họ phải đề ra những giải pháp ứng phó, ngăn chặn những vụ việc tương tự có thể xảy ra.

img Đạo đức của cán bộ, công chức luôn luôn phải trau dồi, với kiểm lâm càng phải trau dồi, rèn luyện bởi hàng ngày tiếp xúc với nguồn lợi, như gỗ, thú rừng, nhiều sản vật quý mà đạo đức không trong sáng, cái tâm không sạch sẽ rất khó giữ mình. Nhưng, cái khó là khi tuyển dụng làm sao chúng ta biết anh ta đạo đức như thế nào? Vì thế, việc đánh giá đạo đức của kiểm lâm tốt nhất là theo dõi kiểm tra qua quá trình công tác. Nếu đạo đức của ai có vấn đề, cần sàng lọc ngay. img

Trách nhiệm có lẽ cũng chỉ đến thế thôi chứ một cán bộ trong ngành tiêu cực mà bắt phải lãnh đạo chịu trách nhiệm trực tiếp e rằng không phải. Cái chúng ta đòi hỏi ở đây là trách nhiệm quản lý, trách nhiệm người đứng đầu của anh như thế nào, ví dụ như đã không ban hành kịp thời các quy định, chế tài giám sát nhân viện cấp dưới của mình.

Ở ta, trách nhiệm không rõ, chung chung như thế sẽ rất khó ngăn chặn được các vụ việc tương tự?

- Cái này thì thuộc về cách quản lý bộ máy. Ở nhiều nước, họ trao quyền cho người lãnh đạo rất lớn. Bộ trưởng có thể cách chức, miễn nhiệm cấp dưới nếu không hoàn thành nhiệm vụ vì bất cứ lý do gì. Ở ta không như thế, bộ trưởng đâu có quyền cách chức, cho nghỉ việc cấp phó của mình, bởi bộ trưởng không bổ nhiệm cấp phó của mình. Quy trình cán bộ của ta khác, nên trách nhiệm của người đứng đầu nhìn chung cũng khác với các nước khác.

Bộ trưởng Bộ NNPTNT vừa ra công điện yêu cầu chấn chỉnh, kiểm tra lực lượng kiểm lâm. Thưa ông, nếu không có vụ tiêu cực ở Nghệ An, liệu có công điện đó không? Phải chăng sự chủ động trong các biện pháp ngăn ngừa tiêu cực của ngành kiểm lâm là không có?

- Tôi nghĩ, công điện của Bộ NNPTNT là sự phản ứng cần thiết trong thời điểm hiện nay. Nhưng đúng là về lâu dài phải có các giải pháp khác căn cơ, chặt chẽ hơn. Không thể cứ vụ việc xảy ra rồi chúng ta mới nhắc nhở, kiểm tra. Phải có cơ chế, quy chế kiểm soát từ đầu, thường xuyên, liên tục.

Bên cạnh đó, luật pháp đã quy định, việc bảo vệ rừng là nhiệm vụ của toàn dân, của các ngành, các cấp chứ không phải của riêng kiểm lâm. Nhà nước giao trách nhiệm chính cho lực lượng kiểm lâm nhưng cũng đòi hỏi ở các lực lượng khác. Nếu không làm được thế, chúng ta rất khó giải quyết tận gốc vấn đề.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem